Nghe câu hát "ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó" của Nhạc sĩ Lê Vinh thì có vẻ nên thơ. Nhưng ở đó còn có đa số là những ngôi nhà nhỏ, nhiều gia đình nơi ở rất nhỏ, mà ngổn ngang, chật ních các đồ đạc, vật dụng.
Không ít vật dụng ở đó cả năm không hề được động tới, vì lỡ mua về khi vui mắt! Và tự nén nơi ở của mình đã trở thành căn bệnh trầm kha, phổ biến, khiến nơi ở của gia đình – vốn đã chật hẹp – trở nên ngột ngạt.
Thực ra, vô tình giảm thiểu điều kiện sống của gia đình không chỉ do nơi ở quá chật hẹp, mà là ở căn bệnh mua sắm quá đà thời kinh tế thị trường nở rộ như hiện nay.
Các bà, các chị có nhiều thời gian đi dạo phố để tránh cái ngột ngạt trong ngôi nhà nhỏ bé đó, thấy cái "hay hay", "vui mắt" lại rước về. Lâu dần, đồ đạc, vật dụng để la liệt khắp nơi, cả nóc tủ, rồi làm thêm giá kệ để bầy, thậm chí cả tầng lửng để chứa các đồ vật, cũ mới, lẫn lộn, ...
Kinh tế thị trường có ba đặc trưng, gồm tự do kinh doanh, cạnh tranh gay gắt và phân hóa mạnh mẽ. Để tồn tại và phát triển trong thị trường "đầy giông gió" này, buộc các doanh nhân, nhà quản lý các doanh nghiệp phải nghĩ ra trăm phương ngàn kế để thu hút khách hàng, tăng doanh thu và lợi nhuận.
Hệ quả là vô vàn các mẫu mã, kiểu cách hàng hóa mới ra đời liên tục và bầy bán ở khắp mọi nơi. Khiến nhiều người "ngứa mắt" là lại móc ví ra – nhất là ví điện tử tiện dụng ngày nay – để rơi vào bệnh "mua sắm quá đà".
"Bệnh shoping" là tự nhiên và lẽ thường của đời sống. Hơn nữa đó là thuộc tính của con người, đáng khuyến khích, vì nó góp phần tăng sức mua, giúp phát triển sản xuất, thương mại và cả sáng tạo nữa.
Nơi nào tiêu dùng giảm là nơi đó kinh tế khó khăn, sản phẩm quốc nội giảm thiểu, khiến không chỉ doanh nghiệp mà cả nhà nước phải có chính sách khuyến mãi, kích thích tiêu dùng.
Hai mặt đối lập – khuyến mại và bệnh shopping – luôn tồn tại song hành. Nhưng mua sắm quá đà để tự nén nơi của mình lại là câu chuyện xã hội cần được nhìn nhận thấu đáo, cần cách lý giải phù hợp.
Chưa bao giờ thương mại điện tử nở rộ như hiện nay. Hàng hóa thì vô cùng phong phú, đa dạng: từ đồ ăn thức uống đến đồ gia dụng, thời trang, đồ chơi điện tử, … và lời chào mời thì hút khách: bền đẹp, giao hàng tận nơi miễn phí, nhận hàng kiểm đếm rồi mới trả tiền, không đúng side được đổi, …
Đến lượt cả cụ bà và các cụ ông, quỹ thời gian thì vô hạn, rảnh quá lại sẵn điện thoại thông minh cầm tay, cứ lướt thấy gì "hút mắt" là đặt mua rồi chờ nhận hàng tại nhà.
Vô tình mà cả cụ ông, cụ bà thi nhau mua sắm chứ không chỉ con cháu đem tới biếu tặng. Dần dần đồ dùng cứ đầy ắp lên. Có gia đình hàng đặt nhiều đồ ngay dưới ngăn bàn ăn.
Đôi khi vô tình khua tay chạm phải cái bọc dưới ngăn bàn, kiểm tra mới biết là bột đậu đen nhưng hết hạn sử dụng quá 6 tháng rồi. Lại vứt bỏ vào thùng rác.
Không thể phủ nhận lợi ích to lớn của kinh tế thị trường: sản xuất, thương mại, tiêu dùng đều phát triển mạnh.
Những quốc gia có nền kinh tế thị trường lâu đời đều là những quốc gia giàu có, những quốc gia đi sau thì thị trường chậm hơn và nền kinh tế chịu thiệt thòi trong bối cảnh hội nhập toàn cầu ngày nay – thậm chí còn nhiều bất lợi khi chưa được các nước giàu thừa nhận là nền kinh tế thị trường.
Trái lại, ở những nước có nền kinh tế thị trường phát triển mạnh thì người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều: hàng nhiều, giá rẻ, tiện ích tiêu dùng cao, mạnh tay mua sắm do thu nhập cao khiến kinh tế - xã hội đều phát triển mạnh.
Chính trong bối cảnh đó, buộc người tiêu dùng phải thông minh hơn, lựa chọn loại hàng, mặt hàng để mua sắm một cách thông minh. Đặc biệt là phải biết mua sắm phù hợp: đủ dùng, chỉ mua thứ thật cần, không để dư thừa, đến mức "tự nén nơi ở của gia đình mình làm cho nó trở nên ngột ngạt" như tình trang đang diễn ra phổ biến hiện nay. Đó là lối sống văn minh, góp phần tạo cho mình có không gian sống đẹp, mạnh khỏe và hạnh phúc.
Nhìn rộng ra, ở nhiều nước kinh tế thị trường phát triển lâu rồi, sản xuất và thương mại ở tầm cao, hàng hóa quá phong phú, dồi dào, nhưng người tiêu dùng không hề mắc bệnh "mua sắm quá đà" như ở ta.
Đơn cử, Nhật Bản là nước nằm trong nhóm các nước công nghiệp phát triển G7, nhưng người dân sống rất văn minh, một xã hội học tập và coi trọng tiêu dùng phù hợp.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Luật gia Phan Văn Tân