Ngày 15/4/2020 tới đây, khi Nghị định 15/2020/NĐ-CP có hiệu lực, không chỉ là các tài khoản game, mọi vật phẩm ảo trong game cũng không được phép mua bán và quy đổi ra tiền thật.
Cụ thể, sẽ phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng đối với cá nhân, người chơi game có hành vi:
- Mua, bán vật phẩm ảo hoặc đơn vị ảo hoặc điểm thưởng.
- Lợi dụng trò chơi điện tử để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia.
Ngoài ra. ngưới chơi có hành vi không chấp hành quy định về quản lý giờ chơi tại điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng bị phạt tiền từ 600.000 đến 1 triệu đồng.
Bên cạnh đó, phạt tiền từ 170 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng vi phạm các hành vi sau:
- Quy đổi vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng được thành tiền hoặc thẻ thanh toán hoặc phiếu thưởng hoặc các hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử dưới bất kỳ hình thức nào.
- Khởi tạo các vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng trong trò chơi điện tử không đúng theo nội dung, kịch bản trò chơi điện tử bị.
- Cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 có thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài việc phạt tiền, tổ chức có hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1, Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng từ 22 đến 24 tháng; đồng thời, bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Hành vi cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 có nội dung, hình ảnh, âm thanh gây cảm giác ghê sợ, rùng rợn, kích động bạo lực, thú tính, khêu gợi, kích thích dâm ô, trụy lạc, trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam bị phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng.
Mức phạt 30 đến 40 triệu đồng cũng được áp dụng với hành vi cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 có nội dung, hình ảnh, âm thanh phá hoại truyền thống lịch sử, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của cá nhân...
Hoàng Mai