Công chức được phân loại theo 2 cách
Theo quy định tại Điều 34 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, công chức được phân loại theo 2 căn cứ:
Thứ nhất, căn cứ vào ngạch được bổ nhiệm, công chức được phân thành:
- Loại A: Người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên cao cấp.
- Loại B: Người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính.
- Loại C: Người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên.
- Loại D: Người được bổ nhiệm vào ngạch cán sự và ngạch nhân viên.
Thứ 2, căn cứ vào vị trí công tác, công chức được phân loại thành:
- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
- Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Tuy nhiên, khi Luật Cán bộ, công chức được sửa đổi, bổ sung thì tại khoản 1 Điều 34 Luật này, “căn cứ vào ngạch công chức” đã được đổi thành “căn cứ vào lĩnh vực ngành, nghề, chuyên môn, nghiệp vụ”.
Không chỉ vậy, do khoản 7 Điều 1 Luật năm 2019 đã thêm “ngạch khác” vào danh sách các ngạch công chức nên ngoài căn cứ vào 4 ngạch đã biết trước đây, công chức còn được phân loại theo ngạch khác.
Do đó, căn cứ vào lĩnh vực ngành, nghề, chuyên môn, nghiệp vụ, công chức được phân loại theo ngạch công chức tương ứng với các ngạch chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên, cán sự, nhân viên và ngạch khác.
Hiện nay, Chính phủ chưa có văn bản nào quy định chi tiết về “ngạch khác” vừa được bổ sung này mà mới chỉ lên kế hoạch xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi tại Quyết định 69/QĐ-BNV.
Như vậy, hiện nay, công chức vẫn được phân loại theo 2 hình thức. Từ 1/7/2020 dù có sửa đổi căn cứ phân loại theo ngạch nhưng vẫn giữ nguyên 2 hình thức để phân loại công chức.
Thu hẹp các đối tượng là công chức
Không chỉ thay đổi về cách phân loại công chức mà việc quy định những người là công chức cũng được sửa đổi, bổ sung. Theo đó, Điều 32 Luật Cán bộ, công chức quy định những đối tượng là công chức gồm:
- Công chức trong cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị, xã hội.
- Công chức trong cơ quan Nhà nước.
- Công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập (quy định này đã bị bãi bỏ bởi khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung).
- Công chức trong cơ quan, đơn vị thuộc quân đội mà không phải sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong đơn vị thuộc công an mà không phải sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp (quy định này được sửa đổi thành sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an).
Có thể thấy, quy định này đã thực hiện hóa chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Nghị quyết số 19 về việc không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, dù những người quản lý, lãnh đạo trong đơn vị sự nghiệp công lập không còn là công chức từ 1/7/2020 nhưng vẫn những người này vẫn được giữ nguyên các chế độ đến khi hết thời hạn bổ nhiệm.
Công chức sẽ được nâng ngạch theo 2 cách
Cũng theo Luật Cán bộ, công chức, công chức có thể được nâng lên ngạch cao hơn trong quá trình làm việc. Công chức sẽ được nâng ngạch theo 2 cách là thi tuyển và xét tuyển.
Thi tuyển: Việc thi nâng ngạch phải căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị và thông qua thi tuyển. Và chỉ những công chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch cao hơn mới được đăng ký dự thi nâng ngạch.
Cụ thể, khoản 14 Điều 1 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP, công chức phải đáp ứng các điều kiện sau thì mới được đăng ký dự thi nâng ngạch: Được đánh giá, phân loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm công tác liền kề trước năm dự thi nâng ngạch; Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; Không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc không trong thời gian đang xem xét xử lý kỷ luật; Có ít nhất 1 năm giữ ngạch dưới liền kề với ngạch đăng ký dự thi tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký...
Đồng thời, để được thành công nâng ngạch, công chức phải trải qua 2 vòng là thi trắc nghiệm trên máy tính hoặc trên giấy và thi chuyên môn, nghiệp vụ.
Xét tuyển: Từ 1/7/2020, công chức còn có thể được nâng ngạch thông qua xét tuyển.
Theo đó, vẫn căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu ngạch công chức của cơ quan, tổ chức như quy định trước đây, nhưng khi trúng tuyển kỳ thi hoặc xét nâng ngạch, công chức sẽ được bổ nhiệm vào ngạch công chức cao hơn và được xem xét, bố trí vào vị trí việc làm tương ứng.
Như vậy, khi đã nâng lên ngạch cao hơn, công chức sẽ được xem xét bố trí vào vị trí việc làm khác, tương ứng với ngạch mới của mình. Qua đó, công chức sẽ phát huy được đầy đủ năng lực, khả năng của bản thân.
Luật sửa đổi, bổ sung thêm 1 hình thức nâng ngạch đồng nghĩa sẽ kéo theo tiêu chuẩn, điều kiện của hình thức đó.
Theo đó, khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi quy định 3 điều kiện công chức sẽ được xét nâng ngạch: Đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn để được thi nâng ngạch; Được cấp có thẩm quyền công nhận về việc có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ; Được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm.
Hoàng Mai