Theo quy định tại Điều 42 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, công chức gồm các ngạch chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên, cán sự và nhân viên.
Dựa vào ngạch được bổ nhiệm, các ngạch này được phân loại thành 4 loại A, B, C, D.
- Loại A: Người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương;
- Loại B: Người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương;
- Loại C: Người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương;
- Loại D: Người được bổ nhiệm vào ngạch cán sự hoặc tương đương và ngạch nhân viên.
Theo đó, tiêu chí để phân loại công chức cũng theo quy định tại Điều 34 là căn cứ vào ngạch được bổ nhiệm.
Tuy nhiên, từ 1/7/2020, khi Luật sửa đổi, bổ sung số 52/2019/QH14 chính thức có hiệu lực thì công chức sẽ có tổng cộng là 6 ngạch so với 5 ngạch như hiện nay. Và quy định chi tiết về ngạch công chức mới sẽ do Chính phủ quy định cụ thể.
Khi Luật này được sửa đổi, để phù hợp với việc bổ sung thêm 1 ngạch khác nêu tại khoản 7 Điều 1 Luật số 52, Điều 34 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 cũng được bổ sung thêm quy định, loại công chức khác sẽ theo quy định Chính phủ.
Hiện nay, Chính phủ chưa có ban hành Nghị định hướng dẫn về “ngạch khác”. Theo đó, tại Quyết định số 69/QĐ-BNV, Bộ Nội vụ đã lên kế hoạch xây dựng các Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật sửa đổi năm 2019.
Bên cạnh việc quy định về loại của ngạch công chức mới, căn cứ để phân loại cũng đã thay đổi (căn cứ vào khoản 1 Điều 34 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi năm 2019).
Cụ thể, căn cứ để phân loại đã chuyển từ “dựa vào ngạch công chức được bổ nhiệm” thành “dựa vào lĩnh vực ngành, nghề, chuyên môn, nghiêp vụ”.
Có thể thấy, việc sửa đổi căn cứ giúp việc phân loại công chức được cụ thể và bao quát hơn so với trước đây.
Hoàng Mai