Từ người đóng giày thành diễn viên điện ảnh

Từ người đóng giày thành diễn viên điện ảnh

Thứ 5, 27/12/2012 23:43

Sau một năm làm công nhân tại công trường xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội Lào Cai, Trần Hạnh trở về quê phố cổ Hà Nội bằng công việc đóng giày. Dù công việc ban ngày vất vả nhưng tối nào ông cũng tập kịch tại Câu lạc bộ Thanh niên của Thành đoàn Hà Nội.

Tuổi 84, ông vẫn đi diễn trên chiếc xe Honda Cub 82, không phải đoàn làm phim không có ô tô đưa đón mà theo ông thì đi xe máy sẽ chủ động hơn "quay xong là về nhà" không phụ thuộc vào đoàn. Trừ những hôm đi quay, lịch làm việc hàng ngày của "lão nông đời khổ hơn phim" vẫn là nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo bằng tay, dọn dẹp nhà cửa.

Sự kiện - Từ người đóng giày thành diễn viên điện ảnh

NSƯT Trần Hạnh ngoài đời vẫn giản dị, hiền hậu.

Không khó để chúng tôi hỏi thăm nhà nghệ sỹ Trần Hạnh trong một con ngõ nhỏ trên phố Linh Quang (phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội). Ngoài đời ông vẫn giản dị và hiền hậu không khác gì so với những vai diễn ông đóng trên phim, từ quần áo cho đến lời ăn tiếng nói. Căn nhà ông ở chỉ hơn 10m2, đồ đạc không có gì đáng giá ngoài chiếc xe máy Honda Cub 82 được dựng cẩn thận sát góc tường. Châm xong điếu thuốc, ông bắt đầu ngay câu chuyện về cuộc đời mình mà không cần đợi chúng tôi hỏi.

Sau một năm làm công nhân tại công trường xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, Trần Hạnh trở về quê phố cổ Hà Nội bằng công việc đóng giày. Dù công việc ban ngày vất vả nhưng sẵn trong người có tí "máu me văn nghệ" nên tối nào ông cũng tập kịch tại Câu lạc bộ Thanh niên của Thành đoàn Hà Nội. Con đường bước vào nghệ thuật đối với Trần Hạnh bắt đầu như thế, rất tự nhiên và giản đơn. Người ta vẫn thường nói "nghiệp chọn người" xem ra đúng với Trần Hạnh. Đến với sân khấu kịch nói và điện ảnh đối với ông ban đầu chỉ để "thỏa mãn cái máu nghệ sĩ" cũng như để thư giãn sau cả một ngày mệt nhoài kiếm sống nuôi gia đình.

Không phải con nhà nòi, cũng chẳng có họ hàng thân thích hoạt động nghệ thuật, nhưng Trần Hạnh lại có năng khiếu diễn xuất ngay từ nhỏ. Sau một thời gian tập luyện và được mọi người động viên, Trần Hạnh đã thi đỗ vào khóa diễn viên chính quy đầu tiên của trường Sân khấu điện ảnh. Vì gánh nặng cơm áo gạo tiền, ông phải bỏ dở, rẽ sang một hướng mới về đoàn kịch Hà Nội, đơn giản chỉ vì ở đó phụ cấp cao hơn.

Về đoàn Kịch nói Hà Nội, ông gặt hái được khá nhiều thành công. Một số vai diễn gây được tiếng vang như Nguyễn Trãi trong vở "Lam Sơn tụ nghĩa (1962)", Vũ Khiêm trong "Tiền tuyến gọi". Với vai diễn Nguyễn Trãi đã mang về cho ông giải Huy chương vàng và tiết mục đạt giải Bạc.

Nghỉ hưu năm 1989, tưởng chừng ông sẽ lùi xa ánh đèn sân khấu, nhưng một lần nữa cho thấy nghiệp diễn vẫn chọn ông, như nó phải gắn chặt với ông đến cuối cuộc đời. Với khuôn mặt khắc khổ, hiền lành, chân chất và hình dáng của một "lão nông giữa thành phố" chính hiệu đã đưa Trần Hạnh đến với nghệ thuật thứ bảy.

Vai diễn đầu tiên của ông trong phim "Cuốn sổ ghi đời" của đạo diễn Tất Bình đã nhận được đồng cảm từ khán giả qua vai diễn một ông bố vì không có tiền mua đất mà các con không dám lấy vợ. Kể từ sau bộ phim này Trần Hạnh chính thức bước sang nghệ thuật thứ bảy, một diễn viên chuyên đóng những vai như bố già nhà quê, lão nông dân, cán bộ hưu trí...

Một số vai diễn do NSƯT Trần Hạnh thủ vai chiếm được cảm tình của khán giả nhiều thế hệ như Bí thứ đảng ủy trong phim "Làng Nổi", ông Cần trong phim "Cuốn sổ ghi đời", ông Khiển "Người cầu may", ông đồ "Thời xa vắng", ông già bơm xe "Thần làng xổ số"... Bất cứ vai gì ông đóng cũng ít nhiều đọng lại trong lòng khán giả một nỗi buồn khó tả, một chút xót xa và sự đồng cảm với nhân vật. Khán giả quen hình ảnh của ông đến nỗi mặc định, thậm chí "gán" cho Trần Hạnh cứ lên phim là phải những vai khổ, vai sầu, vai bất hạnh và bế tắc trong cuộc sống.

Chúng tôi hỏi Trần Hạnh về những vai diễn mà ông tâm đắc cũng như hài lòng nhất, ông chia sẻ: "Từ khi bước chân vào làng điện ảnh đến nay, tôi chưa hài lòng hay ưng ý một vai diễn nào. Đạo diễn chỉ giao cho tôi toàn những vai như đời tư buồn, cuộc sống bế tắc không lối thoát, suốt cuộc đời cơ cực vất vả... Nhắc đến Trần Hạnh không chỉ có đạo diễn mà khán giả cũng nghĩ ngay đến điệp khúc buồn khổ của một vai diễn nào đó".

Cuộc sống của ông đã trải qua nhiều đau thương và mất mát, vào các vai diễn khổ trên phim tính ra không ít cũng vài ba chục lần. Bởi vậy, ở cái tuổi "gần đất xa trời" ông vẫn muốn một lần thử vai hoàn toàn khác trước dù là vai phản diện. "Tôi chỉ mong được vào một vai hoàn toàn mới từ ăn mặc bên ngoài cho đến diễn biến nội tâm bên trong. Vai phản diện, độc ác một chút cũng được hay một đại gia chẳng hạn, chứ diễn mãi mấy vai cũ đó buồn lắm”, NSƯT Trần Hạnh nói.

Chính ông cũng thừa nhận nhờ những vai diễn như vậy mới làm nên một Trần Hạnh như ngày hôm nay. Dù đã ở tuổi 84, nhưng NSƯT Trần Hạnh vẫn minh mẫn và miệt mài học thuộc kịch bản mỗi khi nhận vai diễn mới. Trong cuộc sống, ông thừa nhận mình có phần đơn giản, nhưng trong nghệ thuật lại rất nghiêm khắc. Ngoài những lúc trông hàng quán cho cô con dâu, nếu không có vai diễn mới ông thường đọc lại những kịch bản cũ xem có chỗ nào diễn chưa đến, chưa hay để hoàn thiện hơn cho những vai diễn sau này.

Gia Lê - Thiên Vũ

Kỳ sau: Nghệ sĩ Trần Hạnh và cuộc đời phía sau màn ảnh nhỏ


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.