Nhiều vụ án tham nhũng, những vụ án kinh tế được đưa ra xét xử liên quan đến cựu quan chức là bài học đau lòng về công tác lựa chọn cán bộ và giám sát quyền lực. Cán bộ là khâu then chốt, cán bộ nào thì phong trào ấy. Để nền kinh tế- xã hội khỏe mạnh thì khâu lựa chọn cán bộ, trọng dụng nhân tài càng phải được chú trọng.
Liên quan đến những vụ án trong thời gian qua, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương đánh giá: “Công tác phòng, chống tham nhũng không “chững lại” mà tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng quyết liệt, bài bản, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, hiệu quả hơn”.
Ông Lê Quang Thưởng cũng cho rằng, thực tế diễn ra rất là đau lòng, có thể chọn đúng cán bộ và cán bộ phát huy rất tốt nhưng chỉ cần buông lỏng, thiếu rèn luyện, thiếu bản lĩnh sẽ rất dễ mắc sai lầm. Theo ông Thưởng, trong công tác cán bộ cần làm tốt các khâu: chọn đúng người, trao quyền, bảo vệ và kiểm soát chặt chẽ. Hiện nay, trước tiền tài vật chất, cán bộ, Đảng viên là người có chức, có quyền, bị lợi dụng, rồi bị tha hóa quyền lực, lạm quyền, lộng quyền, không kiểm soát được quyền lực… nên dễ mắc sai lầm.
“Cán bộ cần phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện nếu không chịu tu dưỡng rèn luyện thì có quyền trong tay rất dễ hư hỏng. Dù là ai, ở cấp nào, thậm chí là lãnh đạo cấp cao nếu không tu dưỡng thì cũng trở thành nạn nhân của chính sự thoái hóa biến chất. Gần đây, nhiều vụ tham nhũng lớn có liên quan đến một số cán bộ chức vụ cao đã được xử lý. Đây là những hệ quả thực tế từ việc thiếu rèn luyện, tu dưỡng”, ông Thưởng đánh giá.
Ông Lê Quang Thưởng cũng thẳng thắn nêu giải giáp ngăn chặn việc cán bộ, đảng viên mắc sai phạm, phải kỷ luật đó là: Phải đổi mới công tác cán bộ gắn với xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực, đồng thời nêu cao trách nhiệm nêu gương để cán bộ, Đảng viên chú ý tu dưỡng, rèn luyện. Về kiểm soát quyền lực, trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói là kiểm tra, kiểm soát hành vi của mỗi người, nếu làm đúng thì biểu dương, sai thì nhắc nhở, “tuýt còi” để phòng ngừa, chứ không sẽ dẫn đến tình trạng vi phạm rồi mới phát hiện, mới lôi nhau ra xử phạt, kỷ luật.
Trước đó, Người Đưa Tin Pháp Luật đã đưa tin, Thường trực ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đề nghị khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm minh sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong 5 vụ án lớn. Trong đó có vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan.
Mới đây, tại buổi tọa đàm khoa học "vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong phòng, chống tham nhũng - vấn đề lý luận và thực tiễn", Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nhấn mạnh: Người đứng đầu có vai trò rất quan trọng, đôi khi có ý nghĩa quyết định đến quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, trong đó có công tác phòng chống tham nhũng.
Theo ông Học, bài học kinh nghiệm quan trọng được rút ra từ thực tiễn đấu tranh phòng chống tham nhũng thời gian qua đó là quyết tâm chính trị là yếu tố quan trọng, nhưng nếu không có sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu thì quyết tâm chính trị cũng không thể trở thành hiện thực.
"Chỉ khi nào, ở đâu người lãnh đạo gương mẫu đi đầu, kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng thì ở đó tham nhũng ít xảy ra. Ngược lại, ở đâu người đứng đầu có biểu hiện buông lỏng, không muốn và không dám chống tham nhũng, nói không đi đôi với làm thì ở đó tham nhũng diễn ra nghiêm trọng, phức tạp", Phó ban Nội chính Trung ương nói.
Hương Lan