Từ niềm tự hào thành nỗi buồn không của riêng ai...

Từ niềm tự hào thành nỗi buồn không của riêng ai...

Thứ 5, 27/12/2012 23:54

Đã hơn 10 ngày trôi qua, sự việc "giấc mộng trời Tây" phản bội màu cờ sắc áo của hai vận động viên trẻ tuổi được dư luận hết sức quan tâm.

Vừa qua, trong chuyến tập huấn tại Australia, vận động viên (VĐV) Lương Đức Toàn và Nguyễn Phương Đông của đội tuyển Rowing quốc gia thay vì trở về nước để phục vụ thể thao nước nhà đã trốn ở lại Australia.

PV báo Nguoiduatin.vn đã tìm về gia đình của hai VĐV này để tìm hiểu sự việc, và thực sự thất vọng về cách hành xử của hai VĐV được coi là ngoan, hiền và triển vọng của thể thao nước nhà.

“Gia đình không hề hay biết”

Theo những VĐV trong đoàn Rowing đi tập huấn tại Australia kể lại, tối 10/3, cả đội từ nơi tập huấn hành quân lên thành phố để nghỉ một ngày trước khi lên máy bay về nước.

Tối đó, VĐV Lương Đức Toàn và Nguyễn Phương Đông vẫn ăn uống và sinh hoạt bình thường với toàn đội. Thậm chí, Toàn và Đông còn mặc nguyên... quần đùi, đi dép lê và xin phép lãnh đạo sang phòng VĐV nữ để trò chuyện cho đỡ buồn.

Thế nhưng, thừa lúc mọi người không để ý, hai VĐV trên đã bỏ trốn, đi tìm cho mình giấc mơ đổi đời nơi nước bạn. Sáng sớm hôm sau không thấy hai VĐV này, toàn đội nháo nhào đi tìm vì lo sợ cả hai thất lạc. Tuy nhiên mọi sự cố gắng tìm kiếm của lãnh đạo và các VĐV đều kết thúc trong vô vọng.

Nghe/Xem - Từ niềm tự hào thành nỗi buồn không của riêng ai...Bố mẹ vận động viên Nguyễn Phương Đông đang kể về con trai mình.

Chúng tôi đã về xã Thúc Kháng - Bình Giang - Hải Dương, tìm gặp người thân của VĐV Lương Đức Toàn. Câu chuyện Toàn trốn khỏi đội tuyển để định cư ở nước ngoài đang xôn xao quê nghèo, người thì cho rằng "nó làm thế là phản bội đất nước", người khác thì tỏ ra thông cảm "ở nước ngoài nghe nói dễ làm giàu lắm".

Những câu chuyện lùm xùm xung quanh vấn đề này rồi cũng sẽ lắng xuống, nhưng sự kỳ vọng của cả một làng quê nghèo lần đầu tiên có người được vào đội tuyển quốc gia chắc chắn sẽ tan biến sau sự việc đau lòng kia.

Tiếp chúng tôi, bố mẹ của Toàn là ông Lương Đức La và bà Phạm Thị Toan đã không giấu nổi sự buồn phiền, thất vọng về việc đứa con út làm "nhục cả họ" khi trốn khỏi đội tuyển.

Hai ông bà đều cho rằng Toàn là đứa con ngoan, có hiếu với cha mẹ, tết về được tiền thưởng, Toàn đều dành dụm đưa cho mẹ.

"Chưa bao giờ nó có ý định sống ở nước ngoài, hay nói bóng gió về việc này cả. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng con trai", ông La cho biết. Tuy nhiên, gia đình Toàn cũng thừa nhận việc có họ hàng định cư ở Australia, người này hiện đang có một xưởng sản xuất và làm ăn khá phát đạt.

Nhưng khi PV hỏi đã gọi điện cho người nhà bên ấy để tìm hiểu thông tin về Toàn hay chưa, một thành viên trong gia đình Toàn bảo là không gọi điện được?!.

Không nghèo như gia đình Toàn, gia đình VĐV Nguyễn Phương Đông ở xã Vinh Quang - Tiên Lãng - Hải Phòng có phần khá giả hơn. Bố mẹ Đông có 5 ha đầm nuôi trồng thủy sản nên thu nhập ổn định. Nhà Đông có hai chị em, Đông là con trai duy nhất của gia đình.

Cũng như Toàn, Đông được mọi người trong làng đánh giá là ngoan ngoãn, hiền lành và thương bố mẹ. Một người hàng xóm của Đông cho biết, hồi tết, Đông được thưởng khá nhiều tiền, và đã mua cho mẹ một chiếc xe tay ga.

Bà Nguyễn Thị Dinh, mẹ của Đông cho biết, Đông có một người chị họ hiện đang sinh sống ở Australia, và khi sang Australia tập huấn con trai bà có liên lạc với người này. Tuy nhiên, vì khoảng cách địa lý xa xôi nên bà không biết hai chị em trao đổi những gì.

"Việc Đông ở lại nước ngoài là nằm ngoài dự tính của gia đình tôi, chúng tôi chưa bao giờ nghe nó nói về việc này. Giờ sự việc đã thế này rồi, chúng tôi chỉ mong con nghĩ lại và trở về nước càng sớm càng tốt", bà Dinh rầu rĩ nói.

Không còn là cá biệt?

10 ngày sau sự việc đáng buồn trên của thể thao Việt Nam, chúng tôi đã gặp gỡ HLV Vũ Dũng, người trực tiếp tuyển chọn và đào tạo VĐV Lương Đức Toàn.

Trong tâm trạng buồn, thất vọng về người học trò cưng mà mình đã dày công đào tạo, anh Vũ Dũng cho biết, khi Toàn học lớp 8, trong một lần đi tuyển chọn VĐV cho đội tuyển Rowing quốc gia, anh đã phát hiện ra tài năng của Toàn.

HLV này đã dày công đào tạo, dìu dắt Toàn từ một cậu bé chăn trâu thành một VĐV có thành tích cao của đội tuyển quốc gia.

Mới 20 tuổi nhưng những thành tích mà Toàn đạt được đã khiến nhiều người ngưỡng mộ và là niềm kỳ vọng lớn lao của môn Rowing.

"Hôm nhận được tin Toàn bỏ trốn, tôi rất buồn và thất vọng. Tôi không thể ngờ cậu học trò mà mình tin tưởng nhất, kỳ vọng nhất và thương nhất lại có thể làm điều dại dột như vậy, phản bội lại tất cả", HLV Vũ Dũng buồn bã chia sẻ.

Ngay sáng hôm sau, anh tức tốc về quê Toàn để thông báo với gia đình và tìm hiểu sự việc.

Trao đổi với PV báo Nguoiduatin.vn, ông Nguyễn Hải Đường, trưởng bộ môn đua thuyền - Tổng cục TDTT cho biết, sau sự việc đáng buồn đo, ở lãnh đạo bộ môn đã báo cáo lãnh đạo các cấp để tìm hướng xử lý.

"Ở góc độ là người quản lý, tôi rất lấy làm tiếc về sự việc vừa rồi, theo đánh giá của tôi thì các cháu có nhận thức rất kém, rất bồng bột và đây là sự xúc phạm đối với cả bộ môn", ông Đường chia sẻ.

Vị này cũng cho biết thêm, người nhà của VĐV Nguyễn Phương Đông ở Australia đã gọi điện về cho ông và cho biết không có Đông ở đó. Tuy nhiên, vị lãnh đạo của bộ môn đua thuyền cũng không ngần ngại bày tỏ những nghi ngờ về việc hai VĐV trên trốn khỏi đội và đang ở nhà người thân của mình ở Australia.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thể thao đều bày tỏ sự thất vọng về cách hành xử của hai VĐV môn Rowing Việt Nam. Tuy nhiên, đa phần trong số họ đều không ngạc nhiên về việc VĐV bỏ trốn khi đi tập huấn nước ngoài. Theo tìm hiểu của PV, trước đây đã từng xảy ra nhiều vụ VĐV bỏ trốn khi đi tập huấn nước ngoài.

Một vị lãnh đạo bộ môn Vật đã kể lại câu chuyện đáng buồn: Năm 2008, ba VĐV vật bỏ trốn tại Hàn Quốc, vị này đã nhờ các cơ quan chức năng nước bạn giúp đỡ tìm kiếm. Dù rất nhiệt tình giúp đỡ, nhưng họ đã không ngần ngại hỏi lại rằng, sao VĐV Việt Nam hay bỏ trốn như thế?. Câu hỏi trên thật đáng để chúng ta suy ngẫm và xem lại việc đào tạo tài năng cũng như nhân cách của không ít VĐV nước mình

VĐV Nguyễn Văn Nguyên (một trong những người có kinh nghiệm nhất trong số các VĐV đi tập huấn tại Australia), được lãnh đạo đoàn sắp xếp ở cùng phòng với Đông và Toàn.

Đặc biệt, Nguyên và Đông lại là cặp bài trùng trên thuyền đôi. Trong tập luyện cũng như trong thi đấu, cả hai rất ăn ý và giành được nhiều lời ngợi khen từ ban huấn luyện cũng như từ đồng đội.

Dường như vẫn chưa tin nổi việc hai "đàn em" và cũng là hai người bạn cùng phòng đào tẩu khỏi đội, gương mặt Nguyên toát lên nỗi buồn, sự thất vọng.

Nguyên chia sẻ: "Khi ở bên đó, Đông và Toàn tập luyện rất chăm chỉ, cố gắng hết mình và được mọi người đánh giá cao. Trong cuộc sống, hai cậu ấy cũng rất ngoan, hòa đồng, vì ở cùng phòng nên bọn em thường chia sẻ về cuộc sống, tương lai. Cả hai đều mong muốn sau khi giải nghệ sẽ đi học tiếp ở đại học TDTT, vậy mà...”.

Quốc Triệu


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.