Thành lập từ năm 1992, tiền thân là công ty TNHH Thương mại Thành Nhơn, Tập đoàn Nova (Nova Group) từng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thú y, thuốc thủy sản, xây biệt thự cho thuê với vốn điều lệ vỏn vẹn 400 triệu đồng.
Tới năm 2007, công ty thực hiện tái cấu trúc lần đầu và hợp nhất các công ty thành 2 Tập đoàn Anova Corp (nay là Công ty cổ phần tập đoàn Nova Consumer) hoạt động trong lĩnh vực Thức ăn gia súc, Trại chăn nuôi, Thuốc thú y, Vaccine và Công ty Cổ phần Tập đoàn No Va (Novaland, HoSE: NVL) hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản.
Chia sẻ về việc kinh doanh đa ngành, vị thuyền trưởng của Novaland cho rằng "Tập đoàn đa ngành không hẳn là xấu nếu đầu tư đúng, bởi dòng tiền đến từ nhiều "giỏ" sẽ hỗ trợ chúng ta rất nhiều khi cơn khủng hoảng ập đến. Điều quan trọng khi đầu tư là phải có chiến lược rõ ràng và kiên định với mục tiêu. Kế hoạch phải cụ thể bằng những con số rất thực tế trên Báo cáo tài chính và phải kiểm soát được".
Đến cuối năm 2020, Nova Group tái cấu trúc lần 2, cho ra đời Nova Service với định hướng phát triển ngành Công nghiệp Dịch vụ Du lịch Giải trí ở Việt Nam.
Với việc bành trướng hoạt động kinh doanh trải dài trên nhiều lĩnh vực cùng vốn điều lệ tăng thần tốc theo từng giai đoạn, ông Bùi Thành Nhơn đã lọt vào danh sách tỷ phú Forbes tại đầu năm 2022, thậm chí vươn lên là Top 2 vào tháng 4 với khối tài sản 3,5 tỷ USD.
Thế nhưng chỉ sau 8 tháng được vinh danh, lãnh đạo của Nova Group đã "out top" do giá cổ phiếu liên tục sụt giảm, khiến tài sản của vị tỷ phú này cũng không cánh mà bay theo chiều đi xuống của thị giá cổ phiếu.
Kỳ vọng vốn hoá tỷ USD của mảng nông nghiệp
Đến nay, Nova Consumer vẫn đang kinh doanh lĩnh vực thuốc thú y-vaccine, thức ăn chăn nuôi và trang trại, nông trại.
Trong suốt giai đoạn 2020-2022, Nova Consumer ghi nhận đem về cho Novaland doanh thu đều đặn mỗi năm lên đến hàng nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 185 tỷ đồng, 317 tỷ đồng và 273 tỷ đồng.
Thế nhưng tới năm 2023, Nova Consumer bất ngờ báo lỗ sau thuế 951 tỷ đồng. Nguyên nhân chính do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh khi công ty phải trích lập dự phòng toàn bộ 337 tỷ đồng cho khoản phải thu từ Hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Với khoản lỗ khổng lồ phát sinh, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Nova Consumer giảm hơn 1.000 tỷ đồng về 224 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu còn chưa đầy 2.000 tỷ đồng.
Cũng trong năm này, Nova Consumer chính thức lên giao dịch trên sàn UPCoM với mã NCG từ ngày 9/11/2023 với giá tham chiếu 38.000 đồng/cổ phiếu. Tính tới phiên ngày 13/11/2024, thị giá NCG đạt 8.900 đồng/cp, "bốc hơi" 76,5% giá trị sau đúng 1 năm giao dịch trên sàn chứng khoán.
Ngoài việc đưa cổ phiếu lên sàn, Nova Consumer còn đặt tham vọng doanh thu tỷ USD trong lĩnh vực nông nghiệp, bán lẻ.
Giai đoạn 2022-2026, Nova Consumer đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận từ 4-5 lần so với mức 300 tỷ đồng của năm 2021, đạt từ 1.300 đến 1.500 tỷ đồng. Với kỳ vọng này, Nova Consumer đặt mục tiêu vốn hoá vượt ngưỡng 1 tỷ USD trong 3 năm kể từ sau IPO.
Thế nhưng kết quả kinh doanh luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024 của công ty lại cho thấy doanh thu thuần đạt 3.103 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt gần 77 tỷ đồng.
Dù thoát lỗ so với cùng kỳ năm trước nhưng nhìn về giai đoạn hoàng kim 2020-2022 với khoản lãi hàng trăm tỷ, có thể thấy bức tranh tài chính của Nova Consumer đã đi lùi rõ rệt và cách rất xa tham vọng tỷ USD đặt ra trước đó.
Càn quét mặt trận F&B
Cũng nằm trong hệ sinh thái của NovaGroup, Nova Service được cho ra mắt ngay giữa thời điểm dịch Covid-19 hoành hành với hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực du lịch – giải trí, bao gồm ẩm thực, khách sạn, giải trí, sân golf, trung tâm thể hình, du thuyền và du lịch.
Nova Services góp phần không nhỏ thu hút khách hàng, nhà đầu tư đến với các dự án của Novaland, giúp nâng cao giá trị và tiềm năng tăng giá cho các dự án này.
Thế nhưng ít lâu sau vào giai đoạn cuối năm 2022, nhiều cửa hàng thuộc chuỗi của Nova Service ghi nhận đóng cửa hoặc dời địa điểm kinh doanh, thu hẹp phạm vi hoạt động.
Đại diện Nova Service ngay sau đó lên tiếng giải thích, công ty vẫn phát triển vững mạnh sau giai đoạn tái cơ cấu NovaGroup.
Nova Service khẳng định với hơn 70 cửa hàng đang hoạt động, việc đóng cửa một số không hiệu quả hoàn toàn vì mục tiêu "tối ưu hiệu quả kinh doanh, điều chỉnh và thay đổi về mặt chiến lược của Nova Service".
Sau đó trong cơn bĩ cực năm 2022-2023, mặc cho lời trấn an cổ đông được phát đi trước đó, Nova Services vẫn phải bán đi "đứa con" Nova F&B cho đối tác ngoại dù phát triển mạnh, sở hữu tới 46 cửa hàng với 18 thương hiệu.
Tưởng như từ bỏ "miếng bánh" F&B màu mỡ nhưng tập đoàn này nhanh chóng xây dựng nên một thương hiệu mới là CTCP Trải nghiệm toàn cầu - Global X vào tháng 10/2023. Theo giới thiệu, Global X hoạt động với 3 mảng chính: Nhà hàng và Cafe, Beer Garden và Nightlife.
Bên cạnh đó, Nova Group cũng phát triển các thương hiệu Nova Dreams vận hành các công ty giải trí, Nova Hotel & Resort World chuyên cung cấp dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng…
Nova Group lên - xuống cùng bất động sản
Cuối cùng, ngành kinh doanh mang lại nguồn thu chính cho Nova Group, đưa doanh nghiệp lên thành một trong những Tập đoàn hàng đầu Việt Nam nhưng cũng là mảng khiến Nova Group lao đao gọi tên bất động sản với thương hiệu Novaland.
Trải qua hành trình 32 năm hình thành và phát triển, Novaland đang sở hữu danh mục hơn 50 dự án bất động sản, ghi dấu ấn tại các tỉnh thành phía Nam và Nam Trung Bộ.
Một số dự án nổi bật có thể kể đến như NovaWorld Phan Thiết, Aqua City, NovaWorld Hồ Tràm, The Park Avenue…
Cuối năm 2016, hơn 589 triệu cổ phiếu của Novaland được niêm yết lên sàn chứng khoán Tp.HCM (HoSE) với mã NVL, ngay lập tức tăng trần với lượng dư mua trần khá lớn ngay khi mở cửa phiên giao dịch.
Ngay trong ngày giao dịch đầu tiên trên HOSE, cổ phiếu NVL đã tăng kịch biên độ, lên 60.000 đồng/cổ phiếu với 1,6 triệu cổ phiếu được khớp và còn dư mua giá trần.
Phát biểu tại ngày giao dịch chính thức đầu tiên của cổ phiếu NVL, ông Bùi Thành Nhơn nhấn mạnh "Chúng tôi sẽ phấn đấu để trở thành một trong những công ty bất động sản hàng đầu, kinh doanh hiệu quả và phát triển bền vững cùng với sự phát triển của quốc gia".
Đầu năm 2022, trong bối cảnh doanh nghiệp đang hoạt động ổn định với số lượng dự án bất động sản nắm trong tay cũng như quỹ đất khổng lồ, người sáng lập Novaland - ông Bùi Thành Nhơn bất ngờ xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT.
Ông cho biết sẽ tập trung vào việc dẫn dắt và định hướng cho toàn bộ tập đoàn NovaGroup để trao quyền cho đội ngũ mới.
"Trước cột mốc mang tính bước ngoặt, cần kêu gọi sự hợp lực phát triển của nhiều bên, cũng như nhằm tạo đà cho chu kỳ tăng trưởng tiếp theo, tôi sẽ tập trung vào việc dẫn dắt và định hướng cho toàn bộ Nova Group. Đối với thành viên trụ cột Novaland, tôi tin tưởng trao quyền xây dựng chiến lược phát triển cho ông Bùi Xuân Huy cùng bộ máy điều hành quản lý mới", ông Nhơn chia sẻ vào thời điểm đó.
Thế nhưng khi ông Nhơn rời đi chưa tới 1 năm, Tập đoàn Novaland đã rơi vào cảnh khó khăn chồng chất khi gặp hàng loạt vấn đề về tài chính, không thể thanh toán nợ, nhiều dự án đang triển khai "đóng băng", kết quả kinh doanh lao dốc không phanh...
Trước tình cảnh ngặt nghèo của doanh nghiệp, tới tháng 2/2023, ông Bùi Thành Nhơn quyết định quay lại ghế Chủ tịch HĐQT Novaland và thực hiện một cuộc tái cơ cấu toàn diện với quyết tâm "đã là doanh nhân - chúng ta phải chấp nhận đối mặt với khó khăn và thách thức" để một lần nữa lèo lái doanh nghiệp.