Ông Dương Ngọc Minh sinh năm 1965 ở TP.HCM. Hiện, ông Minh là Chủ tịch HĐQT & Tổng Giám đốc CTCP Hùng Vương kiêm Phó Chủ tịch HĐQT CTCP XNK Thủy sản An Giang.
Năm 2012, ông Minh từng là người giàu thứ 22 trên thị trường chứng khoán (880 tỷ đồng) và là doanh nhân giàu thứ 2 trong lĩnh vực thủy sản, chỉ sau bà Trương Thị Lệ Khanh của thủy sản Vĩnh Hoàn.
Tuy hiện tại, vị trí của ông trên bảng xếp hạng đã rớt xuống con số 146 (132 tỷ đồng) nhưng trong lĩnh vực thủy sản, ông Minh và Thủy sản Hùng Vương vẫn luôn được xem là đại gia, đối thủ đáng gờm.
Thủy sản Hùng Vương hiện có vốn điều lệ 2.270 tỷ đồng. Sản phẩm cá tra của “ông lớn” này đã được xuất sang cả các thị trường khó tính như Mỹ, Canada, Trung Quốc, Brazil, Mexico, Úc, Trung Đông,và nhiều nước châu Á.
Từ phạm nhân thành “vua cá tra”
Thành công hôm nay phải đánh đổi bằng nhiều cay đắng trong quá khứ, với ông Dương Ngọc Minh thì đó còn là 6 năm dài đằng đẵng trong nhà tù.
Thông tin trên báo Sài Gòn đầu tư, sau ngày giải phóng, ông Dương Ngọc Minh tham gia Thanh niên xung phong xây dựng vùng Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ, TP.HCM). Ở nơi heo hút đó, Nông trường Duyên Hải đã được thành lập, áp dụng thí điểm mô hình nuôi tôm, lấy thu bù chi.
Đến năm 1984, ông được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc công ty Đông lạnh Hùng Vương, một doanh nghiệp nhà nước tại quận 6, TP.HCM. Sau một thời gian hoạt động, công ty đã nhanh chóng vươn lên vị trí hàng đầu trong ngành xuất khẩu thủy sản, với giá trị xuất khẩu hơn 30 triệu USD/năm.
Nhưng đến năm 1995, tỷ giá USD biến động chóng mặt khiến những món nợ nhập khẩu máy móc, thiết bị trước đó trở nên quá sức chi trả, công ty vỡ nợ, phá sản. Giám đốc Dương Ngọc Minh phải ra tòa và nhận án tù vì tội cố ý làm trái quy định nhà nước gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.
Như ông Dương Ngọc Minh từng nhắc lại thì: “Sau thời gian đầu thành công, chúng tôi gặp khó khăn do tình hình lạm phát. Lúc nhập máy móc thiết bị từ Nhật với phương thức trả chậm, tỷ giá đồng yen lúc đó khoảng 280 yen đổi 1 USD. Lúc công ty trả thì đồng yen lên giá còn 150 yen đổi 1 USD, tính ra số tiền thanh toán thiết bị tăng gấp đôi lúc nhập.
Chúng tôi vay vốn bằng ngoại tệ từ nước ngoài để xây dựng trụ sở, mua thiết bị sản xuất. Khi Nhà nước vào kiểm toán thì tính bằng đồng Việt Nam thời điểm xây dựng nên không phản ánh được thực tế. Từ kết quả kiểm toán, tôi bị khởi tố tội cố ý làm trái quy định nhà nước”.
Trong phiên tòa phúc thẩm, ông Minh bị buộc thêm tội lập quỹ trái phép và lãnh án 10 năm tù. Về cái tội này, trong một lần trao đổi với báo Thanh niên, ông kể: “Ngày xưa, thường mỗi tấn hàng xuất đi thì được 50 USD hoặc một container thì 500 USD. Nếu bỏ túi riêng cũng chẳng ai kiểm soát được, nhưng tôi lại chủ trương thu về cho đơn vị để sử dụng vào việc chi thưởng cho công nhân. Chính điều này sau đó tôi đã vướng vào tội lập quỹ trái phép. Vì vậy nhiều người cho rằng tôi là thằng ngu nhất”.
Sau 6 năm cải tạo tại trại giam Xuân Lộc, Dương Ngọc Minh đã được đặc xá trước thời hạn.
"Năm 2003, ra tù, có nhiều người quen kêu về phụ việc nhưng tôi từ chối và quyết tâm trở về nghề cũ. Nhưng lúc đó chỉ có hai bàn tay trắng, không có chiếc xe gắn máy để đi. Một nhân viên cũ đã cho tôi mượn chiếc xe Dream để làm phương tiện đi lại”, ông Minh tâm sự.
Máu kinh doanh thủy sản chưa nguôi, ông lại thành lập công ty thủy sản, tiếp tục giữ cái tên Hùng Vương đã gắn bó với mình từ thuở ban đầu. Dù đã quen với con tôm nhưng ông quyết định chọn sản phẩm chủ lực của Hùng Vương là cá tra.
Ông đã phá tan định kiến, nghi hoặc của mọi người về một người từng tù tội để làm lại cuộc đời và đã thành công.
Điều hành Thủy sản Hùng Vương, ông Dương Ngọc Minh bắt đầu vung tiền mua hàng loạt công ty trong ngành thủy sản với mục tiêu mở rộng quy mô, bành trướng thị trường. Chiến lược này đã làm tăng tốc doanh thu từ không đầy 5.000 tỷ đồng vào năm 2010 tăng lên gần 15.000 tỷ đồng vào năm 2014. Một con số khổng lồ mà nhiều công ty mơ ước cũng không đạt được.
Giai đoạn này thị trường cá tra tăng trưởng khá tốt và Hùng Vương “lượm khá nhiều tiền”. Khi tiền đầy tài khoản, các ngân hàng "xếp hàng" cho Hùng Vương vay tiền. Ông Dương Ngọc Minh từng hào hứng tuyên bố: “Tôi làm để đem lại cổ tức cho cổ đông chứ nhu cầu của tôi hằng ngày chỉ là hút thuốc lá, uống cà phê, cơm hai bữa. Tiền cổ tức chia cho tôi cũng để thưởng cho những cấp quản lý khác”.
Năm 2014, thủy sản Hùng Vương chi cả trăm tỷ để thưởng Tết cho nhân viên. Sang năm 2015, Hùng Vương báo lợi nhuận trước thuế 22 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2014. Lợi nhuận sau thuế là 21,5 tỷ đồng. Đến quý I/2019, mức lãi đã cao hơn lợi nhuận cả năm 2018 là 7 tỷ đồng.
Kế họach năm 2019, Hùng Vương tập trung đẩy mạnh mảng kinh doanh cá với doanh số 4.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 75 tỷ đồng. Mảng thức ăn thủy sản có kế hoạch doanh thu 6.000 tỷ đổng và lợi nhuận 180 tỷ đồng.
Chia sẻ tại đại hội cổ đông tháng 2/2019, “vua cá tra” rút lời gan ruột rằng: “Tôi làm việc xuyên suốt thời gian qua. Bản thân tôi từ 28 âm lịch đến 5h18 phút ngày 5 âm lịch, bên Mỹ mới thông báo cho tôi nghỉ tết được rồi”.
Chặng đường đã qua của thủy sản Hùng Vương, theo lời ông Minh thì không thể thiếu sự đóng góp, đồng sức đồng lòng của cán bộ nhân viên. Ông tâm sự với Thanh niên: “Tôi luôn coi trọng con người, những cấp dưới của tôi. Trong sử dụng con người, phải bảo đảm ăn, mặc, đời sống. Nếu làm được 3 điều này thì sẽ giữ được người tốt, người giỏi làm việc cho mình”.
Chật vật xoay vần
Tại cuộc họp ngày 2/5/2019, Hội đồng quản trị CTCP Hùng Vương (HoSE: HVG) của ông Dương Ngọc Minh đã thống nhất về việc thoái toàn bộ vốn cổ phần tại Công ty Cổ Phần Hùng Vương Sông Đốc. Khối lượng thoái vốn là 3.213.000 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ sở hữu 51%.
Theo báo cáo tài chính mới nhất quý I/2019 của doanh nghiệp này, công ty Cổ Phần Hùng Vương Sông Đốc là 1 trong số 9 công ty con trực tiếp và 1 công ty con sở hữu gián tiếp của công ty mẹ là công ty CP Thủy sản Hùng Vương.
Động thái bán tài sản, thoái vốn đã xảy ra nhiều lần đối với doanh nghiệp này trong vài năm trở lại đây, khi tình hình kinh doanh ngày càng khó khăn, bết bát. Có những thời điểm, chỉ số lợi nhuận đã có dấu hiệu cải thiện, song chưa đáng kể so với khó khăn các năm trước để lại.
Kết thúc năm 2018, Hùng Vương đạt doanh thu thuần hợp nhất 8.105 tỷ đồng, giảm 47% so với năm 2017 nhưng lãi nhẹ 1,5 tỷ đồng, so với con số lỗ 713 tỷ đồng của năm 2017.
Quý 1 niên độ 2018-2019, doanh thu HVG giảm mạnh xuống mức 1.345 tỷ đồng. Tuy nhiên nhờ giá vốn tương ứng giảm 56% nên kết quả lợi nhuận gộp vẫn tăng đáng kể lên 155 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái là 370 triệu đồng).
Trước đó, Hùng Vương đã trải qua một quãng thời gian “chật vật xoay vần” vì lỗ lũy kế nặng, công nợ bủa vây. Chỉ 2 năm 2016, 2017 thua lỗ trên 700 tỷ đồng. Hùng Vương đã phải liên tục bán tài sản và thoái vốn tại các công ty con trong năm 2018.
Để giải quyết, vua cá tra đã phải xắn tay tái cơ cấu hoạt động kinh doanh bao gồm cả việc thanh lý một số khoản đầu tư và tài sản cố định.
Trong năm 2018, Hùng Vương đã bán 100% vốn tại công ty Thực phẩm Sao Ta, thu lãi hơn 213 tỷ đồng. Đồng thời thoái hơn 50% vốn tại Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng ghi nhận lãi hơn 187,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng thanh lý bất động sản tại công ty con là lô đất 765 Hồng Bàng, TP.HCM, lãi hơn 229 tỷ đồng.
Hùng Vương cũng buộc phải đóng cửa một số nhà máy chế biến thủy sản hoạt động không hiệu quả do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu, cụ thể bán Kho lạnh 2 cho Giải pháp Thương mại ABA, thu về gần 151 tỷ đồng…
Tính đến thời điểm 31/3/2019, Thủy sản Hùng Vương có 8.827 tỷ đồng tài sản với 6.991 tỷ tài sản ngắn hạn và 1.836 tỷ tài sản dài hạn. Trong đó, tài sản ngắn hạn được ghi nhận tại khoản phải thu với 4.752 tỷ và 1.809 tỷ hàng tồn kho. Nếu so với thời đỉnh cao, quy mô tài sản của Hùng Vương giảm gần 50%.
Trong khi quy mô tài sản sụt giảm, quy mô nợ phải trả của Hùng Vương vẫn tiếp tục phình to. Đến cuối tháng 3/2019, nợ phải trả của Hùng Vương tiếp tục tăng thêm khoảng 200 tỷ đồng so với thời điểm 1.10.2018.
Trong đó, tổng vay nợ tài chính của HVG mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn 3.088 tỷ đồng, chiếm 35% tổng nguồn vốn. Hiện, Hùng Vương đang nợ ngắn hạn ngân hàng 2.969 tỷ đồng, vay nhiều nhất tại BIDV với hơn 1.935 tỷ đồng, kế tiếp là Vietcombank với 602 tỷ.
Kết thúc quý I/2019, vốn chủ sở hữu Hùng Vương vào mức 2.197 tỷ, lỗ lũy kế hơn 398 tỷ đồng. Như vậy, dù đẩy mạnh việc bán tài sản nhưng khó khăn vẫn đang bủa vây Hùng Vương.
Lê Lan (tổng hợp)