Lôm côm, múa gậy, dừng xe nhiều hơn cảnh sát
Thời gian gần đây, những người tham gia giao thông trên đường Xuân Thuỷ - Cầu Giấy rất bức xúc khi chứng kiến cảnh lực lượng trật tự phường mặc áo xanh thẫm, cầm gậy lượn lờ dọc phố. Điều đáng nói, khi thấy người tham gia giao thông vi phạm như không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều… họ nhanh chóng chặn xe lại để lực lượng công an từ trên ô tô xuống xử lý.
Sáng 29/3, đi trên tuyến đường này chúng tôi chứng kiến cảnh tượng tự như phản ánh của người dân. Hai vị thuộc lực lượng dân phòng chuyên trách trên xe Wave đỏ đi phía trước, cách khoảng hơn 100m phía sau là xe tải nhỏ cũng do một dân phòng lái, ngồi bên cạnh là một chiến sỹ công an.
Đi đến giữa đường Cầu Giấy (hướng đi Mai Dịch), hai dân phòng phát hiện một phụ nữ điều khiển xe máy đi ngược chiều liền nhảy xuống chặn lại và phải đợi một lúc sau chiếc ô tô chở công an mới tới xử lý.
Đội tự quản phường Bùi Thị Xuân - Hà Nội dẹp hàng quán. |
Theo sát lực lượng tự quản, dân phòng này chúng tôi còn thấy nhiều cảnh phản cảm. Hai trật tự viên chở nhau trên xe máy đi trên đường, nhưng người điều khiển xe vừa đi vừa nghe điện thoại. Trong khi đó người ngồi sau vung gậy chỉ vào vỉa hè nhắc nhở những người kinh doanh vi phạm.
Ở một chốt trực kế đó, trong khi lực lượng công an làm nhiệm vụ thì có đến ba đến bốn dân phòng, người đứng, người ngồi nghe điện thoại, hút thuốc lá… “Công an ngồi ô tô đi tuần, còn lực lượng tự quản-dân phòng đi xe máy, chộp người vi phạm, họ phối hợp với nhau thế nào? Liệu công an có kịp xuống ô tô để xử lý người vi phạm giao thông hay để dân phòng làm thay nhiệm vụ. Họ chỉ là lực lượng hỗ trợ, không được đào tạo bài bản, trang phục lôm côm nhưng vẫn cầm gậy đứng ra giữa đường chặn người vi phạm giao thông làm chúng tôi thấy rất phản cảm”, bác Nguyễn Văn Tuấn ở Cầu Giấy bức xúc.
Theo bác Tuấn, tình trạng này thường diễn ra trên đường Xuân Thuỷ - Cầu Giấy. Nhiều trường hợp người dân rất bất bình khi dân phòng “nhanh nhảu” chặn người vi phạm giao thông.
Việc tự quản đô thị xuống đường chặn xe gây bức xúc cho người dân. |
Trước đó, ngày 21/3 người dân chứng kiến cảnh rất đông lực lượng trật tự đô thị phường Thịnh Quang (quận Đống Đa), cầm gậy xuống đường chặn xe người tham gia giao thông tại khu vực ngã ba đường Láng – Thái Thịnh.
“Vào giờ cao điểm, giao thông ùn tắc, nhưng tôi chỉ thấy họ tập trung bắt xử lý người vi phạm. Lực lượng trật tự, dân phòng đứng đầy hai bên đường càng khiến người điều khiển phương tiện tìm cách né, tránh, giao thông nhiều lúc hỗn loạn”, chị Hiền ở Láng Hạ cho biết.
Khó tự quản
Câu hỏi đặt ra là lực lượng tự quản, dân phòng này được tuyển dụng thế nào? Họ có được huấn luyện về nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và khi họ vượt quá thẩm quyền ai sẽ chịu trách nhiệm?
Theo ông Trần Đức Hiếu, Chủ tịch UBND phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm), việc tuyển dụng đối với lực lượng tự quản đô thị hiện rất khó khăn.
“Trong số 20 tự quản mà phường ký hợp đồng, đa phần mới tốt nghiệp phổ thông. Tiêu chí, yêu cầu không cao nhưng lại rất khó tuyển. Vì lương thưởng phụ cấp cho lực lượng này không cao nên để họ gắn bó như công chức thì khó. Họ chỉ làm việc theo dạng hợp đồng thời vụ, nhiều người khi vào đây chỉ mang tính tạm bợ, lúc có cơ hội thu nhập cao hơn thì họ bỏ việc”, ông Hiếu cho biết.
Cùng vấn đề này, ông Nguyễn Cảnh Thuận, Phó trưởng Công an phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) cho biết: “Lực lượng này làm việc rất nhiệt tình. Khi tuyển vào làm ở phường, hàng năm chúng tôi tổ chức tập huấn để họ biết được chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn khi ra đường phối hợp với công an bảo đảm an ninh trật tự. Hàng tuần, họ luôn được quán triệt để làm đúng quyền hạn”.
Tuy nhiên, lãnh đạo công an phường Quan Hoa thừa nhận, rất khó để đào tạo khối dân phòng tự quản hoạt động chuyên nghiệp.
“Cũng có người tâm huyết với nghề nhưng vì lương thấp nên họ chỉ xác định làm tạm thời. Kiếm được việc mức lương cao hơn họ lại xin ra ngoài đội. Do là lực lượng tự nguyện nên việc tuyển dụng rất khó. Có trường hợp nhận thức văn hoá, kiến thức pháp luật thấp, thậm chí có trường hợp sau khi tuyển vào chúng tôi buộc phải đuổi việc vì phát hiện có dấu hiệu nghiện hút hoặc làm việc vô trách nhiệm”, lãnh đạo công an phường này cho hay.
Chủ tịch phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) Nguyễn Minh Tuyên cho rằng, rất cần thiết sự hỗ trợ của lực lượng tự quản đô thị khi mà lực lượng công an trật tự, cán bộ quản lý đô thị mỏng. Nhưng không thể vì thế mà để lực lượng làm việc lạm quyền, gây bức xúc cho người dân.
“Có thể làm việc quá hăng say nên một số trường hợp dân phòng làm quá quyền hạn cho phép. Cách tốt nhất để hạn chế tình trạng này là phải thường xuyên cho đi đào tạo và nhắc nhở kịp thời. Mọi hành vi sai phạm của những ai tham gia lực lượng này đều bị xử lý, nhắc nhở, cảnh cáo nặng là cắt hợp đồng”, ông Tuyên nhấn mạnh.
Theo ông Trần Sơn, Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra tai nạn-Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (Bộ Công an), việc lực lượng dân phòng, tự quản đô thị tự ý dừng xe người dân vi phạm khi tham gia giao thông là không đúng với quy định.
“Họ chỉ là lực lượng hỗ trợ cho lực lượng chức năng khi phát hiện người dân tham gia giao thông vi phạm luật. Lực lượng này phải có trách nhiệm và nghĩa vụ báo với công an để kết hợp xử lý, chứ không được tự ý xông ra dừng xe. Ngược lại các lực lượng chức năng cũng phải giám sát, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ thường xuyên đối với lực lượng này”, ông Sơn nói.
Việc lực lượng dân phòng, tự quản đô thị tự ý dừng xe người dân vi phạm khi tham gia giao thông là không đúng với quy định. - Ông Trần Sơn: Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt |
Theo quy định của Nghị định 38/CP về quyền hạn của bảo vệ dân phố thì nghiêm cấm lực lượng này tự ý kiểm tra giấy tờ, hàng hoá, phương tiện hoặc vào nơi ở của công dân để kiểm tra, kiểm soát trái quy định pháp luật. |
Theo Tiền phong