Những ngày qua, vụ tai nạn thương tâm đã cướp đi mạng sống của bé trai 9 tuổi khiến nhiều người xót xa. Nguyên nhân do cháu bé va vào mái tôn của xe xích lô khiến cháu bị cứa vào cổ dẫn đến tử vong.
Tối 23/9, trên trang cá nhân của bác sĩ Ngô Đức Hùng, bác sĩ Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai đã có những chia sẻ về ca cấp cứu cho bé trai đáng thuơng này, khiến nhiều người đồng cảm.
Nội dung đoạn chia sẻ của bác sĩ Hùng như sau:
"Chuyện không may
Thằng bé 10 tuổi đạp xe 1 mình giữa phố, chiếc xe chở tôn lợp đi ngang qua. 1 tai nạn xảy ra, cháu bé vào viện vì vết thương cứa đứt ngang cổ máu tuôn như suối.
Bác sĩ huy động toàn bộ kíp trực cấp cứu cầm máu cho cháu bé, vết thương cứa đứt khí quản và thực quản, đặt ống nội khí quản quả thật kinh khủng, mãi sau mới luồn được qua vết cắt.
Mình là bác sĩ chính cấp cứu cho cháu bé, mặt lạnh như tiền đuổi ngay lập tức người nhà ra chỗ khác và dặn bảo vệ cấm cho bén mảng đến chỗ cấp cứu kẻo ảnh hưởng tâm lý các bác sĩ.
Người cháu bé đẫm máu, mùi máu tanh khắp căn phòng. Nhưng y học là hữu hạn, cuối cùng các bác sĩ cũng bất lực. Các điều dưỡng chảy nước mắt thương cháu bé.
Mình tiếp tục ký giấy chuyển cháu bé xuống nhà đại thể. Cảm giác tuyệt vọng dâng lên một cách khủng khiếp.
Chúng ta đều là người, ai cũng muốn điều tốt đẹp nhất đến với những người yêu thương nhưng đôi khi những cố gắng là không thể. Bố mẹ cháu gào lên vào mặt các bác sĩ không cho vào với con, mình chấp nhận điều đó, cho họ trách cứ.
Thôi cháu bé hãy ngủ ngoan, và các bác sĩ chỉ còn cách tàn nhẫn là không cho bố mẹ cháu vào bệnh phòng, để cháu biết, cuộc đời này đôi khi sự tàn nhẫn là cần thiết".
Ngay sau những dòng chia sẻ trên được đăng tải trên mạng xã hội đã thu hút sự chú ý của nhiều người.
Ai ai cũng không khỏi xót xa, đau lòng trước sự ra đi của cháu bé, cảm thông trước những áp lực, sự giày vò ám ảnh mà các bác sĩ phải trải qua khi trực tiếp tham gia cấp cứu.
"Thương con quá, mong con an giấc. Các bác sĩ A9 cũng đã nỗ lực hết sức rồi", tài khoản A.C. chia sẻ.
"Các bác sĩ đôi khi cũng bắt buộc phải "tàn nhẫn" để giảm bớt nỗi đau cho những người thân của cháu bé. Thật thương cho bé, nhưng vết thương quá nặng.
Cơ quan chức năng cần có biện pháp hạn chế những trường hợp đáng tiếc sẽ xảy trong tương lai. Thành phố đã quá đông đúc, thêm nhưng chiếc xe ba gác hay xích lô chở hàng ko an toàn như thế này luôn là mối họa rình rập ko chỉ trẻ em mà còn có người lớn", tài khoản Q.A. bày tỏ.
Là người trực tiếp cấp cứu cho cháu Trần Minh Hoàng - bé trai bị tôn cứa vào cổ, bác sĩ Hùng cho biết: "Trong quá trình cấp cứu cho cháu bé, với cương vị là một bác sĩ, và là một công dân thì theo tôi sự việc đáng tiếc này chỉ là việc không may vì rõ ràng chả ai muốn tai nạn như thế xảy ra cả, chỉ là tình cờ cái xe chở tôn nằm trên đường, tình cờ thằng bé con lao vào... dẫn đến sự việc đau lòng trên".
Khi được hỏi về tình hình của cháu bé khi chuyển vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, bác sĩ chia sẻ: "Mặc dù lúc đưa cháu vào cấp cứu, qua kiểm tra sơ bộ, chúng tôi đã tiên lượng trước là không thể cứu được rồi, nhưng các bác sĩ trong bệnh phòng vẫn huy động tối đa nhân lực để cấp cứu, mong muốn giành lại sự sống cho cháu bé.
Trong quá trình cấp cứu các y bác sĩ khá bình tĩnh để xử lí những tình huống phát sinh. Tuy nhiên, Khi biết tin cháu bé không qua khỏi, một số điều dưỡng đã bật khóc vì không thể cứu được cháu bé khỏi tay tử thần".
Vị bác sĩ này cũng cho biết, trong quá trình cấp cứu, vì để các y bác sĩ tập trung tối đa, nỗ lực cứu sống bệnh nhân nên người nhà của cháu bé đều được yêu cầu ra ngoài, chỉ để duy nhất 1 người ở lại để làm thủ tục nhập viện cho cháu.
"Một phần nữa là tôi không muốn người nhà nhìn thấy cảnh máu me, đau lòng ấy của con em mình nên mặc cho họ trách cứ, nói tôi tàn nhẫn tôi đều chấp nhận".
"Là một bác sĩ dù có gặp tình huống như nào thì vẫn luôn phải giữ sự lạnh lùng tỉnh táo trong quá trình làm việc. Còn về con người, thì ai chả có lúc yếu lòng, nhưng để nó ảnh hưởng đến công việc là điều tối kỵ.
Dù đã cố hết sức những vẫn không cứu được cháu bé nên trong một phút giây nào đó tôi cũng thấy mệt mỏi, tuyệt vọng và buồn. Nhưng lúc đó bệnh phòng vẫn rất đông bệnh nhân, thế nên tôi phải nhanh chóng lấy lại tinh thần để làm việc tiếp", bác sĩ Hùng chia sẻ.
Theo Trí Thức Trẻ