Rumana Ahmed từng là một nhân viên Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Donald Trump. Nhưng có một điều ngạc nhiên hơn cô là một phụ nữ Hồi giáo.
Khi tốt nghiệp đại học George Washington vào năm 2011, Ahmed được nhận vào làm việc tại Nhà Trắng và sau này là một nhân viên trong Hội đồng An ninh Quốc gia khi trở thành cố vấn cấp cao của phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes.
Ahmed luôn cảm thấy được sự tôn trọng và chào đón từ chính quyền của cựu Tổng thống Obama trong suốt quãng thời gian làm việc tại đây – những người không quan tâm đến tôn giáo mà cô đi theo.
Giống như hầu hết người Mỹ theo Hồi giáo khác, Ahmed ngạc nhiên khi Tổng thống Donald Trump có những phát biểu gây tranh cãi đối với cộng đồng của mình.
Mặc dù vậy, cô vẫn tâm niệm sẽ ở lại để tiếp tục công việc trong chính quyền Trump với mong muốn sẽ giúp tổng thống mới và các phụ tá của ông có một cái nhìn tinh tế hơn về Hồi giáo cũng như các công dân Hồi giáo trên đất Mỹ.
Tuy nhiên mọi thứ chỉ kéo dài trong tám ngày. Ahmed quyết định rời đi sau khi ông Trump ban hành sắc lệnh cấm nhập cảnh tạm thời với công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo trên thế giới.
Cựu cố vấn cấp cao của NSC cho biết, cô không thể ở lại khi chính quyền coi bản thân mình cũng như những người khác trong cộng đồng giống như một mối đe dọa.
Trong buổi tối chia tay, Ahmed thông báo với đồng nghiệp của mình - Michael Anton – một trong những cố vấn cấp cao của ông Trump về quyết định của mình. Anton ngạc nhiên nhưng đã không hỏi lý do tại sao.
“Tôi nói với anh ấy rằng mình phải ra đi vì đó là một sự xúc phạm khi bước vào tòa nhà có lịch sử lâu đời nhất đất nước này mỗi ngày, dưới một chính quyền đang chống lại tất cả mọi thứ từ người Hồi giáo. Tôi nói với anh ta rằng chính quyền đã phá vỡ các nguyên lý cơ bản của nền dân chủ”, Ahmed viết trên Newyorker.
Anton sau đó im lặng và không nói gì. Sau này Ahmed biết được rằng đồng nghiệp của mình là tác giả của một luận văn nói về “mặt tiêu cực của sự đa dạng tôn giáo” với nội dung cho rằng “Hồi giáo là không tương tích với phương Tây hiện đại”.
Mong chờ một nước Mỹ "đa dạng"
Gia đình Rumana Ahmed di cư đến Mỹ từ Bangladesh vào năm 1978. Cha mẹ của cô đã phấn đấu rất nhiều để con cái có điều kiện trở thành công dân chính thức của Mỹ.
“Mẹ tôi là một thủ quỹ và có một cơ sở nhà trẻ tư nhân”, Ahmed kể lại. “Cha tôi đã làm việc ròng rã nhiều đêm tại ngân hàng Bank of America và được đền đáp bằng việc trở thành phụ tá cho phó chủ tịch tại một trong những chi nhánh chính”, cô nói về người cha tần tảo của mình.
Giống như bao người nhập cư khác được sống trong “giấc mơ Mỹ”, Ahmed cũng trải qua những tháng ngày tuổi thơ êm ả với những bữa tiệc BBQ cùng gia đình, các chuyến đi đến Disney World, tham gia những hoạt động vui chơi và các dự án phục vụ cộng đồng.
Ahmed được gia đình khuyến khích đeo khăn trùm đầu vào năm 12 tuổi và từ đó đến nay, nó đã trở thành một vật không thể thiếu; là đức tin, sự chính danh tôn giáo đối với cô.
Nhưng sau vụ khủng bố ngày 11/9, mọi thứ đã thay đổi tất cả. Ahmed đau khổ khi bước ra đường với sự kì thị, chửi mắng từ mọi người xung quanh và phải đón nhận những câu nói miệt thị như “khủng bố” hay “rời khỏi nước Mỹ”.
Nhưng sau đó cô nhớ lại những bài học từ người cha của mình trong đó có một câu tục ngữ lấy cảm hứng từ kinh thánh Hồi giáo rằng : "Khi một người đánh ngã bạn, hãy đứng dậy, mở rộng bàn tay của mình ra và gọi người ấy là anh em".
“Hòa bình, nhẫn nại, kiên trì, tôn trọng, tha thứ, và nhân ái. Đó là những giá trị luôn xuyên suốt trong cuộc sống và sự nghiệp của tôi”, cựu cố vấn NSC chia sẻ.
Những ngày cuối năm 2016 đối với Ahmed khiến cô nhớ lại không khí nặng nề bao trùm giống như 15 năm trước. Những hành động kỳ thị người Hồi giáo bắt đầu xuất hiện trên khắp đường phố.
Trong giai đoạn chuyển giao quyền lực ở Nhà Trắng, một số đồng nghiệp và lãnh đạo khuyến khích Ahmed ở lại, nhưng một số người khác cũng bày tỏ lo ngại cho sự an toàn của cô. “Thay vì sự phấn khích khi lần đầu tiên tới Nhà Trắng dưới thời Obama, các nhân viên mới nhìn tôi với một vẻ ngạc nhiên và lạnh nhạt”, Ahmed kể lại.
“Sắc lệnh cấm người Hồi giáo tới Mỹ không khiến cho nước Mỹ an toàn hơn”, cựu cố vấn cấp cao NSC nhận xét.
“Người dân thuộc mọi tôn giáo, chủng tộc, sắc tộc, giới tính, tuổi tác, đổ ra đường phố và sân bay để bảo vệ quyền lợi của nhau trong vài tuần qua đã chứng minh điều ngược lại và đúng sự thật rằng: sự đa dạng của nước Mỹ chính là sức mạnh. Lý tưởng của nước Mỹ là công lý và bình đẳng”.
Với Ahmed, lịch sử vĩ đại của nước Mỹ không phải trải qua một cách sự ngẫu nhiên, nó đã được chứng minh rằng đất nước chỉ trở nên thịnh vượng và vươn lên mạnh mẽ hơn qua tinh thần đấu tranh, lòng nhân ái và sự đa dạng.
“Đó là lý do tại sao cha mẹ tôi đến đây. Đó là lý do tại sao tôi nói với học sinh cũ của mình - người luôn băn khoăn liệu bản thân có thuộc về nơi này hay không rằng: Mỹ sẽ không thể trở nên tuyệt vời hơn nếu không có chúng ta”.
Đọc thêm>>> Tâm sự của nhân viên CIA từ bỏ công việc mơ ước dưới thời Trump
Quốc Vinh