Chiều tối 15/9, trao đổi với phóng viên, ông Phạm Ngọc Điệp - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng, cho biết, từ ngày 16/9 (ngày 14/8 Âm lịch), đơn vị thi công sẽ bắt đầu công trình tu sửa cấp thiết 3 hạng mục đã xuống cấp tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo.
Các hạng mục gồm: Tháp bút Kình Thiên, Quán Trung Tân, sân và tường Nhà Điều hành Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Việc tu sửa sẽ hoàn thành xong trong năm 2024.
Công trình tu sửa cấp thiết có tổng số vốn hơn 4,7 tỷ đồng do UBND huyện Vĩnh Bảo làm chủ đầu tư. Trong đó, nguồn ngân sách Tp.Hải Phòng hỗ trợ 4 tỷ đồng. Số kinh phí còn lại huyện Vĩnh Bảo cân đối từ nguồn ngân sách huyện.
Ông Phạm Ngọc Điệp cho biết, đầu năm 2024, khi phát hiện tháp bút Kình Thiên có độ nghiêng hơn so với trước kia, Ban Quản lý di tích Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã báo cáo UBND huyện Vĩnh Bảo.
Sau đó, UBND huyện Vĩnh Bảo đã báo cáo UBND Tp.Hải Phòng và các sở, ngành có liên quan. UBND Tp.Hải Phòng đã chỉ đạo các sở: Văn hóa - Thể thao, Xây dựng, Tài chính cùng UBND huyện Vĩnh Bảo tiến hành khảo sát và lên phương án tu bổ, khắc phục.
Tại Văn bản số 60/VP-VH1, UBND Tp.Hải Phòng đã đồng ý chủ trương tu sửa cấp thiết 3 hạng mục tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, gồm: Tháp bút Kình Thiên, Quán Trung Tân, sân và tường Nhà Điều hành Khu di tích.
Đồng thời, giao UBND huyện Vĩnh Bảo lập, trình duyệt hồ sơ và triển khai tu sửa cấp thiết các hạng mục đã xuống cấp tại Khu di tích cũng như có biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách, nhất là khu vực có các hạng mục đã xuống cấp.
Theo ghi nhận của phóng viên, tấm bảng dựng trong khuôn viên Di tích tháp bút Kình Thiên thông tin: Tương truyền tháp được dựng cách đây hơn 400 năm liên quan đến sự tích của bà Nhữ Thị Thục (mẹ của Trạng Trình - PV) con quan Thượng thư Bộ Hộ thời nhà Lê. Gần 20 năm kén chồng, bà mới gặp và kết duyên với ông Nguyễn Văn Định (bố của Trạng Trình - PV).
Trên gò đất này, học trò đã dựng tháp bút Kình Thiên tại gò đất để ca ngợi tài năng, đức độ của Trạng Trình. Trải qua năm tháng, tháp bị đổ. Đến thời Nguyễn, tháp được xây lại và tồn tại đến ngày nay.
Thời gian gần đây, tháp bút Kình Thiên ngày càng bị nghiêng về phía phải. Để tránh tháp bị đổ, địa phương đã thực hiện phương án chằng chống tạm thời để tránh tháp bị đổ.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491 tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương, nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng.
Năm 45 tuổi ông mới dự thi. Liên tiếp 3 kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình ông đều đỗ đầu, giành học vị cao nhất- Trạng Nguyên. Sau đó, ông giữ chức Hiệu thư ở Viện Hàn Lâm rồi chuyển sang chức Đại học sĩ Tòa Đông Các, sau thăng Tả thị lang Bộ Hình rồi Tả thị lang Bộ Lại, tước Trình Quốc Công.
Làm quan được 8 năm, triều Mạc bất ổn, ông dâng sớ vạch tội 18 lộng thần nhưng không được vua chấp thuận. Mùa thu năm Nhâm Dần (1542), ông từ quan về quê dựng Am Bạch Vân mở trường dạy học.
Sau khi qua đời năm 1585, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại rất nhiều tác phẩm thơ ca đặc sắc, đặc biệt là những lời tiên tri ứng nghiệm - còn được gọi là "sấm Trạng".
UBND Tp.Hải Phòng đã có Quyết định số 2195/QĐ-UBND thành lập Ban Vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình nhân dịp kỷ niệm 450 năm ngày mất của ông (1585 - 2035).