Nguy cơ phá vỡ an ninh mạng
Theo các chuyên gia an ninh mạng, tình trạng nhiều người dùng internet tham gia đăng tải, hướng dẫn, cung cấp công cụ, ứng dụng hack sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống an ninh mạng. Tuy nhiên, nguy cơ trên lại không được người dùng internet thấu hiểu một cách nghiêm túc.
Xu hướng hiện nay cho thấy, nhiều người dùng internet có tham vọng trở thành hacker với những mục đích khác nhau. Trong đó, mục đích để chứng minh, thể hiện bản thân được nhận định là đứng hàng đầu.
Cụ thể, trong các tài liệu hướng dẫn tấn công, xâm nhập mạng, máy tính trái phép, người viết luôn tự khoe các chiến tích, kinh nghiệm của mình như một "bậc thầy" trong lĩnh vực nói trên.
Kỹ sư công nghệ thông tin Võ Đỗ Thắng, Giám đốc trung tâm Đào tạo quản trị mạng và an ninh mạng quốc tế Athena khẳng định: “Hiện nay, việc sử dụng, phát tán các tài liệu hướng dẫn, công cụ hack, thực hiện các vụ hack đa phần là các bạn trẻ háo thắng, muốn thể hiện bản thân. Tuy nhiên, chính sự háo thắng, thích hiện bản thân không đúng cách nói trên mà những bạn trẻ này vô tình gây ra nhiều nguy hại cho hệ thống an ninh mạng".
"Vì đa số là các bạn trẻ, không có kinh nghiệm nên không phân biệt được các phần mềm, ứng dụng nào có và không có chứa mã độc. Do đó, khi sử dụng, vô tình các bạn này đã tự tải về, phát tán các phần mềm có chứa mã độc, nguy hiểm cho hệ thống an ninh mạng”, ông Thắng cho biết thêm.
Thống kê từ Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cho thấy, hơn 134.000 sự cố an ninh mạng đã xảy ra trong năm 2016, tăng gấp 4 lần so với năm 2015. Trong báo cáo tình hình an ninh mạng mới đây, tập đoàn công nghệ BKAV cũng ghi nhận rằng năm 2016 vừa qua là năm bùng nổ của mã độc Ransomware (phần mềm gián điệp, phần mềm tống tiền) khi mà trung bình 10 email nhận được thì 1,6 email có chứa Ransomware. Cũng theo báo cáo này, người dùng Việt Nam đã chịu thiệt hại lên đến 10.400 tỉ đồng, tăng gần 9.000 tỉ đồng so với mức thiệt hại năm 2015.
Hiện nay, chỉ cần vào Internet, bằng vài từ khoá là bạn có thể dễ dàng tìm ra hàng loạt công cụ (tools), bài hướng dẫn hack hay phá hoại các website. Tuy nhiên, việc cá nhân tìm hiểu, học tập, sử dụng các công cụ nói trên một cách thiếu chọn lọc, vào mục đích xấu là rất nguy hiểm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề an ninh mạng.
Theo chuyên gia an ninh mạng Ngô Việt Khôi, hiện kiến thức bảo mật của người dùng Việt vẫn như thuở sơ khai gần 20 năm trước khi mà Internet mới vào Việt Nam. Đây là những vấn đề bảo mật đáng báo động với các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân; đồng thời cũng đặt ra những thách thức cho các lãnh đạo và chuyên gia an ninh để có thể tìm ra giải pháp giúp nâng cao ý thức người dùng và áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin hiệu quả trong bối cảnh rủi ro như hiện nay.
Vi phạm nghiêm trọng đạo đức, pháp luật
Các luật sư cho biết, khi cá nhân, tổ chức “câu trộm”, đột nhập trái phép vào tài khoản cá nhân của người khác sẽ vi phạm điều kiện sử dụng dịch vụ đối với mỗi tài khoản bị hack. Hành động nói trên chắc chắn được quy kết thành tội danh xâm phạm riêng tư cá nhân của người khác.
Hơn thế, xét trên góc độ xã hội, hành vi truy cập vào tài khoản cá nhân người khác, đăng tải, phát tán hình ảnh, thông tin nhạy cảm của người đó là hoàn toàn trái với đạo đức. Còn chiểu theo luật, không ai có quyền phát tán hình ảnh, thông tin bí mật đời tư nhằm xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Theo đó, mọi hành vi phát tán ảnh khỏa thân, ảnh sinh hoạt đặc biệt, phim quay lén của người khác nhằm xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự của họ là vi phạm pháp luật.
Nguy hiểm hơn, nhiều hacker còn sử dụng hình ảnh nóng, thông tin nhạy cảm của người khác để tống tiền. Hành vi trên được các luật sư khẳng định có dấu hiệu phạm tội cưỡng đạo tài sản người khác.
Ngoài ra, việc cư dân mạng liên tục sử dụng, đăng tải các phần mềm, công cụ phục vụ việc hack cũng được chuyên gia an ninh mạng cảnh báo có thể sẽ “mở đường”, “trải thảm” cho các tổ chức tin tặc tấn công hệ thống an ninh mạng, gây nên những thiệt hại khó lường trước.
Tấn công máy tính trái phép có thể bị phạt tù Luật sư Cồ Lê Huy, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: “Điều 226a Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định: Người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của thiết bị số; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. Phạm tội thuộc một trong các trường như có tổ chức, gây thiệt hại nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm, … thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”. |
Hà Nguyễn