An toàn ở những khu kinh doanh phế liệu sau vụ nổ lớn khiến 11 người thương vong vừa xảy ra tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh một lần nữa là vấn đề đáng báo động. Quản lý, giám sát các cơ sở kinh doanh phế liệu này như thế nào? Trách nhiệm của chính quyền địa phương ra sao? PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng.
PV: Thưa bà, nhìn nhận về vụ nổ kho phế liệu ở Bắc Ninh vừa qua, theo bà, các cơ quan quản lý đã làm hết trách nhiệm của mình trong vấn đề này chưa?
PGS.TS Bùi Thị An: Chính quyền địa phương, người quản lý địa bàn dân cư để xảy ra vụ nổ sẽ phải chịu trách nhiệm chính. Trách dân một phần nhưng phải quy rõ trách nhiệm của quản lý địa phương. Không thể để 7 tấn đầu đạn tồn tại ở trên địa bàn của mình như thế trong một thời gian dài được. Tại sao lại không biết? Hay biết mà lờ đi vì một lý do gì đó?
Trách nhiệm của người quản lý chất nổ cũng có, phải làm rõ vì đằng sau đó là cả một vấn đề lớn. Trên địa bàn của mình thì phải biết rõ người dân làm những gì, kinh doanh cái gì, phải nắm được. Cán bộ là công bộc của dân thì phải làm được điều đó.
Tôi nhấn mạnh lại, trách nhiệm lớn nhất thuộc về chính quyền địa phương. Người dân vì mưu sinh họ phải kiếm sống, cũng có người vì không biết nên vi phạm, có người biết nhưng vẫn vi phạm vì ham lợi nhuận. Điều này cũng phải làm rõ trong thời gian tới qua quá trình điều tra của cơ quan chức năng.
PV: Nhiều cơ sở kinh doanh phế liệu trên toàn quốc cũng có thể là một “quả bom” lớn trong tương lai. Hầu hết các cơ sở này hoạt động tự phát và phớt lờ các quy chuẩn. Vậy cần thiết phải có sự ràng buộc như giấy phép kinh doanh, cam kết bảo vệ môi trường, chống cháy nổ?
PGS.TS Bùi Thị An: Điều này tôi nghĩ cần phải làm được từ rất lâu rồi. Không nói những chị buôn đồng nát rong, nhưng kinh doanh buôn bán phế liệu có quy mô và mang lại lợi nhuận lớn, là nghề phải được quản lý chặt. Không thể buông lơi nhiều năm như vậy được. Vụ việc ở Hà Đông cách đây mấy năm đã là lời cảnh báo. Luật đã có, nhưng phải quản lý chặt chẽ hơn.
Không riêng Bắc Ninh mà tất cả các địa phương trên cả nước phải tổng rà soát lại, xem vấn đề buôn bán phế liệu đang được quản lý như thế nào? Những lỗ hổng ở đâu thì mới triệt tiêu được. Nếu không, trong những ngày tới, biết đâu báo chí lại tiếp tục phải đưa tin những vụ việc đau lòng này.
PV: Thực tế, người thu gom phế liệu có thể không biết sự nguy hiểm trong những cục sắt hoen gỉ. Vậy, các cơ quan chức năng cần có rà soát bằng máy móc để giúp người dân phân biệt được?
PGS.TS Bùi Thị An: Luật có rồi, tôi đề nghị các lực lượng được giao nhiệm vụ rà soát lại toàn bộ các kho, bãi. Rà soát từ Trung ương đến địa phương vì người dân có thể không phân biệt được bên trong cục gỉ sét có chất gây nổ. Từ đó, có những cảnh báo về sự nguy hại cho người dân biết, tránh hậu quả đau lòng.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
Vì tiền, hám lợi, mua bán lén lút phải xử nghiêm
Một chuyên gia tội phạm học (đề nghị không nêu tên) đưa quan điểm: “Luật đã quy định rất chặt chẽ, tuy nhiên, các cơ quan thực hiện chức năng quản lý có những thiếu sót, buông lỏng, lơ là. Người bán cho chủ kho phế liệu là sai hoàn toàn, vì chắc chắn họ biết thừa bom, mìn, vật liệu nổ, phải được báo cho các cơ quan chức năng như quân đội để tiêu hủy nhưng lại không tiêu hủy mà đi bán. Chính người đi thu mua cũng có thể biết nó là mối nguy hiểm cao độ nhưng vẫn mua, bất chấp các quy định của pháp luật. Như vậy cả người mua và người bán đã sai. Cơ quan thực hiện chức năng quản lý về việc đó cũng đã thiếu kiểm tra, thiếu trách nhiệm nên dẫn đến hậu quả đau lòng”.
Vị chuyên gia cũng đặt vấn đề về đạo đức của người kinh doanh. “Vì tiền, hám của, không giao nộp, mua bán lén lút với nhau là vi phạm nghiêm trọng, cần phải bị xử lý nghiêm. Tôi nghĩ chưa cần đặt vấn đề tăng cường kiểm tra, rà soát mà trước hết cơ quan chức năng hãy kiểm tra định kỳ, đúng thời gian quy định. Quan trọng nhất là lương tâm, trách nhiệm của người thu gom phế liệu, biết thì không được phép tham lam, coi thường mạng sống của mọi người. Cả nước có nhiều người làm nghề này, họ phân loại, làm ngày làm đêm có vấn đề gì đâu. Vấn đề ở đây chính là ý thức tuân thủ quy định của luật pháp. Nếu “tham bát bỏ mâm”, thiếu tỉnh táo 1 phút có thể tiêu tan cả sự nghiệp, cả cuộc đời. Vấn đề vũ khí, bom mìn, vật liệu nổ đang ẩn mình trong khái niệm “phế liệu” cần phải có cuộc rà soát trên toàn quốc, vì rất có thể những vụ nổ lớn đang tiềm ẩn đâu đó, chẳng qua chưa nổ thì chưa biết”, vị chuyên gia nói.