Từ tháng 5/2017, nhiều chính sách mới sẽ bắt đầu có hiệu lực như quy định về phạt khi vứt xác súc vật chết ra đường; dán, vẽ quảng cáo lên cột điện; tăng mức xử phạt xả thải trái phép, sai quy định nội dung giấy phép; xử phạt vi phạm hành chính phải hiển thị ngày giờ; quảng bá hình ảnh người mẫu ăn mặc phản cảm...
Bảo vệ luận án tiến sĩ, phải có ít nhất 2 bài báo quốc tế.
Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT quy định từ ngày 18/5, nghiên cứu sinh được đăng ký đánh giá luận án ở đơn vị chuyên môn là phải có 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện.
Theo quy định này, tới đây việc bảo vệ tiến sĩ tại Việt Nam sẽ trở nên khó khăn hơn với nhiều người. Tuy nhiên, không ít ý kiến hiện cũng đang hi vọng rằng, quy định mới sẽ siết chặt được đầu ra của những “tiến sĩ giấy”, làm giảm thiểu tình trạng “đi đâu cũng thấy tiến sĩ, thạc sĩ” thời gian vừa qua, đồng thời giúp cho tấm bằng tiến sĩ được cấp tại Việt Nam có giá trị hơn.
Phạt đến 100 triệu đồng nếu sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Theo Nghị định 41/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; quản lý, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản:
Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với chủ vật nuôi có một trong các hành vi vi phạm dưới đây:
- Sử dụng thuốc thú y không có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép để phòng bệnh, chữa bệnh cho động vật;
- Vứt động vật mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng, xả nước thải, chất thải mang mầm bệnh ra môi trường;
- Không chấp hành việc tiêm phòng vắc-xin dại cho chó nuôi.
Phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh, thu gom, lưu giữ, giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi.
Phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Phạt tiền từ 70 đến 100 triệu đồng đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong sản xuất, gia công và kinh doanh thức ăn chăn nuôi; đồng thời đình chỉ hoạt động từ 06 đến 12 tháng (mức hiện tại từ 01 đến 03 tháng).
Nghị định 41/2017/NĐ-CP có hiệu lực ngày 20/5/2017.
Dán, vẽ quảng cáo lên cột điện bị phạt 1-2 triệu đồng.
Nghị định số 28/2017/NĐ-CP giữ nguyên quy định phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với người treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng.
Theo đó, nghị định chỉ rõ: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 200.000-500.000 đồng đối với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.
Phạt từ 2 đến 5 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo tại mặt trước, mặt sau và trên nóc của một phương tiện giao thông; quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của một phương tiện giao thông được quy định.
Nghị định 28/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 5/5.
Tăng mức phạt khi lưu hành hình ảnh người mẫu có nội dung phản cảm.
Nghị định số 28/2017/NĐ-CP bổ sung quy định phạt 15-20 triệu đồng đối với hành vi phổ biến, lưu hành hình ảnh cá nhân người trình diễn thời trang, biểu diễn nghệ thuật có nội dung phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam hoặc hành vi làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại trong quá trình tổ chức trình diễn thời trang, biểu diễn nghệ thuật.
Tăng mức phạt khi xả thải sai nội dung giấy phép.
Nghị định 33/2017/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 20/5) tăng mức phạt tiền 30-50 triệu đồng lên 100-120 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Xả nước thải vào nguồn nước không đúng vị trí, tọa độ quy định trong giấy phép; xả nước thải vào nguồn nước không đúng chế độ, phương thức quy định trong giấy phép.
Ngoài ra, nghị định cũng quy định tăng mức phạt với một số vi phạm trong bảo vệ nguồn nước như phạt tiền 10-15 triệu đồng đối với hành vi quản lý, vận hành công trình gây thất thoát, lãng phí nước (mức phạt hiện hành là 6 -10 triệu đồng).
Hình ảnh xử phạt vi phạm hành chính phải hiển thị ngày, giờ.
Thông tư 06/2017/TT-BGTVT của bộ Giao thông Vận tải quy định quy trình sử dụng phương tiện thiết bị ghi hình làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính (VPHC) và xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ nêu rõ:
Thiết bị ghi hình làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính (VPHC) và xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ khi chụp ảnh thực tế phải bảo đảm hình ảnh có hiển thị ngày, tháng, năm, giờ, phút, giây và địa điểm chụp hình.
Camera khi ghi, thu hình ảnh thực tế, clip hình ảnh phải bảo đảm có hiển thị ngày, tháng, năm, giờ, phút, giây, địa điểm ghi, thu hình ảnh, clip. Trường hợp thiết bị ghi hình không có chức năng xác định địa điểm thì trong phiếu xác nhận kết quả thiết bị ghi hình phải ghi rõ địa điểm ghi hình.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5.
Đ.Huệ