Kỳ tích thành đá
Nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật bảo, nếu cho đánh giá về điều đặc sắc nhất mà nhà Hồ để lại cho hậu thế thì ông thẳng thắn khẳng định rằng, đó là trình độ kiến trúc. Thời đại nhà Hồ có nhiều cái "độc" trong đó có nghệ thuật kiến trúc "lạ", nét kiến trúc mà sau này không có sự lặp lại ở các triều đại sau.
Chứng tích còn lại cho đến tận ngày nay là thành nhà Hồ, đã được tổ chức UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc) công nhận là di sản nhân loại năm 2011. Nói như ông Truật, nếu nhà Hồ không "chết yểu" thì chắc chắn ngày nay chúng ta sẽ có không ít những công trình kiến trúc bằng đá, mang đậm dấu ấn của thời đại nhà Hồ. Sự vô tình trong mục đích xây thành chống ngoại xâm đã sinh ra tòa thành vững chãi với thời gian.
Trong những tư liệu lịch sử mà PGS.TS sử học Nguyễn Quang Hồng (ĐH.Vinh) nghiên cứu thì ngoài thành Tây Đô ở Thanh Hóa ra, tại miền Trung ngày nay từng có những công trình được xây bằng đá do nhà Hồ chủ trương xây dựng trong thời gian chống quân Minh xâm lược. Ví dụ như Hồ Vương Thành (núi Đại Huệ, Nam Đàn, Nghệ An) là bức thành được xây dựng bằng kỹ thuật ghép đá truyền thống, kéo dài từ chân lên đến đỉnh núi Đại Huệ.
Tuy nhiên, sau khi thành Tây Đô ở Thanh Hóa thất thủ thì bức thành này không lâu sau đó cũng bị tàn phá, nay chỉ còn lại dấu tích. Tại huyện Diễn Châu (Nghệ An) có Thành Trài (còn gọi là Đông Lũy), ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) có thành Bàu Đột. Tuy nhiên, khi quân Minh đô hộ, tất cả đều bị phá sạch, ngoại trừ thành Tây Đô chúng chừa lại để đóng quân.
Trở lại vấn đề thành nhà Hồ ở Thanh Hóa, đây là ngôi thành mang nhiều cái đặc biệt nhất, không những đặc biệt về thời gian xây kỷ lục mà đặc biệt cả về lối kiến trúc. Thành xây năm 1397, nằm trên địa phận thôn Tây Giai và Xuân Giai của huyện Vĩnh Lộc ngày nay, theo chủ trương của Tể tướng Hồ Quý Ly (quan dưới thời vua Trần Thuận Tông). Người trực tiếp tổ chức và điều hành công việc kiến tạo là Thượng thư bộ Lại Thái sử lệnh Đỗ Tỉnh.
Điều đáng nói là chỉ hoàn thành trong 3 tháng, nhưng không chỉ riêng thành mà còn có các công trình khác ở bên trong và ngoài, tạo nên một tổ hợp hết sức phức tạp, tương ứng với một khối lượng công việc vô cùng khổng lồ. Kết quả điều tra khảo sát và đo đạc của các nhà khảo cổ học cho thấy, thành Tây Đô quy mô khá lớn.
Riêng Hoàng Thành hình gần vuông, mỗi cạnh trên dưới 800m và chu vi trên 3,5km. Phía ngoài thành xây bằng đá, bên trong xây bằng đất đầm nện chắc, mở bốn cửa theo bốn hướng Nam, Bắc, Đông, Tây. Tường thành đá bên ngoài xây bằng những khôi đá nặng trung bình 10-16 tấn, có khối nặng đến trên 26 tấn, được đẽo gọt khá vuông vắn và lắp ghép theo hình chữ công "X" tạo nên sự liên kết kiên cố.
Vấn đề mà mãi đến bây giờ các nhà khoa học vẫn cho là "bí ẩn" trong kỹ thuật xây, xứng đáng "kim tự tháp" phương Đông. Vì với khả năng thời đó, thì không biết bằng cách nào người ta có thể đưa những khối thạch vôi nặng đến hàng chục tấn lên độ cao đến 10m và xếp chồng lên nhau không cần vữa liên kết, nhưng độ vững chãi thì không thể hoàn hảo hơn.
Gọi tên là thành nhà Hồ, liệu có đúng với tinh thần của vua Hồ?
Sau hàng chục năm nghiên cứu, đến tháng 7/2011, các nhà khảo cổ thuộc viện Khảo cổ học Việt Nam mới phát hiện ra những khối đá vuông vức còn dang dở đã qua gia công ngay tại một hẻm núi hút sâu khu vực núi An Tôn (thôn Phù Lưu, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, cách chân thành nhà Hồ khoảng 2km về phía Đông Bắc), thì một phần kỹ thuật xây cất mới được hé mở.
Giả thuyết đặt ra là có thể lúc đó người ta dùng voi để di chuyển, nhưng không ngoại trừ khả năng dùng thuyền để vận chuyển dọc theo hệ thống sông Bưởi và sông Mã, trong đó có hệ thống hào sâu được đào bao quanh thành. Chỉ 3 tháng xây dựng với một ngôi thành hoàn hảo nhưng đã để lại cho hậu thế không biết bao dấu hỏi bí ẩn chưa thể lý giải. Vì thế, đây được xem là bức thành đá "độc" còn nguyên vẹn đến nay, thuộc "hàng" hiếm của vùng Đông Nam Á.
Nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật cho rằng, để đạt được "đỉnh cao" như thành nhà Hồ thì kỹ thuật kiến trúc thời đó phải rất phát triển. Cho đến nay, người ta vẫn không giải thích nổi vì sao thời nhà Hồ có nhiều tài năng kiến trúc kiệt xuất như vậy. Minh chứng là, sau khi đoàn người bị giặc Minh bắt sang Trung Quốc thì xuất hiện nhân vật Nguyễn An (có tài liệu ghi là bị triệt sản làm thái giám của triều Minh). Khi xây Tử Cấm Thành Bắc Kinh, ông là người đứng vị trí kiến trúc sư trưởng, và là người tham gia trị thủy hệ thống sông Hoàng Hà.
Thành nhà Hồ hay thành Tây Đô?
Để xây được ngôi thành đá hoàn hảo, trong thời gian như thế chắc chắn Hồ Quý Ly đã huy động rất nhiều kiến trúc sư, thợ giỏi của Đại Việt lúc bấy giờ. Đó là chưa kể những công trình bên trong như đàn Nam Giao, Ngự triều, bên ngoài là Ly cung, hệ thống hào sâu nhân tạo bao quanh rất lớn, có đoạn rộng đến 50m.
Trong cuộc trao đổi giữa tôi và anh Đinh Quang Phú (thành viên dự án trùng tu - tôn tạo thành nhà Hồ người đã giới thiệu tôi với cụ Hồ Sỹ Phúc (hậu duệ đời thứ 18 của vua Hồ Quý Ly như đã nói ở kỳ trước). Rất có lý khi anh đặt ra vấn đề, liệu với một tòa thành mang mồ hôi, thậm chí xương máu của nhân dân, mà hậu thế chúng ta tự đặt tên cho một dòng họ, liệu có đúng với tinh thần lịch sử, đúng với dụng ý của vua Hồ Quý Ly xưa?
Theo dòng lịch sử, sau khi ép vua Trần chuyển kinh đô về thành mới, năm 1.400, Hồ Quý Ly phế truất Trần Thiếu Đế (cháu ngoại), rồi lên ngôi vua và đặt tên thành là Tây Đô, coi đây là kinh đô mới của nước Đại Ngu. Trong khi đó, kinh thành xưa nay là Thăng Long, ông cũng đổi tên thành Đông Đô. Tuy nhiên, ông vẫn coi Đông Đô là yếu điểm, cho những tướng giỏi trấn giữ. Khi lấy tên Tây Đô, ngụ ý của vua Hồ Quý Ly là để phân biệt với tên Đông Đô (tức kinh đô Thăng Long thời nhà Trần).
Có thể với ý thức lúc đó, vua Hồ cho rằng, song song với cuộc cải cách đất nước, nên lấy tên Tây Đô để thoát khỏi sự ảnh hưởng của nhà Trần?! Điều đáng nói là sinh thời từ Hồ Quý Ly cho đến Hồ Hán Thương, chưa bao giờ các ông lấy họ hoàng tộc của mình đặt cho tên thành của mình cả.
Trong tập tài liệu nghiên cứu mang tên: "Tên gọi thành nhà Hồ qua các thời kỳ", anh Đinh Quang Phú đã khảo sát rất kỹ và nhận thấy, trong quá khứ chưa bao giờ tên gọi thành nhà Hồ được đặt với tư cách là tên gọi chính thức. Tên gọi thành Tây Đô lần đầu tiên xuất hiện sau khi hoàn thành năm 1398, sau đó là các tên như thành Tây Đô, Tây Kinh, Tây Giai, Tây Việt Kinh... mà thôi.
Anh Phúc dẫn ra một tài liệu vào trước năm 1945, các nhà khảo cổ học Pháp dùng cụm từ "Citadelle des Hồ" đặt cho tên thành đá này. Tuy nhiên, dù gọi là thành nhà Hồ nhưng họ vẫn chú thích là thành Tây Đô (hoặc Tây Nhai). Điều này cho thấy rằng, ngay từ đầu khi nghiên cứu các nhà khoa học ngoại quốc đã có một ý thức tôn trọng các tên gọi từng xuất hiện trong lịch sử.
Với một người sâu sắc và thông tuệ, vua Hồ Quý Ly không phải là con người tầm thường, nên việc đặt tên gọi cho thành là rất quan trọng. Tại sao ông vẫn không lấy tên của chính dòng họ mình? Đây là điều chúng ta cần phải suy nghĩ. Anh Phú phân tích: "Tuy bản chất là một, nhưng tên gọi khác nhau dẫn đến cách hiểu khác nhau. Bức thành được xây dựng từ mồ hôi, xương máu của nhân dân, nên nếu lấy tên thành nhà Hồ, hóa ra ngôi thành chỉ là tài sản của một dòng họ, lớn lắm là của một vương triều thôi sao?".
Lịch sử cũng cho thấy, chưa bao giờ vương triều nào lấy dòng họ mình đặt tên cho kinh thành. Duy chỉ có Thành nhà Mạc (xây 1592) ở Tuyên Quang là lấy tên chính dòng họ mình, nhưng xét cho cùng đó là ngôi thành xây để phục vụ cho cuộc chiến "nồi da xáo thịt" Lê - Mạc Đằng Ngoài mà thôi.
Kỳ Anh