Đó là hiện tượng chứ không phải phổ biến!
Thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra một số vụ tự thiêu trước trụ sở Tòa án, Công an. Ông nghĩ sao về hiện tượng này?
Nguồn thông tin đến tôi là từ báo chí, thông tin đại chúng. Tôi cũng có nghe ở nơi này hay nơi khác có hiện tượng tự tử hoặc tự thiêu, thậm chí chống đối nhau, dùng bạo lực hay do sự phẫn nộ nào đó làm tổn hại đến thân thể của người khác và bản thân. Riêng với vấn đề tự thiêu, đây là hiện tượng có thật, xuất hiện trong xã hội ta nhưng chưa phải là phổ biến. Với tiến bộ của công nghệ thông tin nên mọi người tiếp cận thông tin có vẻ như nhanh nhạy hơn. Thế nhưng, dù vì nguyên do nào dẫn đến hiện tượng trên thì các cấp lãnh đạo, quản lý đều phải quan tâm. Chúng ta không thể thờ ơ trước hiện tượng này.
Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Có ý kiến cho rằng, người dân tự thiêu trước cơ quan công quyền là họ mất dần niềm tin vào công lý và việc thực thi pháp luật của cơ quan công quyền đó, ông đánh giá sao về nhận định này?
Theo tôi, các cơ quan quản lý phải nhìn nhận nghiêm túc về nhận định ấy. Trên góc độ "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", những người có trách nhiệm xét xử và lãnh đạo việc xét xử ấy phải nghiêm túc suy nghĩ về điều đó. Nhưng, để kết luận cụ thể như thế nào thì phải xác định rõ nguyên nhân (thậm chí, có những người có nguyên nhân riêng). Tôi chưa được chứng nghiệm thực tế một người nào đã tự thiêu hoặc tự sát nhưng trong quá trình còn công tác, tiếp xúc với những người đấu tranh chống tiêu cực, có người cũng nói với tôi về suy nghĩ của họ, thậm chí tôi cũng đã trực tiếp phải xử lý các trường hợp quyên sinh vì uất ức với tổ chức, cá nhân người phụ trách. Họ quyên sinh để chứng minh cho sự chân chính của mình. Đó cũng là điều phải suy nghĩ xem xét về trách nhiệm của tổ chức và cá nhân trong việc xử lý, giải quyết các sự việc liên quan đến dân.
Chúng ta phải có góc nhìn thực tế, rõ ràng, đừng vội hàm hồ đưa ra kết luận (bởi thực tế, có nhiều người thất vọng trong tình cảm, kinh doanh... cũng tìm đến cái chết để giải thoát và họ quyên sinh rất đơn giản-PV). Nhưng khi việc xảy ra thì không ai được bàng quan, nhất là cấp lãnh đạo quản lý, các tổ chức đoàn thể và những người lương thiện. Báo chí thấy việc đó quan tâm cũng là một thái độ trách nhiệm xã hội.
Những người "cầm cân, nảy mực" làm sai phạm phải xử lý nghiêm
Phần lớn những vụ việc xảy ra vừa qua (dù đã xác định rõ nguyên nhân hay chưa xác định rõ nguyên nhân) nhưng dư luận vẫn có những sự hồ nghi về việc thực thi pháp luật của cơ quan công quyền, thưa ông?
Quyên sinh là hiện tượng không mong muốn và không thể chấp nhận được trong xã hội. Chúng ta không nên có những kết luận nào trên cơ sở chưa rõ nguyên nhân. Tôi muốn nhấn mạnh, chúng ta không chấp nhận trong một xã hội dân chủ, công bằng văn minh mà xảy ra những chuyện đâm chém nhau và tự sát, tự thiêu. Tuy nhiên, để giải thích nguyên nhân, tìm giải pháp mang lại sự an lành cho muôn dân thì phải có sự nghiên cứu. Vấn đề đặt ra là ai sẽ nghiên cứu? Đó là các cấp lãnh đạo, quản lý, các nhà luật học và các nhà khoa học, tâm lý học, xã hội học... Trên cơ sở nghiên cứu sẽ đề xuất ra các giải pháp.
Tôi xin nhấn mạnh, điều quan trọng là tìm ra nguyên nhân do đâu, nguyên nhân cụ thể từng vụ việc và phải giải quyết cụ thể từng nguyên nhân ấy. Ví dụ, trường hợp một phụ nữ ở Phú Yên tự thiêu vì bất bình với việc thi hành án dân sự chưa đến nơi đến chốn (theo phản ánh của gia đình họ-PV). Vậy chúng ta phải nhìn vào thực tế, cơ quan thi hành luật pháp phải xem lại phán xét của mình có công minh không.
Ở nhiều nước, người làm công tác xét xử đều phải tuyên thệ là trung thành với công lý. Nếu để xảy ra sai trái thì trước hết cơ quan xét xử và cơ quan quản lý của lãnh đạo xét xử ấy phải làm rõ vấn đề này. Các tổ chức đảng, các tổ chức chính quyền, các cơ quan tư pháp từ địa phương đến Trung ương cùng chung sức vào để phân tích, mổ xẻ sự việc xem nguyên do từ đâu? Khi tìm được nguyên nhân mới xác định được trách nhiệm và phải xử lý nghiêm minh những người vô trách nhiệm với nhân dân. Nếu như những người "cầm cân, nảy mực" sai phạm, những người vô trách nhiệm với nhân dân trong xét xử thì phải xử lý nghiêm minh. Nếu như họ không sai phạm, phải giải thích rõ ràng, minh bạch, công khai với dân.
Vậy cơ quan bảo vệ pháp luật chậm hoặc không xử lý dứt điểm vụ việc dẫn đến người dân bức xúc, tự hủy hoại bản thân thì trách nhiệm người đứng đầu như thế nào, thưa ông?
Bất luận khi sự việc nào xảy ra thì những người đứng đầu của cơ quan đó đều phải có trách nhiệm. Trách nhiệm đầu tiên và trách nhiệm trước tiên. Tuỳ theo mức độ sai phạm và sự liên đới trong lãnh đạo quản lý thì mức xử phạt phải đúng người, đúng khuyết điểm. Đây không phải là ý riêng của tôi mà trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước đã xác định vai trò và trách nhiệm người đứng đầu. Và nếu làm được việc đó thật nghiêm từ trên xuống dưới thì cũng là góp phần làm cho xã hội an lành.
Không được đổ lỗi, phải tìm ra nguyên nhân
Vậy theo ông, chúng ta phải làm gì để xoá bỏ hiện tượng người dân tự huỷ hoại mình?
Theo quan điểm của tôi, chúng ta phải nghiên cứu kỹ từng trường hợp một để chỉ ra nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này là như thế nào. Chỉ khi chỉ rõ nguyên nhân, chúng ta mới tìm ra các giải pháp và phán quyết. Một xã hội văn minh thì không thể có những hiện tượng như thế được. Tuy nhiên, trong xã hội công nghiệp hiện nay có rất nhiều vấn đề cần quan tâm. Ngay như ở Nhật Bản, Hàn Quốc là những nước có bước tiến vượt bậc về khoa học, kỹ thuật và nền kinh tế của họ lớn mạnh hơn ta nhưng hiện tượng tự tử cũng không phải là hiếm và đang trở thành một vấn đề xã hội. Thậm chí, ở Hàn Quốc phải có những đội tình nguyện để khuyên ngăn những người có ý định quyên sinh.
Điều quan trọng phải xét xử công minh và đặc biệt lưu tâm đến vấn đề làm công tác tư tưởng, tâm lý cho người dân. Một con người trên đất nước chúng ta, ngoài gia đình còn có các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn hội. Chúng ta có cả hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Các đoàn thể phải quan tâm đến mỗi cá nhân cụ thể. Chúng ta phải bỏ đi bệnh vô cảm, không thể "đèn nhà ai nhà nấy tỏ". Ví dụ, năm 2008, một bé gái bị đôi vợ chồng chủ quán phở ở Thanh Xuân (Hà Nội) đánh đập, nhục hình suốt hơn 10 năm mà không ai biết hoặc biết nhưng vô cảm, vô trách nhiệm. Hay như một cháu bé 7 tuổi ở Cà Mau bị đánh đập tàn nhẫn nhưng mọi người cũng thờ ơ... Điều đó thật đáng buồn!
Nói về các tổ chức hội, như Hội Luật gia của chúng ta với vai trò góp phần giúp mọi người sống theo pháp luật, làm theo pháp luật và thượng tôn pháp luật. Trước những sự việc xảy ra, đã có không ít luật sư vào cuộc giúp người dân nhìn nhận mọi khía cạnh của xã hội dưới góc độ công minh, chính xác, đúng người, đúng tội.
Điều tôi muốn nhấn mạnh đó bản thân người ở trong cuộc, dù bất kỳ trong tình huống nào thì cũng phải quyết sống và phải thổ lộ với những người thân của mình. Phải tận dụng tất cả các mối quan hệ của mình để có được lời khuyên, chứ không việc gì phải phí phạm cuộc sống của mình. Việc quyên sinh là vô trách nhiệm trước tiên với bản thân, gia đình và xã hội, để lại cho xã hội bao sự hoài nghi. Cái quý nhất của con người là sự sống. Chúng ta không được đổ lỗi, phải tìm ra nguyên nhân.
Xin cảm ơn ông!
Hương Lan- Đỗ Thơm