Trên đường trở về nhà, tôi bỗng giật mình bởi tiếng gọi của một cô gái trẻ: “Đi không anh”. Thoáng chút bối rối, tôi lắc đầu từ chối. Hàng lông mày của cô nhíu lại, vẻ mặt buồn rầu. Lúc ấy, vì chưa có khách, tôi mời cô gái đi ăn khuya. Và tại đây, giữa dòng đời xô bồ của Sài thành náo nhiệt, tôi được cô chia sẻ về câu chuyện buồn của đời mình. Cô gái có cuộc đời bất hạnh cho tôi biết tên Lam, năm nay 21 tuổi.
Ảnh minh họa
Gia đình tan nát bởi chữ “đỏ đen”
Lam cho biết, cô sinh ra và lớn lên ở huyện Trảng Bom, (Đồng Nai). Ngày đó, Lam cũng có tuổi thơ tươi đẹp như những người bạn cùng trang lứa. Cô bé ngày nào cũng chơi trò chơi nhảy dây, đá cầu, hay cùng các bạn với “chăm sóc” cho những cánh diều no gió. Lam lớn lên trong sự quan tâm chăm sóc yêu thương của cha mẹ. Từ khi sinh ra cho đến khi tròn 15 tuổi, cô như sống trong một giấc mộng của đêm xuân thật đẹp và ấm áp. Có lẽ, người ta nói cuộc sống không ai biết trước được chữ “ngờ” cũng có lí. Ít ra nó cũng đúng với trường hợp của Lam.
Một tuổi thơ đẹp là thế nhưng khi bước vào tuổi 15, khi mà tâm sinh lí đang có nhiều thay đổi, tinh thần dễ bị tổn thương nhất thì gia đình cô phút chốc tan tành. Sống hạnh phúc trong mái ấm, cô gái nhỏ phải bơ vơ giữa dòng đời đầy giông tố.
Khẽ gạt nhẹ dòng nước mắt, Lam tâm sự: Ngày ấy, cha mẹ em kinh doanh buôn bán nhỏ nhưng cũng đủ tiền trang trải cho cuộc sống. Bỗng nhiên, bố em từ một người hiền lành, bỏ bê công việc vì nghiện cá độ gà. Tất cả thời gian hàng ngày ông đều vùi trong trường gà, hay trắng đêm với những lá bài đầy ma lực. Ông bỏ bê việc làm ăn mang tiền cung phụng cho những con bạc khác. Mặc cho mẹ khuyên can, nhắc nhở hãy nghĩ đến gia đình, vì con cái mà tỉnh ngộ chí thú làm ăn, nhưng cuối cùng những đồ đạc trong nhà cứ thế đội nón ra đi.
Từ lúc đó, không khí gia đình Lam ngày càng căng thẳng hơn vì nợ nần chồng chất. Những vật dụng trong nhà mẹ Lam cũng phải mang đi gán nợ. Đến cuối cùng, căn nhà mà gia đình Lam đang ở, chỗ chui ra chui vào cũng phải thế chấp. Mọi việc diễn ra quá nhanh khiến Lam mẹ không khỏi bất ngờ.
Sau khi bán nhà, gia đình Lam dẫn nhau thuê một căn phòng trọ ọp ẹp để trú thân. “Lúc đó, nhà em nghèo lắm. Nghèo đến nỗi phải chia nhau chén cơm để lót dạ. Cha em nhậu nhẹt ngày đêm, không chịu làm lụng. Hết tiền uống rượu thì ông đập phá nhà cửa đòi vợ con phải kiếm đồ về nhậu”, Lan nói.
Khi cô 15 tuổi, mẹ cô buộc phải gạt lệ, làm đơn ly dị bố. Bà không thể chịu được sự khổ sở và những trận đòn ê ẩm thân xác. Thế là Lam xách quần áo đi theo mẹ kiếm sống. Một thời gian sau, chính mẹ và Lam cũng không biết cha bỏ đi biệt tích ở đâu nữa. Và cả đến giờ, cô cũng có một thông tin nào về người cha cờ bạc, rượu chè. Cảnh bần cùng, chạy ăn từng bữa, nay người này tới đòi tiền, mai người kia tới xiết nợ, chửi bới vẫn ám ảnh trong tâm trí Lam đến hôm nay.
Thời gian đầu ở với mẹ, cuộc sống của cô gái bất hạnh cũng tạm ổn. Vượt qua bao khó khăn, bao giọt mồ hôi của mẹ, Lam vẫn đến trường học tập như những người bạn đồng trang lứa. Một năm sau, mẹ cô quyết định đi thêm bước nữa cùng một người đàn ông khác. Từ lúc đó, cuộc sống của cô trở thành tấn bi kịch không có đường thoát.
“Khi có chồng mới, mẹ em ngày càng ít quan tâm hơn. Cha dượng thường xuyên la mắng em vì những chuyện không đâu. Lúc không có mẹ ở nhà, ông thường tìm cách tiếp cận, sờ mó. Em không dám nói với mẹ vì sợ bà không tin. Rồi em im lặng chịu đựng trong căn nhà ghê tởm ấy”, Lam chia sẻ.
Chán nản vì gia đình tan vỡ, Lam học hành ngày càng sa sút. Cô thường xuyên tụ tập với đám bạn bất hảo ăn chơi quậy phá. Cuối cùng Lam bị đuổi học khi mới lên lớp 9. Sợ mẹ la mắng và sợ ánh mắt như muốn nuốt sống của bố dượng, Lam cùng một người bạn bỏ nhà lên TP.HCM lang thang kiếm sống.
Nhiều cô gái trẻ một phút lầm lỡ trở mà bán đi cuộc sống của mình. Ảnh minh họa
Vết trượt đầu đời
Sài Gòn là mảnh đất phồn hoa, với đủ thành phần dân cư tứ xứ hội tụ mà bất kì ai từ quê ra cũng phải choáng ngợp. Lam cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Là một cô gái có thân hình cân đối, khuôn mặt ưa nhìn với nước da trắng, nụ cười duyên, cô được nhận vào làm phục vụ ở một quán cá phê sang trọng. Sau một tháng làm việc tại đây, Lam đã có tiền để trang trải cho cuộc sống. Những đồng lương và tiền bo của khách khiến cô quên hết đi mình là một người con gái quê nghèo.
Nhờ vẻ đẹp của tuổi mới lớn, Lam nhanh chóng rơi vào tầm ngắm của một vị công tử ăn chơi khét tiếng. Khẽ cười nhạt, Lam kể: “Khi vào quán gã thường gọi em phục vụ cà phê. Trước khi về người này cho em rất nhiều tiền. Đến hết giờ làm, hắn thường dẫn em đi mua sắm, đi chơi trong thành phố và hết mực quan tâm, chăm sóc”. Vì chưa có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, lại nhận được tình thương yêu mà bấy lâu nay không có, Lam nhanh chóng trao thân cho gã khi vừa tròn 17 tuổi.
Nghe lời người yêu, Lam nghỉ làm tại quán cà phê và đến ở tại một căn hộ mà bạn trai thuê. Mọi chi phí sinh hoạt cô không phải lo lắng. Đó là quãng thời gian hạnh phúc nhất, bởi Lam ngỡ rằng mình đã gặp được chàng bạch mã hoàng tử. Lam kể: “Hàng ngày, chúng em ngủ vùi bên nhau. Đến chiều, cả hai cùng đi ăn uống. Lâu lâu gã lại dẫn em đi du lịch, lúc đó em vô cùng hạnh phúc”. Nhưng khi nghe tin bạn gái vui mừng báo tin mình đã có thai, gã đàn ông kia biến mất không một dấu vết. Hắn ra đi để lại cái thai cứ lớn dần lên từng ngày.
Mọi hi vọng trong Lam sụp đổ khi bị người yêu bỏ rơi. Với số tiền ít ỏi còn lại, cô thuê một căn phòng trọ để ở chờ ngày sinh nở. Lam buồn rầu cho biết: “Lúc đó em định phá thai nhưng bác sĩ nói nó đã quá lớn. Em đành chịu. Sống tới đâu hay tới đó vậy. Nhớ về gã, em lại càng hận. Có lẽ bây giờ, em rất hận đàn ông cũng vì hắn”. Nhìn dòng lệ tuôn trên đôi má đã hốc hác vì sương gió, tôi lặng người không biết nên an ủi Lam thế nào.
Ngày ấy, may mắn nhờ sự giúp đỡ của những người hàng xóm tốt bụng, Lam hạ sinh một bé trai kháu khỉnh. Vừa sinh con hai tháng thì tiền trong người cũng cạn. Sau nhiều ngày đắn đo suy nghĩ Lam buộc phải nhắm mắt đi “ăn sương” nuôi con.
Những vất vả, tủi nhục trong “nghề”
Trở thành gái đứng đường, có lẽ chính trong thâm tâm Lam không thể ngờ được. Cô khóc rất nhiều vì giờ đây cuộc đời mình đang đứng ở tận đáy của xã hội. Người ta nhìn cô bằng ánh mắt của kẻ đi làm cái nghề dơ bẩn. Lam không cười cũng không buồn, chỉ nhìn xa xôi nói: “Nghề này thu nhập cũng cao nhưng nhục nhã lắm. Có ai coi mình là người đâu anh. Tiền kiếm được em phải chia lại cho bảo kê, má mì. Số còn lại đủ xài. Giờ em muốn nghỉ nhưng cũng không biết làm gì. Hiện tại em đang thuê một người chăm sóc con nhỏ vào ban đêm, còn ban ngày em ở nhà cùng nó”.
Nhiều đêm trong màn sương lạnh, hút hết điếu thuốc này đến điếu khác mà không có khách, đến sáng Lam lại lững thững ra về. Có lúc gặp khách có vấn đề về tâm lí, khi vào phòng cô bị hành hạ, đánh đập. Lam khóc, cố thoát thân nhưng cũng không được. Những vết thương bầm tím trên người cả tháng vẫn còn nhức nhối. Hay khi đến khách thì mới phát hiện cả tá đàn ông bệnh hoạn đang chờ sẵn. Những lúc như vậy cả tuần không muốn đi làm”, Lam tâm sự.
Chia tay Lam khi trời gần sáng. Chúng tôi không thể tiếp tục câu chuyện vì chuông điện thoại của cô có khách gọi. Về đến nhà nhưng tôi không sao ngủ được. Tôi không thể quên được hình ảnh những bước vội vã của Lam khi chào tôi. Ánh mắt xa xăm, mang nặng sâu thẳm ấy hằn lên nỗi khát khao cháy bỏng về một cuộc sống yên bình.
Thân tàn ma dại phận gái “ăn sương” Vì thức đêm, ban ngày ngủ vùi, Lam gầy gò và ốm yếu hẳn. Bật màn hình điện thoại khoe hình nền của hai mẹ con, tôi thấy trước kia Lam tươi tắn, hiền từ, đầy đặn hơn nhiều. Trong một thời gian ngắn mà bỗng chốc trở nên tàn tạ, héo úa nhất là đôi mắt ngây thơ ngày nào. Cái đôi mắt ấy khiến người tiếp xúc cảm nhận được nỗi buồn sâu thẳm của cuộc đời, xen lẫn nỗi căm phẫn trong con người Lam. |
Trung Nguyên