Trào lưu các video dạy trẻ em tự sát hoặc dọa nạt giết trẻ em được cho là xuất hiện đầu tiên ở Anh vào tháng 8/2018. Trong đó, tiêu biểu là các clip Thử thách Momo (Momo challenge) với hình ảnh phản cảm, hướng dẫn người dùng cách tự làm hại bản thân, hoặc dọa nạt giết trẻ em trong đêm...
Theo báo Tuổi Trẻ, đến nay, nhiều clip chứa "rác" độc kiểu Thử thách Momo đã bị các nhà cung cấp dịch vụ gỡ bỏ sau khi có các báo cáo, phản hồi từ người dùng.
Tại Việt Nam, ngày 1/3, đại diện Google - đơn vị chủ quản mạng xã hội video YouTube - cũng đã báo cáo với Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin - truyền thông rằng các clip chứa nội dung nguy hại cho trẻ em được người dùng báo cáo đều đã bị gỡ bỏ.
Tuy nhiên, với chiêu thức tinh vi là nhúng các clip rất ngắn vào giữa các clip phim hoạt hình nổi tiếng, việc loại bỏ mạnh mẽ các clip này trên mạng xã hội là hầu như bất khả thi trong điều kiện hiện nay.
Ngoài Thử thách Momo, trên mạng xã hội Facebook Việt Nam thời gian gần đây cũng "nóng" với câu chuyện về một cô gái (TP.HCM) được cho là tự tử vì bị búp bê Kuma Thong ám.
Trước đó, trên Facebook ngập tràn các bài viết, video và hội nhóm bàn về trào lưu nuôi búp bê có tên Kuma Thong - một loại bùa chú tâm linh xuất phát từ Thái Lan.
Theo giới thiệu từ nhiều trang trên Facebook, đây là loại búp bê được vẽ bùa phép và được yểm linh hồn với mục đích để những phù trợ cha mẹ - người nuôi - đạt được tất cả mong muốn trong cuộc sống. Kuma Thong thậm chí còn lọt vào tốp 10 từ khóa được người Việt tìm kiếm nhiều nhất trên Google trong tuần từ 15/2 đến 22/2 vừa qua.
Ngoài ra, cuối tháng 2/2019 vừa qua, YouTube cũng cho biết đã gỡ bỏ tất cả quảng cáo trên các thông tin cổ súy chống tiêm văcxin. Trước đó, trong một báo cáo riêng về chống tiêm văcxin, trang tin BuzzFeed News cho biết YouTube đang tiếp tay quảng cáo cho các video này bằng việc cho hiển thị ở cột nội dung đề xuất, thậm chí xuất hiện ngay trên các video thông tin về tiêm chủng.
Thông tin này nổi lên trong bối cảnh dịch sởi đang bùng phát ở khu vực tây bắc Thái Bình Dương...
Thông tin trên Zing.vn cho hay, Thử thách Momo là một “trò chơi tự sát” được phát tán và lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội toàn cầu từ giữa năm 2018, bao gồm WhatsApp và Facebook.
Ngày 29/7/2018, một cô bé 12 tuổi (ở Ingeniero Maschwitz, Argentina) bị nghi tìm đến cái chết sau khi nhắn tin trên ứng dụng Whatsapp với tài khoản có tên Momo. Cô bé được tìm thấy đã qua đời ở tư thế treo cổ trên cây ở sau nhà.
Trong trò chơi, một người phụ nữ đầu người mình gà với mái tóc đen, làn da nhợt nhạt, mắt lồi sẽ hướng dẫn người dùng cách tự làm hại bản thân. Hiện vẫn chưa thể xác định rõ chính xác nguồn gốc của “trò chơi tự sát” Momo và ai là người đứng sau trò chơi được lan truyền này.
Điều tồi tệ hơn, giờ đây Momo lại một lần nữa "sống dậy" trở lại, nhưng không chỉ xuất hiện trên WhatsApp hay Facebook như trước đây mà Momo còn len lỏi vào những đoạn video trên Youtube và được “ngụy trang” một cách rất tinh vi dưới dạng những video dành cho trẻ em. Điều này khiến cho Momo có thể tiếp cận được với trẻ em mà phụ huynh không hề hay biết.
Trước sự lo lắng của các bậc phụ huynh và toàn thể xã hội, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ TT&TT) đã yêu cầu Google gỡ bỏ và tăng cường bộ lọc, kiểm duyệt các clip có nội dung độc hại để không còn tiếp tục xuất hiện trên Youtube.
Bên cạnh đó, yêu cầu phía Google có bộ lọc, chặn những nội dung hướng dẫn tự sát này xuất hiện trên YouTube thay vì chờ gỡ.
Báo VietnamNet thông tin thêm, trong trường hợp phát hiện ra những đoạn clip có nội dung bạo lực, hướng dẫn tự sát, người dân có thể phản ánh đến Cục thông qua đường dây nóng: 0899.888.222 và 0896.888.222; hoặc ứng dụng Zalo/Viber/Whatsapp: 0899.888.222 và 0896.888.222; thư điện tử: online.abei@mic.gov.vn và hotline.abei@mic.gov.vn.
Ngoài ra, người dân cũng nên cung cấp thêm tên và số điện thoại khi gửi tin nhắn để Cục tiện liên hệ lại khi cần. Các thông tin cá nhân sẽ được bảo mật.
H.Y (tổng hợp)