Vị bác sĩ mà chúng tôi muốn nhắc đến là bác sĩ Nguyễn Duy Quảng trú tại tổ dân phố số 11, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội. Ông nguyên là Trưởng khoa cấp cứu Ngoại của bệnh viện Việt – Tiệp (Hải Phòng) và cũng từng là PGĐ Bệnh viện Nhi Hải Phòng.
Kể từ ngày chứng kiến một sự kiện đặc biệt trong đời, ông đã quyết định chuyên tâm hoàn toàn với Nhi khoa. Và cho đến tận bây giờ, ông vẫn là địa chỉ tin cậy để người dân khắp nơi tìm đến nhờ tư vấn sức khỏe…
Hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến, căn nhà nhỏ của ông bà lại tấp nập khách khứa đến chúc Tết. Có những người ông không kịp “nhớ mặt, đặt tên” nhưng họ vẫn đến để nói lời cảm ơn với người đã “tái sinh” họ thêm 1 lần…
Bác sĩ Nguyễn Duy Quảng là người gốc Hà Nội. Năm 1956, ông thi đỗ trường Đại học Y Hà Nội. Sau 5 năm ra trường, ông về Hải Phòng công tác khám chữa bệnh, cứu chữa bộ đội ngay trong lòng thành phố.
“Ra trường, tôi vào Bệnh viện Việt-Tiệp làm việc. Ban đầu, tôi chuyên khoa nội nhưng sau thiếu bác sĩ ngoại khoa nên tôi được cử sang Tiệp Khắc học thêm chuyên môn phẫu thuật ngoại khoa nhi.
Những năm 1965, nhất là khi Mỹ ném bom ồ ạt xuống Hải Phòng, Quảng Ninh, tôi được phân công công tác sơ cứu ban đầu. Nhìn cảnh người bị thương trong đó có cả bộ đội nằm la liệt mà chúng tôi ai cũng chỉ mong có thêm tay, thêm chân để cứu chữa”, bác sĩ Quảng kể.
Nhắc đến những kỷ niệm thời chiến, bác sĩ Quảng bồi hồi nhớ lại: “Tôi nhớ đó là vào khoảng đầu năm 1965, khi Mỹ ném bom ác liệt Hải Phòng, tôi được phân công mổ cho một cậu bé đến từ Thủy Nguyên.
Do điều kiện xét nghiệm lúc đó còn hạn chế nên chỉ chẩn đoán em có một khối u lớn ở bụng, chèn vào một số cơ quan. Hôm đó phải mổ dưới hầm, nước ngập đến quá đầu gối nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm hoàn thành ca mổ.
Trước khi mổ, cậu bé nắm lấy tay tôi nói “em có được đi học nữa không ?”. Tôi xoa đầu cậu bé an ủi, động viên. Thế nhưng, khi mổ ra mới biết em bị u ác tính, di căn ra các bộ phận khác rồi. Lúc này là vô phương cứu chữa...
Ca mổ kết thúc, vài ngày sau thì em qua đời. Tôi đã khóc và từ đấy. Tôi chọn khoa Nhi để tiếp tục hành nghề vì tôi mong muốn không đứa trẻ nào như cậu bé ấy phải đau khổ nữa...”.
Ngồi bên cạnh chồng, bà Trần Thị Loan tủm tỉm cười khi nghe chồng nhắc lại những ngày công tác dưới Hải Phòng.
Bà Loan kể: “Ngày ấy, tôi làm kế toán trong bệnh viện Sản Hải Phòng. Tôi và ông ấy quen rồi lấy nhau, sau đó ông ấy mới vào đại học. Ngày chồng đi học thêm chuyên môn bên Tiệp về, các con mỏi mong được nhận quà của bố nhưng khi ông Quảng về chỉ kịp mua cho mấy mẹ con chiếc áo mỏng còn lại trong vali không có gì khác ngoài sách.
Ông Quảng không quan tâm tới điều gì khác ngoài nâng cao chuyên môn. Biết ông là bác sĩ có tài, có tâm nên ông được cất nhắc từ bác sĩ điều trị lên Trưởng khoa rồi lên Phó Giám đốc bênh viện, Bí thư Đảng”.
Suốt từ ngày ra trường tới khi công tác ở bệnh viện Việt – Tiệp rồi về nghỉ hưu, ông đều khám chữa bệnh miễn phí khi có bệnh nhân đến nhà tìm gặp. Năm 2003, vợ chồng ông quyết định về lại quê gốc Hà Nội để sửa chữa ngôi nhà đổ vỡ, dột nát của ông bà, tổ tiên để lại để ở, thờ cúng. Đó là ngôi nhà trong làng Đại Từ này.
Tủ thuốc miễn phí mua từ tiền lương hưu
“Ban đầu tôi cũng có ý định nghỉ ngơi nhưng mọi người đến nhờ đông quá, tôi lại chỉ có cái ống nghe nên tôi lại về lấy thêm máy đo nhịp tim, huyết áp. Nhiều ông bố bà mẹ thấy con cái có những biểu hiện ốm đau cũng đem tới nhờ tôi xem.
Với những bệnh thông thường, biểu hiện nhẹ trong khả năng, điều kiện có thể chữa được thì tôi khám chữa, cho đơn thuốc. Còn nặng thì tôi khuyên gia đình chuyển lên bệnh viện để có điều kiện máy móc chữa trị.
Cũng thời gian đó, trong đầu tôi lại nảy ra ý nghĩ làm tủ thuốc trữ sẵn những thuốc trị bệnh phổ thông mà các cháu thường gặp như viêm phổi, ho, dị ứng, thủy đậu, phát ban, cảm, ốm. Nghĩ là làm.
Khi tôi nói với bà nhà tôi thì bà ấy cũng đồng ý liền. Bà ấy bảo hai vợ chồng ăn uống giản dị, tiền lương hưu cũng thoải mái ăn ở tuổi già nên số tiền còn dư sẽ dành hết để mua thuốc. Vì vậy, tủ thuốc nhà tôi không bao giờ vơi”, bác sĩ Quảng kể về ý định đóng tủ thuốc miễn phí cho người bệnh, chủ yếu là trẻ nhỏ.
Để có thêm những bài thuốc dân gian mà hiệu quả trong vườn, bác sĩ Quảng trồng thêm bạc hà, húng chanh. Bác sĩ Quảng cho biết, trẻ bị ho, có thể cho lá bạc hà hoặc húng chanh vào bát, cho thêm đường phèn hoặc mật ong vào hấp lấy nước uống. Thứ nước này rất lành, bổ nên có thể uống vài lần/ngày, liều lượng tùy trẻ nhỏ hay lớn.
Tiếng lành đồn xa, không chỉ người dân xung quanh khu phố Đại Từ mà cả những khu vực lân cận, thậm chí người dân ở quận Hà Đông nghe nói bác sĩ Quảng mát tay cũng đưa con, em tới nhờ điều trị.
Nguyên Mạnh