Rụt rè
Khi còn là sinh viên năm thứ 3 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi may mắn có cơ hội được cộng tác với báo Đời sống & Pháp luật, ban đầu là những bài viết nhẹ nhàng về đời sống, tâm sự… Vì là sinh viên nên ngày ấy tôi rất rụt rè, ít nói mỗi lần được giao đi phỏng vấn nhân vật là lại run bần bật vì chưa có nhiều kinh nghiệm, lo lắng sợ mình không thể hoàn thành nhiệm vụ Ban biên tập giao.
Thời điểm năm 2014, nhiều người quen biết đều nghĩ rằng tôi không thể theo nghề báo vì cái tính ít nói, rụt rè, và họ càng không thể ngờ rằng tôi lại có thể gắn bó với nghề báo “lâu” (so với các bạn học cùng khoá) đến như vậy.
Sau khi tốt nghiệp đại học, báo Đời sống & Pháp luật cũng chính là nơi tôi lựa chọn gắn bó, bởi lẽ suốt thời gian sinh viên tuy mới chỉ là cộng tác viên nhưng mọi người ở đây đều rất gần gũi và thân thiện với tôi.
Trở thành một nhân sự chính thức của tòa soạn, điều đó đồng nghĩa với việc bản thân tôi luôn tự nhủ mình phải cố gắng, trau dồi thêm nhiều hơn nữa. Với tôi những chuyến công tác tại các tỉnh là những chuyến chuyến đi với nhiều trải nghiệm giúp tôi dần bỏ được tính rụt rè, nhút nhát của một cô nữ sinh vùng cao đem theo bao ước mơ, hoài bão xuống Thủ đô học tập, sinh sống và mong muốn có một công việc theo đúng đam mê của mình.
Biết ơn ngôi nhà ĐS&PL
Cứ thế, những đề tài phát hiện, những đề tài được ban biên tập giao đã giúp tôi cùng các đồng nghiệp xích lại gần nhau hơn và ngày càng thấu hiểu công việc của một người làm báo. Từ một người chuyên viết đời sống, tôi dần được thử sức mình ở vị trí phóng viên nghị trường khi được đưa tin kỳ họp Quốc hội khoá XIV, theo dõi đưa tin Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên diễn ra tại Hà Nội, theo dõi đưa tin các hoạt động Hội Luật gia Việt Nam, được theo dõi lĩnh vực chuyên sâu về y tế…
Đặc biệt, Đời sống & Pháp luật đã cho tôi có được sự trưởng thành. Trưởng thành trong cách ăn nói, trưởng thành trong suy nghĩ, trong các mối quan hệ xã hội và trưởng thành cả trong cách tiếp cận đề tài, cách tác nghiệp. Những tuyến bài dài kỳ có sức lan tỏa rộng rãi như: Ai chống lưng cho cò máu lộng hành tại bệnh viện Việt Đức…, Phát hiện công ty đa cấp ma, Chuyện tình xuyên thế kỷ, Bán trứng xuyên biên giới… là những cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của tôi về việc thực hiện những bài viết mang tính chất điều tra chuyên sâu.
Nhiều năm liền vinh dự nhận giấy khen, bằng khen của Ban biên tập, cơ quan chủ quản… trong đó tôi và nhà báo Mai Hằng đạt giải C giải Báo chí toàn quốc "Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí" lần thứ hai năm 2018 - 2019 với loạt tác phẩm Nhức nhối nạn “cò máu” ở Bệnh viện Việt Đức “hút” tiền bệnh nhân đã đánh dấu bước phát triển sự nghiệp của mình. Tôi cảm thấy vui vì tác phẩm của mình ít nhiều đã được công chúng, độc giả cả nước đón nhận và được ban tổ chức giải đánh giá về chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời nhận thấy mình còn cần phải cố gắng, phấn đấu nhiều hơn để mang đến cho độc giả những tác phẩm hay, ý nghĩa và chất lượng hơn nữa.
Năm 2020, tôi cũng vinh dự được cùng 187 người làm báo trên khắp cả nước tham dự Hội nghị “Gặp mặt, tuyên dương Người làm báo tiêu biểu”, nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020) do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với bộ Thông tin và Truyền thông, hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, được mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, hoà cùng các đại biểu là lãnh đạo báo, phóng viên, biên tập viên của nhiều báo đài trên khắp cả nước trong sự kiện càng khiến tôi thêm biết ơn vì ban biên tập đã tin tưởng, tạo điều kiện để bản thân được tham gia, giao lưu với nhiều thế hệ những người làm báo tiêu biểu, học hỏi, trau dồi thêm kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, sự tự tin của tôi cũng được rèn luyện thông qua sự tín nhiệm của ban biên tập, đồng nghiệp với các hoạt động tập thể văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do cơ quan và Hội Luật gia phát động… Đây vừa là cơ hội cũng là thách thức để bản thân ngày càng cố gắng phấn đấu, hoàn thiện mình hơn.
7 năm, quãng thời gian không quá dài, nhưng cũng không quá ngắn đủ để tôi chứng kiến khá nhiều sự đổi thay của tòa soạn cả về chất và lượng. Ngoài ra, còn rất nhiều điều, nhiều kỷ niệm tác nghiệp khó quên mà tôi muốn kể nhưng không biết phải kể câu chuyện nào trước, câu chuyện nào sau, chỉ biết rằng: Đời sống & Pháp luật là một phần thanh xuân của tôi, là ngôi nhà thứ hai của tôi… Vì nơi đó cho tôi một công việc mà tôi yêu thích, nơi đó có các đồng nghiệp thân yêu và nơi đó có độc giả trung thành vẫn hàng ngày dõi theo sự phát triển tiến bộ của cá nhân tôi cũng như sự chuyển mình của tờ báo.
Trong thời gian tới, tại ngôi nhà Đời sống & Pháp luật tôi mong mình có thể đến được với nhiều miền đất mới mà mình chưa từng đặt chân đến, vừa trải nghiệm và vừa để có cái nhìn đa chiều hơn, có những bài viết sâu sắc hơn lay động bạn đọc. Tôi hy vọng tạp chí Đời sống & Pháp luật mãi luôn là một địa chỉ tin cậy của độc giả cả nước với những bài viết đúng với slogan “Hấp dẫn như đời sống - Đồng hành cùng pháp luật”.
Hoàng Bích