Con đường nghiện ngập
Ông Đào Minh Tiến sinh ra trong một gia đình nghèo ở Thái Bình. Khi có chính sách đưa người miền xuôi lên miền ngược khai hoang, phát triển kinh tế mới, cả gia đình ông đã định cư tại thôn Thanh Cường, xã Bảo Cường, huyện Định Hóa, Thái Nguyên.
Năm 1974 đi bộ đội, ông vào Trung đoàn 144 (thuộc bộ Tổng tham mưu). Ông là những người trong đội ngũ coi lăng Bác đầu tiên. Năm 1980, ông xuất ngũ với cấp bậc lúc đó là trung sĩ. Khi trở về quê hương, nhìn thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn vất vả mà ông không biết làm gì để giúp đỡ vợ con. Thấy nhiều người đổi đời nhờ đi đào đãi vàng, năm 1988, ông cùng một nhóm người trong thôn đi làm bãi quặng thiếc Sơn Dương, Tuyên Quang. Đến năm 1989, ông chuyển sang bãi vàng Khau Âu ở Thái Nguyên. Thời gian đó, ông làm trưởng bưởng, trong tay có hàng chục anh em.
Thời gian khai thác vàng ở Khau Âu cũng là lúc mà ông dấn thân vào con đường nghiện ngập. Khi nhớ lại quãng thời gian đó, ông vẫn chưa hết hãi hùng: "Đời phu vàng thì thật là kinh khủng. Sống ở chốn rừng thiêng nước độc, cánh phu vàng buồn, chán nên sinh ra nhiều tật. Vào những ngày nghỉ, họ thường tổ chức đánh bạc. Đặc biệt, nhiều người đã không thể tránh được sự cám dỗ của ma túy. Số vàng của phu vàng đào được họ cũng đốt hết vào bài bạc và thuốc phiện". Năm 1989, ông Tiến về quê khi những bãi vàng đã khai thác gần hết. Số tiền mà ông kiếm được cũng dần dần bốc hơi theo những cơn phê thuốc.
Cũng giống như những phu vàng khác, ông Tiến trở về nhà khi đã bị con ma thuốc phiện ám. Gia đình tan nát cùng những cơn vật thuốc. Năm 1999, con gái đỗ cao đẳng mầm non dưới Hà Nội nhưng lại không có tiền cho con ăn học. Túng làm liều, ông bắt xe khách lên Tuyên Quang nhận vận chuyển tám cân thuốc phiện để có tiền hút thuốc và chu cấp cho con ăn học. Chuyến đi chưa trót lọt thì ông hay tin vợ ông tự tử. Bà trèo lên nóc nhà rồi nhảy xuống đất tìm cái chết. "Khi nhận được hung tin, tôi vội vã trở về. Vợ tôi đã may mắn được hàng xóm đưa đi cấp cứu. Tôi thấy mình là một kẻ tội lỗi đã làm cho gia đình tan nát. Tôi thề sẽ bỏ thuốc".
Ông Đào Minh Tiến đang chơi đùa cùng các cháu
Thuốc phiện một bên và dây xích một bên
Cứu vãn hạnh phúc gia đình, ông Tiến đã kiên quyết từ bỏ thuốc phiện. Để thể hiện rõ quyết tâm của mình, ông liên hệ và cam kết với công an huyện, đồng thời kết hợp với các bác sĩ để theo dõi.
Căn phòng nhỏ khép kín là nơi ông đã chống chọi con nghiện và đấu tranh tư tưởng suốt mấy năm trời. Để chứng tỏ quyết tâm với mọi người, ông đã bảo mọi người đặt bàn thuốc phiện một bên và sợi dây xích một bên. Ông Tiến tâm sự: "Việc cai nghiện như vậy thật sự là nỗi khiếp đảm đối với tôi. Khi cảm thấy có dấu hiệu lên cơn nghiện, tôi phải nhanh chóng đưa ra quyết định. Nếu muốn sống thì tiến về phía sợi dây xích rồi tự xích mình lại, sau đó vứt chìa khóa ra ngoài cửa sổ. Nhưng nói thì dễ, làm được còn khó hơn lên trời. Trong tâm khảm, tôi luôn bị ám ảnh bởi thuốc phiện. Khi lên cơn, con người ta khó mà làm chủ được mình. Vì vậy, chỉ cần có dấu hiệu thèm thuốc, tôi phải nhanh chóng lao về phía sợi dây xích rồi trói mình lại. Trong cơn vật lộn với những cơn nghiện, tôi đã ngất lên ngất xuống. Cơn nghiện hành hạ tôi đau đớn đến tận xương tủy. Toàn thân tôi co giật quằn quại, sức người chỉ chống lại yếu ớt bằng những cái cắn răng chịu đựng...”.
Từ tháng thứ tư trở đi, những cơn vật thuốc cũng thuyên giảm giần. Mặc dù đã ít vật thuốc nhưng lúc đó, cơ thể ông còm nhom, chỉ còn da bọc xương. Nhiều người cho rằng, ông sẽ không thể sống được. Nhưng cuối cùng ông đã cầm cự được sự sống. Dần dần ông ăn uống được nhiều hơn, sức khỏe cũng dần bình phục. Mặc dù những cơn vật thuốc ít hành hạ hơn nhưng ông vẫn không dám ra khỏi nhàâ. Ông không tiếp xúc với bất cứ người nào bị nghiện trong xóm. Khoảng một năm, ông chỉ quanh quẩn trong căn phòng nhỏ bé. Tiếp theo phải đấu tranh tư tưởng để quên đi chất thuốc. Phải mất hai năm thì ông mới cai nghiện thành công.
Kéo gần 30 người nghiện ra khỏi "cái chết trắng"
Khi tự mình cai nghiện thành công, ông Tiến đã nghĩ đến việc sẽ giúp các anh em khác thoát khỏi cơn nghiện. Ông cho biết: "Những anh em đó cũng là do tôi lôi kéo họ vào vòng nghiện ngập. Tôi làm trưởng bưởng, có nhiều vàng, còn họ chỉ là phu vàng thì sao có tiền đốt thuốc. Khi hết tiền, họ chỉ biết đi ăn cắp, ăn trộm, thậm chí trấn lột để có tiền hút thôi".
Ông Tiến mua một chiếc máy bơm nước, mua máy xay xát để anh em có thể làm thuê kiếm tiền. Nhưng khi đã bị "con ma nghiện" xui khiến thì họ không thể nào làm theo lý trí của mình nữa. Khi lên cơn nghiện, họ đã trộm máy mang đi bán để có tiền hút. "Trong khi đó, tôi luôn bị bố mẹ, anh chị em những người bị nghiện chửi rủa vì lôi kéo họ đi làm vàng và dẫn họ vào vòng nghiện ngập", ông Tiến chia sẻ. Chính vì vậy, ông càng kiên quyết lôi kéo họ ra khỏi con đường tội lỗi.
Sau khi thuyết phục được người thân và bản thân người bị nghiện bằng cách lý giải cho họ biết về tác hại của ma túy và những hậu quả sẽ xảy ra đối với họ, cũng như việc ông từ bỏ được ma túy như thế nào. "Hầu hết anh em cũng còn tôn trọng ông anh trưởng bưởng này nên họ cũng nhận thức được điều đó. Tuy nhiên, khi lên cơn thì họ khó có thể vượt qua những cơn vật thuốc. Lúc đó, tôi phải dùng đến biện pháp mạnh. Tôi vẫn áp dụng biện pháp cai nghiện của tôi đối với từng người". Trong thời gian cai nghiện cho anh em trong thôn, ông quán triệt rằng, cấm tất cả những đối tượng nghiện ngập lảng vảng đến khu vực này.
Bằng nhiều biện pháp, ông Tiến đã vận động được tất cả những người nghiện trong làng thoát ra vòng xoáy đam mê của "nàng tiên nâu". Quá trình đó kéo dài hàng chục năm ròng rã, mỗi năm ông Tiến cai nghiện cho một đến hai đối tượng, số lượng đèn bàn đã giảm và dần dần xóa sổ hoàn toàn.
Nhờ những biện pháp đó mà ông Tiến đã dần dần lôi kéo anh em thoát ra khỏi con đường tội lỗi. Đến năm 2006, ông đã xóa sổ 28 bàn thuốc phiện tại thôn. Cũng nhờ những công việc đó mà người dân đã tín nhiệm, bầu ông làm trưởng thôn. Ông Tiến còn được kết nạp vào hàng ngũ của đảng. |
Thế Tào - Phạm Thiệu