Trong những ngày qua, làng bóng đá trong nước đang xôn xao bàn tán về cuốn tự truyện "Phút 89" của cựu cầu thủ mang áo số 9 Lê Công Vinh. Những tiết lộ mang tính chất "thâm cung bí sử" vốn chẳng có gì lạ cho thể loại này có khả năng gây sóng gió khi các nhân vật được nêu tên trực diện.
Điều khiến dư luận quan tâm nhất lại là sự trần trụi về làng bóng đá qua góc nhìn của Công Vinh. Những người ủng hộ thì tỏ ra ngao ngán về thực trạng bóng đá Việt khi được lộ diện sau tấm màn che hào nhoáng. Nhưng đại bộ phận thì có phản ứng khá gay gắt, cho rằng Công Vinh đang "chơi không đẹp" khi "nói xấu" nhiều đồng nghiệp có tên tuổi trong nghề.
Tự truyện, về bản chất, chỉ nên dừng lại ở góc độ cá nhân Công Vinh, nên tập trung vào cuộc đời, sự nghiệp của anh chứ không phải phô bày về lối sống đời tư của người khác.
Chẳng cần biết ai đúng ai sai, cũng chẳng cần biết nó vĩ đại như thế nào khi “vạch trần” được nhiều góc khuất trong môn thể thao vua, nhưng Công Vinh à, anh cũng nên tự nhìn lại bản thân. Bởi khi mà sống trong một tập thể nhưng không ai muốn gần, không ai muốn chơi hoặc khi lên tiếng thì vấp phải vô vàn sự phản đối thì hãy tự ngẫm lại xem lý do vì đâu?
Có thể những điều Công Vinh chia sẻ ít nhiều là sự thật nhưng cái sự thật ấy liệu có nên phơi bày ra không? Đáng ra, anh không nên chia sẻ những điều thuộc về riêng tư của người khác khi họ chưa đồng ý và càng không nên tự cho mình cái quyền phán xét người khác dù đúng sai vẫn đang cần thời gian để minh chứng. Dù vô tình hay cố ý thì điều đó đang đụng chạm đến rất nhiều người. Danh dự, hình ảnh của hai bên đều bị đảo lộn, tình cảm sứt mẻ…
Đem hình ảnh của người khác ra “dìm” để tôn lên cái “tôi”, liệu đó có phải lựa chọn thông minh? Và có quân tử hay không? Ném bùn vào người khác cũng không thể nào làm cho mình trong sạch, thơm tho hơn được. Rồi tới đây, còn ai dám đứng về phía anh, khi chẳng ái dám chắc rằng một ngày đẹp trời nào đó, tên tuổi của họ được xướng lên trên mặt sách? Vậy cái giá phải trả đó liệu có xứng đáng với tâm tư nguyện vọng và mục đích của anh ban đầu khi anh đặt bút viết?
Không ai có thể phủ nhận những cố gắng đóng góp của anh, cuốn tự truyện cũng có thể chắp cánh ước mơ cho nhiều cậu bé nghèo có niềm đam mê với trái bóng tròn. Nhưng điều đó chỉ là một phần rất nhỏ trong cuốn tự truyện, vậy những cậu bé tương lai sẽ ôm mộng chinh phục sân cỏ ra sao khi biết được rằng thật ra trong nội bộ làng bóng đã đầy góc khuất như thế. Có công bằng khi nghĩ anh đang truyền cảm hứng đến với các em hay chăng anh đang làm điều ngược lại?
Bóng đá nói riêng và thể thao nói chung xưa nay mang ý nghĩa về câu chuyện truyền cảm hứng cho con người, nó thể hiện và phát huy sức mạnh thể chất, tinh thần và đồng đội. Một hành động cào tuyết trên sân cỏ, khoác lên người đồng đội những tấm áo ấm giữa tuyết trời Thường Châu trắng xóa, cái ôm siết chặt của vị HLV tới học trò thay lời cảm ơn hay lá cờ Tổ quốc hòa trong những giọt nước mắt được gửi lại nơi xứ người... Đó đích thực là bóng đá, là những hình ảnh truyền cảm hứng mà không cần ngôn ngữ hay một lời giải thích thêm, cũng chẳng cần những tự truyện đầy tiêu cực.
Mượn lời của một đồng đội gửi đến anh thay cho lời kết: “Công Vinh phải có trách nhiệm với những điều mình nói trong sách. Với góc nhìn một chiều, chúng ta cứ tạm tin về những điều anh ấy chia sẻ. Tuy nhiên, việc đánh giá về những đồng đội với một góc nhìn tiêu cực và nói tích cực cho bản thân mình, xem ra không sòng phẳng. Một, hai lần có thể là ngẫu nhiên nhưng một cầu thủ mà đi tới đâu, đồng đội ghét nhiều hơn yêu chắc chắn rằng anh phải có vấn đề. Nói rằng Công Vinh nỗ lực, chuyên nghiệp, vậy các cầu thủ khác không nỗ lực, không đổ máu sao?".
Thục Nguyên
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!