Tự truyện Phút 89 của Lê Công Vinh: Cá nhân xuất hiện trong tự truyện có quyền khởi kiện

Tự truyện Phút 89 của Lê Công Vinh: Cá nhân xuất hiện trong tự truyện có quyền khởi kiện

Mai Thị Thu Hằng

Mai Thị Thu Hằng

Thứ 4, 30/05/2018 08:06

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: "Những cá nhân xuất hiện trong tự truyện Phút 89 của Công Vinh có quyền khởi kiện nếu nhận thấy nội dung, thông tin mà Công Vinh đưa ra trong cuốn tự truyện gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của họ được pháp luật bảo vệ".

Cuốn tự truyện “Phút 89” của cựu cầu thủ Lê Công Vinh vừa ra mắt bạn đọc đã gây xôn xao và nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Trong tự truyện, Lê Công Vinh đã “bật mí” nhiều chi tiết khó xác định về nghề và những người liên quan.

Những cá nhân có tên trong tự truyện đã bày tỏ sự thất vọng, giận dữ với những gì Công Vinh đã phơi bày. Trước câu hỏi liệu Công Vinh có bị những cá nhân trong cuốn tự truyện kiện? PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp).

Luật sư Đặng Văn Cường cho hay: “Tự truyện không quá xa lạ với các độc giả đặc biệt là tự truyện của người nổi tiếng. Các ngôi sao bóng đá viết tự truyện cũng không phải là chuyện mới. Có thể kể đến các cầu thủ cũng từng viết tự truyện như David Beckham, Roy Keane, Didier Drogba, Luis Suarez, Rio Ferdinand, Kevin De Bruyne,...”.

Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, việc Công Vinh viết tự truyện cũng là nằm trong dòng chảy xu hướng của lĩnh vực bóng đá trên thế giới. Có thể nói, hầu như các bản tự truyện của các cầu thủ trên thế giới cũng đều có những chi tiết “đắt giá” “độc” hoặc thậm chí là gây sốc về chuyện “thâm cung bí sử” liên quan đến quá trình thi đấu của cầu thủ đó.

Tự truyện Phút 89 của Lê Công Vinh: Cá nhân xuất hiện trong tự truyện có quyền khởi kiện

Tự truyện Phút 89 của Lê Công Vinh đang gây xôn xao dư luận. 

“Về quyền khởi kiện thì những cá nhân có tên trong cuốn tự truyện của Công Vinh có quyền khởi kiện nếu nhận thấy nội dung, thông tin mà Công Vinh đưa ra trong cuốn tự truyện gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của họ được pháp luật bảo vệ.

Nếu thông tin gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân thì phải được gỡ bỏ, cải chính. Và cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại nếu có căn cứ.

Theo đó, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được quy định tại Điều 592, Bộ luật dân sự 2015 bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút và Thiệt hại khác do luật quy định.

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”, luật sư Đặng Văn Cường phân tích.

Điều 34, Bộ luật dân sự 2015 quy định về Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín như sau:

1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.

5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.