Hai lần phạm trọng tội
Buổi sáng mùa thu se lạnh, đủ để cảm nhận đông sắp về chứ chẳng thể khiến con người ta run rẩy, vậy mà người đàn ông đối diện với chúng tôi cứ run run. Bởi lẽ, những tử tù như Khanh vẫn thường ám ảnh, hoảng sợ đến tột cùng tiếng lạch cạch mở cửa buồng giam lúc trời tảng sáng. Thường thì thời khắc ấy có thể là giờ thi hành án của một tử tù nào đó. Khanh ngầm đoán chắc đó vẫn chưa phải là giờ tử của y nhưng chẳng hiểu sao y vẫn run lắm. Khanh lý giải, có lẽ do sống trong tâm trạng chờ đợi thấp thỏm giờ tử nên bất cứ động tĩnh, diễn biến gì cũng khiến những tử tù như y rơi vào trạng thái hồi hộp, run sợ.
Những lá thư cảm động của con gái Khanh
Biết nhóm phóng viên khai thác thông tin, ban đầu Khanh tỏ ra dè dặt, giải thích: "Tôi thì thế nào cũng được, chỉ sợ các con tôi đọc được sẽ tổn thương". Rồi Khanh hờn dỗi bảo: "Nói thật là có người viết ác quá, họ bảo tôi vào miền Nam thay đổi hình dạng..., tôi có thế đâu". Nhưng Khanh chẳng thể lý giải được sự thay đổi về hình thức bên ngoài của y, khiến cả những người vốn đã quen biết cũng khó nhận ra. Rồi sau vài lời trách cứ ấy, Khanh dịu giọng, thừa nhận những sai lầm, những tội ác y đã gây ra bằng một thái độ ăn năn, day dứt. Trong câu chuyện với chúng tôi, Khanh bảo y đã mất khôn nên mới gây ra tội, có tội với nạn nhân và có tội với chính vợ con mình.
Về những phút giây mất khôn ấy, Khanh có đến hai lần trong đời. Ấy là vào đầu năm 1989, do đường điện dẫn vào khu dân cư nơi gia đình Khanh ở thường hay bị chập chờn. Cứ thi thoảng, nhà này sửa chữa có điện thì nhà kia lại tối om. Một lần, thấy người thanh niên hàng xóm ra cột điện định sửa chữa, bố Khanh liền chạy ra nhắc nhở cẩn thận, ai ngờ gặp phải gã thanh niên hỗn láo, anh ta chửi bới và đánh lại ông lão. Thấy bố bị hành hung, Khanh khi ấy mới 19 tuổi, sức vóc khỏe mạnh liền chạy ra can ngăn. Hai bên to tiếng rồi ẩu đả.
Trong cơn tức giận, Khanh nhớ tới "bảo bối" đang giữ trong nhà nên lao về vác lựu đạn ra, rút kíp ném thẳng cánh về phía gia đình hàng xóm. May mắn là mọi người chỉ bị thương chứ không có ai thiệt mạng. Cuối năm 1989, Vũ Bá Khanh bị TAND thành phố Hải Phòng xử phạt 12 năm tù về tội giết người. Sau hơn chục năm chấp hành án, tháng 6/2001 cánh cửa nhà tù chính thức khép lại sau lưng Khanh, mở ra trước mắt là tương lai và những cơ hội để Khanh có thể làm lại cuộc đời.
Ra tù, Khanh xin làm bảo vệ cho một công ty gần nhà rồi lấy vợ. Người vợ đã sinh cho y một đứa con gái xinh xắn, hai vợ chồng đặt cho con một cái tên thật dễ thương. Những tưởng hạnh phúc đã thực sự mỉm cười với người đàn ông từng vào tù ra tội, nào ngờ, niềm vui ngắn chẳng tày gang, một lần nữa Khanh lại phạm tiếp sai lầm và lần này, số phận không còn mỉm cười với Khanh như lần phạm tội trước. Đó là chiều 1/12/2002, Khanh mang cầm cố chiếc xe đạp lấy tiền tiêu tạm. Thấy mấy cô gái ngồi trong quán liền buông lời trêu ghẹo.
Chẳng ngờ, gặp đối tượng chanh chua nên đôi bên lời qua tiếng lại mỗi lúc một gay gắt. Đỉnh điểm, một cô gái gọi bạn trai đến quán để "xử" Khanh cho hả giận. Thấy bạn trai của cô gái xuất hiện, Khanh bỏ đi hẹn sẽ quay lại nói chuyện. Ít phút sau, Khanh quay lại không để nói chuyện thông thường, mà giấu sau lưng một con dao quắm. Nạn nhân đã chết ngay tại chỗ bởi những nhát chém hiểm độc từ Khanh.
Sau khi gây án, Khanh bỏ trốn khỏi khỏi địa phương, lẩn trốn nhiều nơi, làm thuê đủ nghề để kiếm sống. Những tháng ngày lẩn trốn, nỗi nhớ vợ và đứa con gái nhỏ cồn cào khiến Khanh quyết định tìm về. Thằng cu thứ hai là kết quả của những lần Khanh lén lút gặp vợ. Và rồi nỗi khát khao được sống đường hoàng cùng vợ con, thêm nữa vụ án năm nào sau nhiều năm dường như đã tạm lắng xuống, Khanh quyết định vào miền Nam chỉnh sửa lại những đặc điểm nhận dạng trên khuôn mặt rồi ung dung về sống với vợ con. Dường như quyết định ấy của Khanh đã có hiệu quả ít nhiều bởi một số người họ hàng của y cũng chẳng thể nhận ra. Thế nhưng "vải thưa khó che nổi mắt Thánh". Khanh sống như thế được vài năm thì bị bắt. Đó là buổi sáng 19/2/2009, khi đang trên đường đưa đứa con gái đi học, Khanh bất ngờ đến lạnh người khi phải tra tay vào còng số tám của lực lượng công an.
Tử tù Vũ Bá Khanh đọc thư của con gái
Day dứt tình con và sự hối hận muộn màng
So với những bạn tù khác, Khanh dẫu ngồi tù vẫn được mang theo một "gia tài lớn". Báu vật ấy là những lá thư của cô con gái 9 tuổi, chất chứa tình cảm nhớ nhung, yêu thương cha. Tay run run, Khanh đưa chúng tôi xem xấp thư đã nhàu nhàu, chứng tỏ thư đã được lật giở nhiều lần. Nét chữ trẻ thơ tròn trịa, giọng văn ngây ngô như chính tính cách của đứa trẻ. Có lá thư, cô bé nói muốn hát tặng ba bài "Đi học về" và hồn nhiên viết đầy đủ nội dung bài hát vào trang giấy, có lá thư bé vẽ cảnh cả nhà bốn người hạnh phúc nắm tay nhau đi chơi Tết, lại có lá thư cô bé kể tội "Em C. hay bắt nạt con". Tôi buột miệng đọc thành lời lá thư của con gái Khanh, có chữ do viết vội nên khó đọc, Khanh liền dịch luôn, rồi vanh vách đọc cho chúng tôi nghe nội dung còn lại mà chẳng cần nhìn vào trang giấy. Khanh bảo, y cũng chẳng nhớ đã bao nhiêu lần đọc những lá thư này, chỉ biết từng nét chữ đã hằn sâu trong tâm trí, để rồi Khanh lại rưng rưng nhớ con trong dằn vặt, đau đớn.
Cũng giống như bao người cha mẹ khác, Khanh khoe về hai đứa con thực sự đặc biệt, khác hẳn với những đứa trẻ khác cùng trang lứa. "Tình cảm của chúng rất ngây thơ, trong sáng, chính điều đó làm cho tôi cảm thấy thực sự hối tiếc cuộc đời mình" - Khanh lạc giọng khi nói về con. Ngày Khanh bị bắt vì tội giết người, vợ Khanh đã nói dối các con rằng, cha chúng đi làm xa, chưa thể về thăm nhà. Nhưng, đến khi Khanh phải lĩnh án tử hình thì vợ Khanh quyết định không giấu các con nữa.
Biết Khanh thương con và thời gian sống còn lại của chồng đang đếm từng ngày, vợ Khanh đã đưa các con vào trại thăm nuôi mỗi khi đến kỳ. Các con của Khanh, chúng chỉ mơ hồ biết rằng, vì ba có lỗi nên sống ở nơi có các bác công an canh giữ, chứ không hề biết rằng, ba của chúng đang mang án tử hình. "Tôi rất hối hận, thương vợ, thương con lắm. Sống trong môi trường này, nghĩ đến cuộc đời mà thấy tiếc quá! Tiếc cho bản thân và cho cả vợ con tôi. Đáng lẽ, tôi sống ở ngoài xã hội sẽ bù đắp được cho vợ con... Đến bây giờ thì mất hết hy vọng rồi. Tôi buồn và tiếc lắm" - hướng ánh mắt buồn ra phía cánh cổng nhà giam xa xa, Khanh tâm sự.
Hơn ai hết, Khanh đã thấm thía cái giá phải trả cho tội ác của mình. Lời hiếu thuận của cô con gái qua những cánh thư vô tình làm Khanh đau đớn bội phần. Trong lá thư gửi ba, cô con gái đã cầu chúc: "Con chúc ba sống lâu trăm tuổi!" và cả ước ao: "Con mong ba sớm trở về", tất cả càng khiến Khanh thêm dằn vặt về tội lỗi. Khanh nói: "Tôi day dứt lắm! Như một cơn ác mộng, luyến tiếc vô cùng. Bây giờ mang án tử hình rồi, tôi vẫn cứ ước ao một ngày nào đó được sống, nhìn thấy vợ con, được bảo ban con cái sống hiền lành, tốt đẹp ở đời. Tôi thương vợ nhiều lắm, chỉ mong cô ấy sau này bảo ban các con nên người, không để chúng mắc sai sót gì về pháp luật, thế là tôi mãn nguyện rồi". Giọng Khanh nghẹn lại, cố ghìm nén xúc động chực trào…
Những ngày tháng cận kề cái chết, Khanh mới thực sự biết giá trị đích thực của cuộc sống, khi ấy, đã chẳng còn cơ hội để làm lại. Lá thư xin ân xá là cứu cánh cuối cùng của cuộc đời Khanh và Khanh vẫn khắc khoải, hy vọng. Khanh bảo, nếu thực sự không còn cơ hội nữa, trước lúc ra đi, Khanh sẽ xin cán bộ quản giáo hãy đốt những lá thư của đứa con thơ dại để gửi cho Khanh. Khanh tin rằng, có những lá thư ấy, ở thế giới bên kia, linh hồn sẽ luôn ấm áp bởi tình yêu thương của vợ con và chắc chắn sẽ không còn lầm đường lạc lối. |
Mai Linh