Câu chuyện tử tù muốn hiến tạng vẫn đang khiến dư luận quan tâm những ngày gần đây. Xung quanh vấn đề này, GS.TS Trần Ngọc Sinh – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký hội Ghép tạng Việt Nam cho hay, đảm bảo tạng của tử tù còn sử dụng được và ghép cho người sống đòi hỏi tử tù còn sống. Tuy nhiên, điều này phạm vào tội giết người để lấy bộ phận cơ thể người, rất nghiêm trọng, chưa kể nhiều hệ lụy khác.
Nguyên tắc muốn lấy tạng một người ghép cho người còn sống thì cơ quan đó phải còn nguyên vẹn và đảm bảo các yếu tố như tim ngừng đập hoàn toàn, phải thực hiện lấy tạng trong vòng 45 phút tại cơ sở y tế chuyên môn (thận lấy trong vòng 15 phút, gan 30 phút, tim dưới 30 phút).
Việc tiêm thuốc độc khi thi hành án tử hình với các tử tù sẽ làm cho tim ngừng đập, các cơ quan nội tạng bị nhiễm độc thì tạng không thể dùng được nữa. Nếu có nguồn tạng từ tử tù tức là họ đã bị lấy tạng lúc còn sống. Điều này là cấm kỵ và vi phạm pháp luật, nhân quyền. Về phương diện khoa học, dù giờ xử án có biết trước cũng rất khó thực hiện.
GS.TS Phạm Gia Khải – nguyên Viện trưởng viện Tim mạch Việt Nam cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này. Theo GS. Khải, ông rất hoan nghênh, trân trọng tinh thần và thiện chí của tử tù có mong muốn hiến tạng cho y học.
Tuy nhiên, theo GS.Khải, đối với tử tù đã bị tiêm thuốc độc thì tạng cũng bị nhiễm độc, không thể sử dụng được.
Trước đó như thông tin đã đưa, ngày 9/7, Tòa án Nhân dân (TAND) TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Tình (18 tuổi, quê tỉnh An Giang) mức án tử hình về tội Giết người, 8 năm tù về tội Cướp tài sản, tổng hợp hình phạt chung là tử hình.
Trước đó, khi được nói lời sau cùng, Tình bình tĩnh nói lời xin lỗi không thể trả hiếu cho cha mẹ "chỉ vì hành động nhỏ thiếu suy nghĩ con phải trả giá bằng mạng sống của mình" và xin được hiến tạng cho y học.
Nguyễn Huệ