Có một câu chuyện vui từ thời Liên Xô mà nhiều người còn nhắc, chuyện kể rằng: Có một người khi đi xem triển lãm, đến trước bức tranh nào ông cũng ngả mũ chào. Trả lời thắc mắc của mọi người, ông nói: “Tôi có thói quen chào hỏi mỗi khi gặp người quen”.
Câu chuyện là một lời nhắc nhở về thói sao chép, ăn cắp ý tưởng khi sáng tạo nghệ thuật.
Trên thực tế, câu chuyện trên là một tổng kết có thực từ thực tiễn – kể cả thực tiễn của thời nay, khi mà chuyện trơ tráo sao chép các tác phẩm nghệ thuật rất phổ biến. Nhiều người sẵn sang sao chép ý đồ, bố cục, thậm chí sao chép gần như nguyên xi bản gốc rồi thản nhiên ký tên. Những chuyện ấy phổ biến tới mức, có hẳn một diễn đàn mang tên “Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa” trên mạng xã hội – Nơi để những tác giả lên tiếng về chuyện đứa con tinh thần của mình bị trộm cắp, đạo nhái.
Vì sao người ta biết là sai, sai về cả đạo đức nghề nghiệp lẫn về pháp luật, nhưng vẫn sẵn sàng tự biến mình thành kẻ trộm cắp? Có lẽ là bởi hấp lực từ hào quang nghệ thuật quá lớn.
Andy Warhol nói: “Con người ta có thể nổi tiếng thế giới chỉ trong 15 phút”. Quá đúng. Nhất là trong lúc này. Rất nhiều người nổi tiếng chỉ sau một trend, một đêm, thậm chí sau một hastag xu hướng trên Tiktok.
Dù câu nói của A.W còn vài nghi án thì chuyện đó cũng không quan trọng. Cái chính là sau 15 phút đó là gì, ra sao thì A.W không nói.
Đi đường dài trên đường nghệ thuật thật sự khó. Nó bắt buộc phải có một thứ là Tư tưởng làm nền móng. Mà để có tư tưởng thì cần sự bồi đắp về tri thức và văn hoá. Nếu không thể kế thừa thế hệ trước thì cố gắng bồi đắp càng sớm càng tốt, mỗi ngày - đến khi người sáng tạo lìa đời.
Nếu Tư tưởng là “cái xe” thì “xăng” để chạy “cái xe” ấy là Sáng tạo. Người nghệ sĩ phải làm ra thứ của riêng mình, không giống ai, thậm chí không giống chính mình của giây phút trước. Xấu đẹp là nhận định của thiên hạ, của thời gian, nhưng cái gì là chất riêng thì đời sống biết ngay. Thời gian đủ sức mạnh để bào mòn mọi thiên kiến.
Sáng tạo thật sự khó. Sáng tạo vốn đã không dành cho số đông, nó còn bị kìm hãm bởi hai điều: Một là tuổi sinh học – Con người càng già đi thì sự sáng tạo càng ít đi. Điều thứ hai là cái lấp lánh của hào quang nghệ thuật. Thành tựu trong nghệ thuật giống như tiếng hát của Siren vậy, nó lôi kéo và làm con người ta đắm chìm.
Một người sáng tạo muốn đi được con đường dài thì phải nhận thức được rằng: Ngay khi mình thành công thì đó đã là quá khứ. Có vậy mới thanh thản để bắt tay vào tìm kiếm cái mới. Chìm đắm trong hào quang cũ chỉ làm cùn mòn sáng tạo.
Hấp lực của việc phải duy trì hào quang ấy rất đáng sợ. Không phải ai cũng đủ dũng khí để đối diện với việc chối bỏ hào quang. Nhiều khi nó khiến con người ta bất chấp mọi thứ để duy trì. Đến lúc này thì mọi thứ đã khác, sản phẩm làm ra không còn là câu chuyện của sáng tạo nữa.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.