Bệnh nhân là ông C.T.V (42 tuổi), ở tỉnh Sóc Trăng có tiền sử bị suy thận giai đoạn 4, tăng huyết áp, hiện đang thăm khám và uống thuốc định kỳ. Trước nhập viện 1 tuần, ông V. được người quen giới thiệu bài thuốc dân gian với công dụng trị được bệnh suy thận. Thành phần chủ yếu gồm cỏ mực và nhiều lá thuốc không rõ loại. Sau khi uống xong, người bệnh có biểu hiện mệt, chóng mặt, ăn khó tiêu, người sưng phù. Sau đó gia đình đưa ông V. đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long điều trị trong tình trạng chuyển biến nặng vào ngày 30/8.
Qua thăm khám và thực hiện cận lâm sàng: Kết quả các chỉ số xét nghiệm Hb 6.6 g/dL (chỉ số bình thường 14.5g/dL); Creatinin máu 9.4mg/dL (chỉ số bình thường 0.7-1.2mg/dL); Ure máu 188mg/dL (chỉ số bình thường 10.2- 49.8 mg/dL). Bệnh nhân được chẩn đoán đợt cấp suy thận mạn, thiếu máu mạn mức độ nặng, tăng huyết áp. Ngay lập tức, các bác sĩ đã xử trí cấp cứu, truyền máu, dùng các loại thuốc hỗ trợ và bảo vệ thận để cứu sống người bệnh trong tình trạng nguy kịch.
Sau 2 ngày điều trị, tình trạng người bệnh tốt, chỉ số sinh hiệu ổn định. Hiện đã được xuất viện và tiếp tục theo dõi, điều trị ngoại trú.
Bác sĩ khuyến cáo, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ, không nên tự ý sử dụng các phương pháp dân gian để điều trị, đặc biệt với những trường hợp có bệnh lý nền.
Trước đây, đã có nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy gan, suy thận, nhiều bệnh nhân ung thư mất cơ hội điều trị vì bỏ đơn thuốc của bác sĩ để dùng thuốc nam do tự ý uống thuốc nam chữa bệnh. Việc chữa bệnh kiểu truyền miệng như này thực sự rất nguy hiểm.
Cũng theo các bác sĩ, trong nhiều loại bệnh, việc điều trị thuốc đông - tây y kết hợp sẽ mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, người bệnh phải dùng thuốc nam là những bài thuốc y học cổ truyền được công nhận, được cấp phép, không nên tự ý dùng thuốc nam trôi nổi trên thị trường, đặc biệt là tự chữa bệnh bằng những bài thuốc truyền miệng.
Trúc Chi (t/h theo VOV, VTV News)