> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!
Mua sách mới với mình là điều xa xỉ. Cùng lắm là rình rập vào dịp cuối năm hay hội sách, nhà sách hạ giá từ 30% - 70% những cuốn tồn kho mới hí hửng mua được vài cuốn sách chưa qua tay ai. Nhưng sách, với riêng mình, trước giờ vẫn để ý chủ yếu đến chữ. Giờ có điều kiện, nhiều người chăm chút đến bìa sách, đến minh hoạ, đến cách trình bày, dàn trang, font chữ, co chữ… Mình không phủ nhận những lớp vỏ phấn son này làm cho mỗi cuốn sách trở nên đẹp, bắt mắt, gây chú ý và hứng thú muốn đọc hơn. Nhưng trong điều kiện cho phép hạn hẹp, sách mà đọc được đã là tốt quá rồi. Vậy nên sách cũ là giải pháp hữu hiệu nhất với những người ít tiền.
Nhà sách Cảo Thơm ở đường Lý Thường Kiệt và đường Lê Duẩn, ngoài bán sách mới còn có mua và bán sách cũ. Mỗi tội sách cũ ở đây cũng… đắt. Là người kinh doanh sách nên chủ nhà sách sành sỏi trong thẩm định nội dung và chất lượng, độ quý, hiếm của mỗi đầu sách cũ để định giá bán. Nhiều đầu sách cũ ở đây bán đắt hơn sách mới là chuyện thường. May thay còn một chỗ nữa giá sách cũ mềm không thể mềm hơn, là các sạp sách báo cũ vỉa hè. Đây chính là nơi lý tưởng nhất với túi tiền đa số sinh viên.
Huế hồi mình học có hai nơi bán sách báo cũ như vậy, là vỉa hè đường Nguyễn Trường Tộ, phía giao với đường Phan Đình Phùng, gần cầu Kho Rèn lên dốc nhà thờ Phú Cam; và vỉa hè đường Nguyễn Thái Học, bên hông sân vận động Tự Do. Chủ sạp là những người mua bán ve chai, sách báo cũ theo ký, chiều chiều khoảng 3 giờ là trở về hai địa điểm trên, phân loại sách báo cũ ra để bán lại. Sách mua theo ký nên bán lại khá rẻ. Mỗi cuốn dao động từ 1 ngàn đồng đến 3 ngàn đồng, tuỳ vào sách dày hay mỏng, cũ hay mới, mà không cần biết sách hay hay dở. Hai năm đầu mình ở trọ trên đường Phan Bội Châu thì hay ghé sạp ở đường Nguyễn Trường Tộ, hai năm sau trọ ở đường Nguyễn Công Trứ và Dương Văn An thì hay ghé sạp bên đường Nguyễn Thái Học.
Ảnh minh họa
Sách cũ ở vỉa hè đủ mọi thể loại, thượng vàng hạ cám, từ kinh tế, văn hoá, triết học, thiên văn, địa chất, kỹ thuật đến những cuốn sách chuyên ngành của sinh viên, tài liệu hướng dẫn các biện pháp tránh thai, nghệ thuật hòa hợp ái ân, cẩm nang chăm sóc lợn nái, kỹ thuật trông các loại cây nông nghiệp và công nghiệp, hay sách dạy tìm hiểu tâm lý bạn trai bạn gái… vân vân và vân vân. Nhiều khi gặp được những cuốn sách triết học và các tác phẩm văn học giá trị in trước 1975 ở miền Nam mà bây giờ không thể tim thấy trong các nhà sách mới, hay những ấn phẩm in ở hải ngoại mà hệ thống phát hành trong nước không thấy. Mình nhớ có lần gặp lô hàng các chị mua được sách cũ từ thư viện trường Hai Bà Trưng, trước đây là trường nữ sinh Đồng Khánh, thanh lý ra.
Cả buổi chiều lăn lộn trong đống sách lớn như những đống rạ, mình mua được tổng cộng gần 3 bao tải lớn sách cũ có dấu của thư viện trường. Toàn những tác phẩm văn học kinh điển của Xô Viết cũ, của Pháp, Mỹ, Anh, Ba Lan. Và các tác phẩm một thời vang bóng của Việt Nam. In từ những thập niên 80 của thế kỷ trước. Lúc ấy nghĩ không biết có đọc hết không, nhưng thấy rẻ, tiếc quá nên cứ mua, 1 – 2 ngàn một cuốn thì quá bằng được cho. Nhiều cuốn có cả đất bám mà cạo chưa sạch, hậu quả của trận đại hồng thuỷ ở Huế năm 1999.
Điều mình bắt gặp thường xuyên, nhiều người cũng từng nói rồi, là ở nơi bìa lót những cuốn sách cũ có chữ ký và những lời đề tặng, lời chúc, dòng nhắn gửi của người tặng đến người được tặng nhân dịp như sinh nhật, mừng thành tích mới hay một lý do bất kỳ nào đó. Nhiều cuốn sách là tác giả sách ký tặng. Nhiều tác giả có tên tuổi, có chỗ đứng trong làng văn làng báo hay giới khoa học. Có khi cả người tặng và người được tặng đều nổi tiếng. Bán đồng nát những cuốn sách được tặng là không phải với người tặng sách, không phải với kỷ niệm, cứ thấy bùi ngùi xa xót sao đấy. Nếu người tặng sách mà gặp lại cuốn sách mình tặng bạn, đồng nghiệp ở vỉa hè sách cũ thì như thế nào? Mình đồng cảm với suy nghĩ ấy. Nhưng trong lòng khi vào các sạp sách cũ mình lại thấy hứng thú và tò mò với những cuốn sách như vậy. Nhiều khi mua một cuốn sách cũ không phải vì nội dung của cuốn sách mà vì chữ ký và những dòng nhắn gửi, lời chúc của tác giả nổi tiếng này cho một người cũng có tiếng khác.
Mình vẫn nghĩ trong những cuốn sách có chữ ký, lời đề tặng ở ngoài vỉa hè sách cũ, không phải cuốn sách nào cũng do người được tặng đem bán đồng nát. Có khi người vợ dọn đồ đạc lúc chồng vắng nhà, lẫn lộn kiểu gì đem bán hay cho đi những cuốn sách lẫn trong mớ tạp chí, báo cũ. Có khi giữ sách cả đời, chết đi, con cái dọn dẹp bớt tủ sách đành loại ra một số cuốn cho đỡ chật nhà? Có khi sách cho mượn, người mượn quên hoặc cố tình quên không trả rồi quanh quẩn lại bán ve chai lúc nào không biết. Có khi gặp chuyện chẳng đặng đừng không thể không loại bớt sách ra khỏi nhà. Có trăm ngàn con đường để những cuốn sách ấy vào tay những anh / chị thu mua ve chai, sách báo cũ. Như một nhà văn tên tuổi mình may mắn quen. Năm ấy ông xây lại nhà. Gia tài ông chỉ sách là sách. Sách ông mua cũng nhiều. Sách được tặng cũng lắm. Trong thời gian làm nhà ông phải đi ở trọ. Nan giải nhất là sách. Trong tầng tầng lớp lớp sách ấy ông chỉ có thể chọn lại những cuốn quan trọng và cần thiết nhất để giữ lại, vì nó quá nhiều, nhà trọ thì bé. Ông nói mình và vài người nữa lên xem cuốn nào đọc được thì cầm về đọc.
Chính ông chọn ra những cuốn mà ông cho là hợp với tạng mình, rồi những cuốn khác hợp với tạng người khác. Trong đó có rất nhiều cuốn ông được tặng với những lời đề tặng của bạn bè hay người viết trẻ vô cùng biết ơn và trân quý ông. Mình biết chắc ông cũng trân quý họ, vì nhiều cuốn ông là người viết lời giới thiệu cho họ, là bà đỡ đầu cho tác phẩm của họ. Nhưng ông vẫn phải cho đi. Vì sách quá nhiều. Vì ông không thể giữ mãi. Và vì nữa, sách thì được nhiều người đọc càng tốt, nên nhận rộng số người đọc, chứ khư khư giữ một mình cũng là điều… ích kỷ. Ông nói thế.
Ông còn dặn cẩn thận, về nhà nên xé tờ bìa lót có lời đề tặng đi. Vì nhiều quá, ông cũng không có thời gian để ngồi làm như vậy với từng cuốn trước khi tặng lại mình và những người bạn. Mình cũng dạ dạ vâng vâng, nhưng về nhà thì vẫn thích giữ nguyên vậy, phần vì xé đi cuốn sách sẽ chẳng còn nguyên vẹn, phần vì nhiều lúc đọc những lời đề tặng lại thấy hay hay, thích thú. Được giữ kỷ niệm hay kỉ vật chung với một ai đó cũng cảm thấy thú vị.
Đọc những cuốn sách cũ có xuất xứ từ thư viện, đôi khi gặp những chuyện bực mình. Tiểu thuyết đang đến đoạn cao trào, gây cấn thì bị mất một trang, ở lề trang kế bên lại gặp dòng chữ “Ta đã đọc xong trang trước. ha ha. Trâu chậm uống nước đục nhé”. Mọc đâu ra tên xỏ và láu cá thế không biết? Có khi lại gặp những chuyện vui vui khi thấy ngoài lề dồn dập một cái tên nữ nhi ướt át nào đó, không biết có phải anh chàng mượn sách mơ mộng hay nhớ cô nàng nào mà cào cấu tên cô nàng vào sách trong lúc mơ màng? Đặc biệt hơn, gặp cả lá thư anh nhớ em em nhớ anh ố vàng kẹp quên trong cuốn sách. Thật là cả trăm tình huống mà ngồi nghĩ chẳng thể tưởng tượng hết được, khi đọc những cuốn sách cũ.
Từ khi đi làm đến giờ, mình cũng đã vài lần chuyển nhà, khoảng cách giữa nơi đi và nơi đến lại không gần, mình đành chấp nhận để nhiều cuốn sách của mình thất lạc. Một cách bất khả kháng. Nhưng trong thâm tâm mình luôn biết ơn về những vỉa hè sách cũ ở Huế ngày nào. Chính nhờ nó mình mới có được nguồn tác phẩm văn học dồi dào đầu tiên trong đời, và khơi dậy niềm đam mê văn chương của mình. Giờ đây thì trong kệ sách nhà mình thường xuyên cập nhật những cuốn sách mới thơm mùi giấy và mùi mực in, giá cao, trang trọng, bắt mắt. Nhưng với mình, sách cũ cũng có mùi thật đặc biệt mà sách mới không bao giờ có được. Cái mùi hoai hoai của giấy lâu năm, mùi của thời gian, và nghĩ không biết bao người đã cầm đã đọc cuốn sách cũ này rồi, họ ra sao, đọc xong họ nghĩ gì cũng thấy mình dù lẩn thẩn nhưng hay hay. Vậy nên, có dịp đi tới đâu, mình luôn tò mò muốn hỏi thăm và kiếm xem nơi ấy có hiệu sách cũ nào không để vào, may ra kiếm được cuốn sách hay nào đó, không thì cũng như thấy ngày xưa trở về trên vùng đất lạ.
Đôi khi nghĩ vẩn vơ, mình lại tự hỏi, không biết giờ những anh những chị bán sách bên vỉa hè đường Nguyễn Trường Tộ và Nguyễn Thái Học hồi đó như thế nào rồi? Có còn hành nghề nữa không? Họ có được bán tự do không, hay vừa bán vừa thấp thõm lo chạy bộ phận trật tự đô thị? Và bao lớp sinh viên sau mình, không biết có nhiều người thích săn sách cũ như mình và nhiều thế hệ trước đây?
Theo Văn nghệ trẻ