Điển hình của thói… quan liêu ?!
Mới đây, Tổng cục trưởng tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đã ban hành Quyết định số 473/QĐ-TCDL về việc Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn tại các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch.
Nội dung văn bản có ghi: Cán bộ, hướng dẫn viên, nhân viên, không chia sẻ, đưa tin, đăng bài trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông về tình hình dịch bệnh tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Quyết định 473 còn quy định du khách cũng không được chia sẻ, đưa tin, đăng bài trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông về tình hình dịch tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Quy định này đã nhận được sự phản ứng trái chiều của dư luận, vì nó không đúng với tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ, công khai thông tin về dịch Covid-19.
Hai ngày sau đó, là ngày 1/5, đơn vị này đã có Quyết định sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại “Hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn tại các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch”. Theo quyết định mới của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, quy định khách du lịch “không chia sẻ, đưa tin, đăng bài trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông về tình hình dịch tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch” bị huỷ bỏ. Điểm k, khoản 1, Điều 4, từ “cán bộ, hướng dẫn viên, nhân viên không chia sẻ, đưa tin, đăng bài trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông về tình hình dịch tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch” được sửa đổi thành “Cán bộ, hướng dẫn viên, nhân viên không đưa thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng về tình hình dịch Covid-19 tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch”...
Nói về lý do phải chỉnh sửa văn bản này, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho hay, bản hướng dẫn trước đó “có chút sơ suất” do phải xây dựng trong tình trạng gấp gáp, lý do này đã vấp phải ý kiến phản ứng dữ dội.
Chia sẻ với PV ĐS&PL, nhà văn Chu Thơm cho hay, cơ quan về văn hóa, du lịch mà ban hành văn bản một cách hồ đồ như vậy thì buồn cười lắm. Rõ ràng đây là điển hình của thói quan liêu, “nhắm mắt” ký bừa mà không thẩm định đúng sai trước khi ký tên, đóng dấu.
Không xử lý nghiêm sẽ còn tái diễn
Liên quan đến vấn đề này, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, luật An ninh mạng, luật An toàn thông tin và luật Báo chí đã quy định rõ về quyền, trách nhiệm của công dân. Nếu ai đưa thông tin sai, không đúng sự thật thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm. Nhưng, ở đây, Tổng cục Du lịch không hiểu lý do gì mà ban hành một văn bản quy định hết sức ngớ ngẩn. Điều này cũng thể hiện rõ trình độ pháp lý, cơ quan ban hành văn bản rất yếu kém và cẩu thả.
“Trong quy định của pháp luật hiện hành đã có những quy định về trường hợp ban hành văn bản sai, gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý. Sự việc Tổng cục Du lịch ban hành văn bản rồi lại thu hồi tuy chưa gây ra hậu quả và tới mức quá nghiêm trọng nhưng đây là bài học sâu sắc. Nhưng, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì phải xem xét xử lý về mặt hành chính, cũng có khi phải xem xét xử lý về mặt hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Và trách nhiệm cao nhất ở đây thuộc về thủ trưởng cơ quan ban hành văn bản, quy định”, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh cho hay.
Cũng theo ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, từ đây, chúng ta có thể nhìn thấy trình độ non yếu của một số cán bộ khi ban hành những văn bản pháp quy.
Theo luật sư La Văn Thái (đoàn Luật sư Hà Nội), việc này đương nhiên xét trách nhiệm của người ban hành văn bản, những người liên quan như soạn thảo văn bản, kiểm tra, thẩm định, phê duyệt là rất lớn. Cần xem xét kỷ luật họ, trách nhiệm của họ đến đâu? Vì việc ban hành văn bản như vậy đã ảnh hưởng đến đời sống xã hội của người dân, gây hoang mang cho dư luận, gây lãng phí nguồn lực, tác động lớn đến đời sống người dân. Nếu như chúng ta không xử lý nghiêm thì sẽ có nhiều văn bản được ban hành bừa bãi khiến cho người dân mất niềm tin về năng lực lãnh đạo của một số cán bộ, mất niềm tin của nhân dân vào pháp luật.
“Tôi cho rằng, cần phải xem xét đến trách nhiệm của những người liên quan, nếu trình độ non kém không xứng đáng ở vị trí đó. Sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm sẽ phải xử lý nghiêm”, luật sư La Văn Thái nhấn mạnh.
“Luật” của Tổng cục Du lịch trái với quyền tự do thông tin
Chuyên gia văn hoá Đoàn Xuân Hương cho hay: “Việc đưa thông tin sai sự thật và việc che giấu thông tin đều có tác hại với xã hội. Pháp luật nghiêm cấm việc che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm. “Luật” của tổng cục Du lịch trái với quyền tự do thông tin mà Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật khác cũng quy định quyền tự do ngôn luận của công dân, quyền tự do tiếp cận thông tin”.
Hai vấn đề “lộ diện” sau sai sót
Luật sư La Văn Thái đánh giá: “Chúng ta nên nhìn nhận thẳng về vấn đề ban hành văn bản, không chỉ tổng cục Du lịch mà hiện tượng ban hành văn bản trái quy định pháp luật diễn ra ở nhiều bộ ngành và địa phương. Nó phản ánh rõ hai vấn đề, một là cơ quan ban hành văn bản hạn chế về năng lực, nhận thức. Thứ 2 những người ban hành văn bản quá cẩu thả, tùy tiện, không thẩm tra, thẩm định cho rõ trước khi ban hành”.
Lạc Thành - Mai Thu