“Tú voọc” và mối lương duyên với loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng

“Tú voọc” và mối lương duyên với loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng

Ngô Thị Huyền

Ngô Thị Huyền

Thứ 3, 11/09/2018 14:05

Người lính biên phòng đã dành 5 năm qua để ngày ngày một mình leo núi băng rừng tìm hiểu về loài vọoc gáy trắng quý hiếm. Ông tình nguyện dành cả quãng đời còn lại bảo vệ loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng này.

Cận cảnh đàn Voọc gáy trắng trên đỉnh núi Thiết Sơn

Clip: Cận cảnh đàn voọc gáy trắng trên núi đá vôi. 

Những lèn đá vôi trùng điệp chạy dài từ xã Thạch Hóa đến xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, không biết từ bao giờ đã trở thành nơi cư trú và sinh trưởng của loài voọc gáy trắng (còn gọi là voọc Hà Tĩnh) quý hiếm.

Ông Nguyễn Thanh Tú (56 tuổi), trú tại xã Thạch Hóa, là người có công lớn trong việc phát hiện, bảo vệ và duy trì đàn voọc gáy trắng cho đến bây giờ. Có lẽ vì vậy, suốt 5 năm qua, người dân ở đây vẫn gọi ông với cái tên thân thương: “Tú voọc”.

Môi trường - “Tú voọc” và mối lương duyên với loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng
Ông Tú (ngoài cùng, bên phải ảnh).

Ông Tú kể về mối lương duyên giữa mình với đàn voọc: “Vào năm 2012, sau một lần lên núi, ngả người trên một tảng đá nghỉ ngơi, tôi bất chợt nhìn thấy một đàn linh trưởng đang chuyền mình giữa các cành cây. Sau một hồi quan sát, với kinh nghiệm của một người lính biên phòng, tôi nhận ra đây chính là đàn voọc gáy trắng quý hiếm, hay còn gọi là voọc Hà Tĩnh đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Chính vì vậy, tôi muốn bảo vệ loài linh trưởng này, ngăn chặn những ai muốn săn bắn chúng “.

Môi trường - “Tú voọc” và mối lương duyên với loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng (Hình 2).
Voọc gáy trắng đang chuyền mình trên các cành cây.

Từ ngày phát hiện đàn voọc gáy trắng, ông Tú một mình đi đến các rừng núi đá vôi nhiều hơn để tìm hiểu về loài động vật này. Sau đó, ông Tú mới biết vùng đá vôi này trước kia có rất nhiều voọc sinh sống, nhưng do người dân săn bắn nhiều nên loài vật này đã giảm hẳn về số lượng và gần đây, chúng mới xuất hiện trở lại.

Nhiều đêm thao thức, ông Tú đã quyết định dành cả quãng thời gian còn lại, để tự nguyện bảo vệ đàn voọc này.

Môi trường - “Tú voọc” và mối lương duyên với loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng (Hình 3).
Voọc gáy trắng Hà Tĩnh là loài linh trưởng đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Không chỉ âm thầm chăm sóc, bảo vệ đàn vọoc, ông Tú còn cảm hóa, khuyên nhủ nhiều tay thợ săn voọc khét tiếng ở trong vùng bỏ nghề. Như trường hợp anh Nguyễn Văn Hồng, trú xã Đồng Hóa, là một tay thợ săn voọc khét tiếng trong vùng, nhưng chính nhờ sự khuyên ngăn của ông Tú mà anh Hồng đã quyết định bỏ nghề, tự nguyện tham gia vào đội bảo vệ voọc.

Anh Hồng kể lại: “Trước đây tôi làm thợ săn, hàng ngày bắt được 9 đến 10 con; sau đó, tôi bẫy được một con vượn đầu đàn, khi lên gỡ bẫy thấy vượn đực ôm vượn cái còn cả đàn xoay quanh, tôi nghĩ loài vượn cũng có tình cảm như con người vậy. Từ đó, nhận thấy những lời khuyên răn của anh Tú là hết sức đúng đắn, tôi đã quyết định từ bỏ nghề và quay trở lại bảo vệ đàn voọc”.

Ông Tú còn cùng các thành viên trong đội bảo vệ trực tiếp tham gia vào việc chăm sóc loài linh trưởng này.

Ông thường xuyên ghi chép, đếm số lượng đàn và cá thể để theo dõi sự phát triển của đàn voọc. Vào thời điểm hạn hán khốc liệt, cũng là lúc đàn voọc trên đỉnh núi đối mặt với sự đói khát do thiếu nguồn nước. Nhiều con voọc liều mình, đợi đêm xuống lén đến gần khu dân cư để tìm nước uống. Sợ đàn voọc gặp nguy hiểm, ông Tú gùi nước lên, đổ vào các hốc đá để voọc uống. Có những đêm, ông một mình mò mẫm lên rừng để tìm, gỡ những cái bẫy của thợ săn đặt sẵn.

Môi trường - “Tú voọc” và mối lương duyên với loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng (Hình 4).
Một đàn voọc gáy trắng trên lèn đá vôi.

Trải qua gần 5 năm, dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt và kiên trì của ông Tú cùng các cộng sự, đàn voọc gáy trắng đã sinh sôi phát triển một cách nhanh chóng, từ chỗ chỉ có hơn 10 con, đến nay đã hơn một trăm cá thể.

Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng chi cục Kiểm Lâm tỉnh Quảng Bình cho biết: “Hướng sắp tới, chúng tôi và những nhà chuyên môn sẽ phải tham mưu cho tỉnh khảo sát và xây dựng đề án để thành lập ngay khu bảo tồn loài đối với loài voọc này ở xã Thạch Hóa. Bởi, nó đạt được các tiêu chí, điều kiện để thành lập một khu bảo tồn loài mang tính chất xã hội hóa”.

Sự xuất hiện và phát triển về số lượng cá thể voọc gáy trắng ở Thạch Hóa đã thu hút được sự chú ý của các nhà nghiên cứu sinh vật trong nước và quốc tế. Nhiều người đã tìm đến Thạch Hóa để tìm hiểu, chụp ảnh, hay đơn giản chỉ để ngắm nhìn những chú voọc Hà Tĩnh.

Ghi nhận công lao bảo vệ, chăm sóc đàn voọc Hà Tĩnh của ông Tú, UBND tỉnh Quảng Bình và các sở, ban, ngành, đơn vị chức năng liên quan, đã nhiều lần tổ chức thăm hỏi, động viên và biểu dương, trao tặng ông nhiều bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, năm 2015, ông đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích phát hiện và bảo vệ tốt đàn voọc quý hiếm có tên trong Sách Đỏ. Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Hồng mới đây cũng đã được UBND tỉnh Quảng Bình tặng bằng khen.

Voọc gáy trắng có tên khoa học là Trachypithecushatinhensis, thuộc họ khỉ, bộ linh trưởng, loài động vật hoang dã được bảo vệ tại phụ lục II, Công ước CITES 2008; nằm trong nhóm IB của Nghị định 32/2006/NĐ-CP và trong danh mục loài nguy cấp, quý hiếm ưu tiên bảo vệ tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Voọc gáy trắng là loài quý hiếm có trong Sách Đỏ thế giới IUCN và Việt Nam đang ở mức nguy cấp. Đây là loài linh trưởng đặc hữu của vùng núi đá vôi Việt Na.
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.