Ý kiến trái chiều
Những ngày qua, thông tin vụ việc cô giáo khiến 3 trẻ bị bỏng cồn nặng trong tiết học kỹ năng sống ở Hà Nam nhận được sự quan tâm của dư luận. Đặc biệt, các phụ huynh có con nhỏ đang trong độ tuổi đến trường đều bày tỏ sự lo lắng, thậm chí cho rằng các con còn quá nhỏ thì không cần phải học những kỹ năng sống quá cao siêu.
Chị Nguyễn Mỹ Lệ (Hà Nội) có con đang trong độ tuổi đến trường tỏ rõ sự lo lắng: “Con gái tôi năm nay lên 3 tuổi, bé đang học tại một trường mầm non tư thục tại Hà Nội. Ở trường, con cũng được các cô giáo dạy những kỹ năng cần thiết như để đồ đạc gọn gàng đúng nơi quy định, tự giác ăn uống hoặc học cách yêu thương, quan tâm đến các bạn… Tôi nghĩ rằng, các con còn nhỏ thì chỉ nên học những kỹ năng tối thiểu như vậy thôi là đủ rồi, chứ cho con học kỹ năng sống thoát hiểm mà châm lửa đốt thật thì là điều quá nguy hiểm”.
Nghe audio: Phụ huynh bày tỏ quan điểm về việc dạy con kỹ năng sống
Cùng ý kiến với chị Mỹ Lệ, chị Nguyễn Ly Ly (Long Biên, Hà Nội) cho hay: “Con gái tôi đi học từ lúc con được 15 tháng, tôi thấy phần kỹ năng sống rất thích hợp với các con, nhưng với điều kiện là phải phù hợp với lứa tuổi của con. Tôi cũng có theo dõi sát sao các cô. Ở trường của con, tôi vẫn thấy các cô dạy kỹ năng sống nhưng là những thứ cơ bản như: Con có thể vượt chướng ngại vật, chơi trò chơi đòi hỏi sự liên kết”.
Nói về vụ 3 trẻ bị bỏng cồn ở Hà Nam, chị Ly Ly nhận thấy cô giáo này chưa có kỹ năng để dạy các con liên quan đến lửa, gây ra phản tác dụng: “Tôi vẫn ủng hộ các cô dạy kỹ năng sống, nhưng phải phù hợp với lứa tuổi và phải có kiến thức, trang bị đầy đủ để dạy các con”.
Trẻ nước ngoài được dạy kỹ năng sống thế nào?
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, chị Diệu Linh (đang định cư cùng chồng và con nhỏ tại Nhật Bản) chia sẻ về việc các con tại đây được học tập, dạy kỹ năng sống thế nào.
Theo đó, chị Diệu Linh cho hay: “Các trẻ ở đây được rèn luyện một cách rất tự nhiên, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của bố mẹ. Ví dụ như rèn khả năng chịu đau, con ngã đau nhưng mẹ hỏi “con có ổn không”, đợi con xem có đứng lên được không, mẹ sẽ khuyến khích con đứng lên và nếu con không đứng lên được thì mẹ mới giúp.
Thêm nữa, trẻ 2 tuổi được dạy học cầu trượt, leo trèo... ở đây rất quan tâm đến việc vận động của con. Những trò mà chúng ta thấy nguy hiểm thì ở Nhật Bản, các bé sẽ được chơi nhưng trước đó, các con cũng đã có sự kèm cặp từ sớm”.
Nói về việc trẻ học kỹ năng sống trong trường, chị Diệu Linh cho biết thêm: “Ở Nhật khi các con đến trường thì các con sẽ học kỹ năng sống hàng ngày, chứ không tổ chức riêng giờ học ở trong lớp. Bởi, thiên nhiên ở bên ngoài rất đa dạng, các con hàng ngày được ra ngoài, đi thăm thú, ngắm tàu… thông qua đó luyện được kỹ năng đi bộ, tôi thấy kỹ năng đi bộ của các con rất giỏi. Còn học kỹ năng cứu hoả ở trường mầm non tôi chưa thấy có.
Tôi cho rằng, ở độ tuổi nào thì việc con học kỹ năng sống cũng rất cần thiết. Nhưng, các thầy cô cũng cần phải trang bị cho mình kỹ năng dạy thật tốt. Tránh để xảy ra những sự cố đáng tiếc”.