Như thông tin đã đưa, chiều tối ngày 12/3, bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận điều trị 6 trẻ em nghi bị ngộ độc do uống nhầm thuốc diệt chuột.
Cụ thể, nhóm 6 em nhỏ là anh em họ hàng với nhau cùng trú tại xã Tốt Động. Vào khoảng 17h ngày 12/3, các em này đi chơi thì phát hiện chiếc túi bên trong chứa lọ nhựa trong suốt có dung dịch màu đỏ, liền nhặt lên chia nhau uống. Hậu quả, các em xuất hiện các triệu chứng ngộ độc như đau bụng, buồn nôn. Gia đình sau đó đã đưa các em nhập viện để cấp cứu.
Trả lời Zing.vn PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết khi nhập viện, cả 6 bệnh nhi đều không có biểu hiện cụ thể. Các bác sĩ khẩn trương tiến hành rửa dạ dày và truyền dịch để loại bỏ chất độc, đồng thời gửi mẫu xét nghiệm tới cơ quan pháp y kiểm tra thành phần dung dịch trên.
Sau khi cấp cứu, các bệnh nhi đã bình phục, tỉnh táo nhưng không loại trừ trường hợp chất độc phát tác chậm. 5 bé tiếp tục được theo dõi và chăm sóc thêm tại bệnh viện để đảm bảo an toàn. Một bệnh nhi do nghi ngờ xuất huyết ngoài da, khả năng co giật, diễn biến phức tạp nên các bác sĩ tiếp tục hội chẩn để tìm hướng xử trí.
Cũng theo TS. Dũng, tai nạn trẻ nhỏ uống nhầm hóa chất rất thường gặp phải. Ví dụ như có những trường hợp uống nhầm hóa chất là dầu hỏa, nước rửa móng tay, thuốc diệt cỏ…
Trẻ uống nhầm các hóa chất này thường để lại hậu quả khá nặng nề, thậm chí có thể gây tổn thương phổi hay suy hô hấp. Do vậy, việc phát hiện, sơ cứu kịp thời là vô cùng quan trọng.
Cách sơ cứu thông thường các bậc phụ huynh hay thực hiện khi phát hiện người ngộ độc hóa chất là móc họng để nạn nhân nôn chất độc ra tuy nhiên cách này không phải lúc nào cũng hữu nghiệm, đôi khi còn gây hậu quả nghiêm trọng.
Chia sẻ với báo Người lao động, bác sĩ Lê Ngọc Duy, Phó trưởng khoa Cấp cứu - Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, hướng dẫn các bậc phụ huynh cách sơ cứu kịp thời khi người thân bị ngộ độc do uống nhầm hóa chất:
Uống nhầm xăng, dầu, axit, chất tẩy rửa:
Tuyệt đối không được gây nôn. Trường hợp này nếu gây nôn, khi hóa chất được đưa ra ngoài cũng là lúc hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản lần nữa làm tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản. Người nhà nên đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Trước khi đưa tới bệnh viện có thể cho nạn nhân uống vài ngụm nước nhỏ để tránh bỏng rát cổ họng. Phải cho trẻ uống từ từ, tránh bị sặc nước, nếu không tình trạng càng nguy kịch hơn..
Uống nhầm thuốc diệt cỏ (paraquat)
Với trường hợp này, cần phải gây nôn càng sớm càng tốt. Cho nạn nhân uống nước và kích thích họng gây nôn. Khi nôn nên đặt đầu nạn nhân thấp để tránh bị sặc vào phổi, đồng thời nằm nghiêng để tránh chất độc chảy vào khí quản gây tắc thở. Sau đó, cho nạn nhân uống than hoạt tính hoặc uống đất sét hấp thụ paraquat để giảm bớt độc tố và đưa trẻ đến ngay trung tâm chống độc của các bệnh viện.
Uống nhầm các loại thuốc
Nếu nạn nhân còn tỉnh cần nhanh chóng gây nôn, đồng thời cho uống nhiều nước ấm rồi gây nôn để loại bỏ chất độc khỏi cơ thể. Trường hợp nạn nhân hôn mê, co giật thì không gây nôn mà gọi cấp cứu đưa nạn nhân đến ngay bệnh viện.
Để phòng ngộ độc thuốc, hóa chất, chất độc cho trẻ… các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần chú ý để hoá chất ở nơi riêng biệt, cách xa nguồn thức ăn, xa trẻ em để tránh trẻ nghịch đến, nguy cơ uống nhầm hoá chất. Tuyệt đối không đựng thuốc, hoá chất vào các chai lọ không nhãn mác, các chai lọ giống chai nước ngọt, đồ ăn… Kể cả với người lớn trong gia đình cũng cần chú ý ghi rõ bên ngoài tên các loại thuốc sâu, thuốc diệt chuột, thuốc diệt muỗi… để tránh nhầm lẫn đáng tiếc. Các hoá chất này phải cất xa, riêng biệt với nguồn thực phẩm.
Lưu ý khi phát hiện trẻ uống nhầm hóa chất cần xử trí bình tĩnh, hành động chính xác, tránh hoảng loạn. Người thân nên giữ lại vỏ thuốc, hộp chứa các dung dịch uống phải và mang theo khi đi cấp cứu để các bác sĩ có hướng xử lý phù hợp.
Bá Di (Tổng hợp)