Sau vụ 2 bác sĩ của bệnh viện Sản Nhi tỉnh Yên Bái bị hành hung, chia sẻ với báo chí, lãnh đạo bộ Y tế cho rằng, nên cho phép bảo vệ của các bệnh viện được dùng công cụ hỗ trợ trong những trường hợp và mức độ cụ thể.
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, một cán bộ thuộc cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C64, bộ Công an) cho biết: Bộ Y tế muốn đề nghị cho phép bảo vệ của bệnh viện được trang bị công cụ hỗ trợ thì phải có văn bản gửi bộ Công an.
Theo vị cán bộ này, nếu bộ Y tế có văn bản gửi sang C64 thì đơn vị phải báo cáo, xin ý kiến của Bộ trưởng bộ Công an. Trong báo cáo phải nêu rõ vì sao đề nghị như thế, có cần thiết không…
Vị này giải thích thêm, hiện nay, theo Thông tư 46/2014/TT-BCA của bộ Công an quy định chi tiết về việc bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp thì: Căn cứ vào yêu cầu và tình hình thực tế hoạt động, lực lượng bảo vệ chuyên trách của cơ quan, doanh nghiệp được xem xét, trang bị công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên, quy định chung chỉ được được trang bị gậy điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại, găng tay bắt dao.
Còn trong trường hợp cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu trang bị vũ khí thô sơ, phương tiện xịt hơi cay thì được quy định chặt chẽ hơn nữa. Trong hồ sơ đề nghị phải gửi kèm phương án bảo vệ cụ thể đối với mục tiêu thuộc cơ quan, doanh nghiệp quản lý và sự cần thiết phải trang bị vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ.
“Hiện nay, chúng ta đã có Luật về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Từ ngày 1/7 tới đây, Luật này sẽ có hiệu lực thi hành. Trong Luật sẽ quy định cụ thể hóa hơn đối với từng lực lượng bảo vệ”, vị cán bộ C64 nói.
Cũng theo cán bộ này, khi được trang bị công cụ hỗ trợ thì lực lượng bảo vệ phải được tập huấn về tính năng, cách sử dụng, đảm bảo tuyệt đối an toàn theo quy định…
Được biết, hiện nay, lực lượng bảo vệ chuyên trách của ngân hàng cũng thuộc diện đối tượng được phép trang bị cơ bản đầy đủ công cụ hỗ trợ, trong đó có cả súng bắn đạn cao su…
Chí Công