Cháy nhà trong ngõ khiến 14 người tử vong
Sáng 24/5, thông tin với Người Đưa Tin, một lãnh đạo Công an quận Cầu Giấy cho biết đang điều tra làm rõ vụ cháy nhà khiến nhiều người tử vong xảy ra trên địa bàn.
Theo đó vào lúc rạng sáng cùng ngày, một ngôi nhà trọ cao 5 tầng ở số 1, ngách 43/98/31 Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, xảy ra cháy.
Chỉ trong ít phút, lửa bùng lên dữ dội kèm nhiều tiếng nổ. Ngôi nhà này được xây trọ cho thuê gồm 5 tầng, mỗi tầng 2 phòng. Tầng một kinh doanh và sửa chữa xe điện.
Theo nguồn tin, vụ cháy đã khiến 14 người tử vong và một số người bị thương. Tới 5h cùng ngày, tất cả thi thể nạn nhân đã được đưa ra ngoài.
Được biết, ngay sau xảy ra vụ cháy lực lượng công an đã được huy động để cứu hoả, tuy nhiên ngôi nhà nằm trong ngõ nhỏ, cách mặt đường lớn khoảng 250m nên xe cứu hoả không thể tiếp cận.
Liên quan đến vụ cháy khiến 14 người tử vong ở Hà Nội, ngày 24/5, nằm trên giường bệnh Khoa Cấp cứu Bệnh viện Giao thông Vận tải, anh H (35 tuổi) cho biết, thời điểm xảy ra vụ cháy anh đang ngủ. Khi nghe thấy tiếng nổ lớn và tri hô nên anh vội tỉnh giấc.
Anh H bật dậy mở cửa để thoát thân, thấy ở hành lang lửa, khói từ tầng 1 đang bốc lên dữ dội. Anh quyết định dắt vợ quay lại phòng, vào nhà vệ sinh dùng khăn ướt bịt mũi để lấy không khí thở.
“Lúc này, lửa tràn ra các khu phòng trọ, bén vào cửa sổ nhà tôi, nóng khủng khiếp. Tôi cố gắng bình tĩnh để trấn an vợ, giúp cô ấy không hoảng loạn, nếu chạy xuống dưới sẽ không thể sống được”, anh H kể lại những kỹ năng cơ bản giúp 2 vợ chồng thoát chết khi xảy ra hỏa hoạn.
Lửa quá lớn, nếu thoát ra lúc này vợ chồng anh sẽ chết. Anh H cùng vợ kiếm vải, quần áo thấm nước, quấn thành nhiều lớp để che miệng, mũi và ở trong nhà chờ cứu hộ. Sau khoảng 1 tiếng, cảnh sát tiếp cận hiện trường. Anh H và vợ được đưa ra ngoài đi cấp cứu tại Bệnh viện Giao thông Vận tải.
Người đàn ông thoát nạn trong vụ cháy cho hay, các kỹ năng thoát hiểm cơ bản khi xảy ra cháy được anh học cách đây vài năm.
Kỹ năng phòng cháy chữa cháy cần biết để bảo vệ bản thân và gia đình
Thời gian gần đây nhiều vụ cháy xảy ra, theo đó mỗi người cần tự trang bị những kỹ năng cần thiết để xử lý khi có cháy nhằm đảm bảo an toàn cho chính bản thân và người xung quanh.
1. Nên biết lối thoát hiểm: Luôn tạo thói quen kiểm tra vị trí thoát hiểm (Exit) khi vào bất cứ nơi nào: tòa nhà nơi mình làm việc, nơi đến thăm chơi, hội họp, tham gia sự kiện, trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim, trường học… Ví dụ, phụ huynh khi dẫn con đi siêu thị, rạp phim, khu vui chơi trong nhà, nên tạo thói quen dẫn con đi một vòng tìm vị trí thoát hiểm, vị trí bình chữa cháy mini, tình trạng thang bộ thoát hiểm, vị trí nơi tập trung… trước khi tiến hành vui chơi, mua sắm… Điều này giúp tạo thói quen cho bản thân và cho trẻ để khi các con lớn lên cũng học được thói quen này từ cha mẹ. Bởi đây là yếu tố đầu tiên cần phải biết khi không may có bất kỳ sự cố nào xảy ra.
Ngoài ra, nên vẽ sơ đồ thoát hiểm của căn nhà đang ở, luôn tìm ra được ít nhất 2 lối thoát và đảm bảo toàn bộ thành viên gia đình tham gia quá trình này cũng như thống nhất vị trí tập trung an toàn phù hợp từng tình huống. Nên diễn tập với các thành viên gia đình vài lần cách thoát hiểm theo sơ đồ này để điều chỉnh phù hợp.
2. Trang bị kiến thức về phòng cháy chữa cháy: Cả nhà hoặc ít nhất một thành viên trong gia đình cần tham gia một khóa "Phòng cháy chữa cháy" từ các đơn vị chuyên môn tổ chức định kỳ.
3. Biết về kỹ năng sơ cấp cứu: Cả nhà hoặc ít nhất một thành viên lớn trong nhà phải học qua một khóa "Kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản" để biết cách xử lý khi xảy ra những vấn đề liên quan đến sức khỏe, tai nạn…
4. Thường xuyên kiểm tra thiết bị trong gia đình: Thường xuyên kiểm tra tình trạng điện, thiết bị điện trong gia đình, thiết bị báo cháy - báo khói (nếu có). Định kỳ dọn dẹp loại bỏ các vật liệu dễ cháy trong nhà, đặc biệt khu bếp, phòng khách và phòng ngủ. Hãy đảm bảo cửa thoát hiểm có chức năng đóng mở tự động: luôn mở được khi cần, và tự động đóng khi có người mở ra. Đảm bảo cửa thoát hiểm không ở trong tình trạng luôn mở do có vật cản, và không biến lối thoát hiểm thành nơi chứa vật dụng. Khi ra khỏi nhà, luôn kiểm tra và bảo đảm đã khóa gas, tắt bếp và các thiết bị nấu nướng.
5. Trang bị các vật dụng hỗ trợ phòng cháy chữa cháy: Có thể trang bị trong nhà máy cảm biến báo cháy - báo khói, các vật dụng hỗ trợ dập lửa và thoát nạn như bình chữa cháy mini, mền chống cháy, dây thừng to có móc chuyên dụng, búa thoát hiểm…
Khi phát hiện có cháy cần làm gì?
- Nếu phát hiện đám cháy, tri hô vị trí cháy cụ thể để giúp mọi người xung quanh có thể nhanh chóng đưa ra quyết định phù hợp nhất trong tình huống đó. Đồng thời, nhấn chuông báo động của hệ thống báo cháy trong tòa nhà và gọi ngay tới số điện thoại 114.
- Chúng ta cần lưu ý khi đám cháy bắt đầu lớn, sau 2 phút, khí độc bắt đầu lan tỏa và ảnh hưởng đến hô hấp. Cần cố gắng bình tĩnh để xử lý đám cháy bằng bình chữa cháy mini nếu đám cháy còn nhỏ. Nếu đám cháy từ các tầng khác đã bùng lớn, cần dựa trên dữ kiện thực trạng đám cháy để đưa ra quyết định phù hợp nhất. Nguyên tắc chung là đi xuống đất vì khí độc nhẹ bay lên, nhưng có những trường hợp cầu thang đầy khí độc xông lên thì cần đi lên tầng cao hơn. Tuyệt đối không sử dụng thang máy.
- Nhanh chóng thoát thân chứ đừng mất thời gian tìm giấy tờ, tài sản để mang theo, mà cần ưu tiên việc thoát hiểm theo quyết định đưa ra trước đó. Lưu ý, tùy theo diễn tiến đám cháy mà liên tục đưa ra các quyết định phù hợp diễn tiến. Hãy nhớ rằng khói rất nguy hiểm, bạn cần cúi thấp người hơn làn khói và bò ra ngoài. Nếu có đủ thời gian, hãy tìm khăn hoặc vải, thấm nước để che miệng, mũi nhằm hạn chế khí độc đi vào đường hô hấp.
- Hãy dùng mu bàn tay kiểm tra cửa chính, nếu thấy cửa nóng thì tuyệt đối không mở cửa. Cửa nóng nghĩa là lửa đang cháy ngay bên ngoài, nếu mở, lửa sẽ ập vào. Lúc này cần tìm lối thoát hiểm phụ như ban công, cửa sổ… Nếu không tìm được lối thoát nào, hãy cố thủ trong phòng, dùng áo quần, khăn, mền nhúng nước chèn lấp kín các kẽ hở để ngăn khói bay vào. Nếu bị bén lửa, nằm ngay xuống đất và lăn qua lăn lại, theo Thanh Niên.
- Khi đội cứu hộ tới hiện trường hãy hợp tác với lực lượng cứu hộ. Hãy bình tĩnh và làm theo chỉ dẫn của đội cứu hộ, lực lượng cảnh sát. Điều này đặc biệt quan trọng, đừng để sự hoảng loạn ngăn chặn cơ hội an toàn của mình trong những tình huống vô cùng cấp bách.
Lưu ý: Trong tất cả các trường hợp tuyệt đối không vội vàng nhảy từ trên cao xuống dưới để thoát nạn khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn như đệm hơi hoặc một số phương tiện bảo hộ khác đã được lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ triển khai phía dưới.
Những biện pháp phòng cháy, chữa cháy và kỹ năng thoát nạn khi cháy nhà cao tầng
Theo Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (C07), để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn khi có cháy, song song với việc chấp hành nghiêm ngặt các quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy, cơ quan, tổ chức và cá nhân quản lý công trình nhiều tầng cần thực hiện 14 biện pháp.
1. Có niêm yết nội quy phòng cháy, chữa cháy, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở những nơi có nguy cơ xảy cháy.
2. Trong hoạt động phải sử dụng xăng, dầu, khí đốt và các chất nguy hiểm về cháy, nổ khác... phải thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.
3. Nơi đun nấu, nơi được phép sử dụng lửa phải có quy định đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và giải pháp ngăn cháy lan.
4. Lắp đặt thiết bị bảo vệ (aptomat) cho hệ thống điện của toàn bộ công trình, từng tầng, từng phòng và từng thiết bị điện có công suất lớn. Có biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy khi sử dụng thiết bị điện, đặc biệt là thiết bị điện sinh nhiệt.
5. Xây tường, trần và khoang đệm ngăn cháy giữa các khu vực; cửa đi, cửa sổ ở tường ngăn cháy phải là cửa chống cháy. Không sử dụng các vật liệu dễ cháy để làm trần, mái, vách ngăn, cách âm... Rèm, phông màn, thảm phải được ngâm tẩm chất chống cháy.
6. Hộp, ống kỹ thuật thông tầng hoặc thông giữa các hệ thống được làm bằng vật liệu không cháy và chèn kín bằng vật liệu không cháy.
7. Bố trí các bộ phận không nguy hiểm hoặc ít nguy hiểm về cháy xen kẽ giữa các bộ phận nguy hiểm về cháy để chống cháy lan.
8. Lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động đảm bảo chữa cháy được trên toàn bộ diện tích.
9. Thiết kế, lắp đặt hệ thống chống sét theo quy định.
10. Lối thoát nạn phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Có đủ lối thoát nạn, bố trí phòng lánh nạn tạm thời, lối thoát nạn dự phòng; có giải pháp ngăn lửa, chống tụ khói cho hệ thống lối thoát nạn.
- Cửa đi trên lối thoát nạn mở theo chiều thoát nạn, làm bằng vật liệu không cháy; cửa vào buồng thang thoát nạn là cửa chống cháy và có cơ cấu tự đóng.
- Có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cho toàn bộ công trình, từng khuvực, từng tầng. Có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn.
11. Thành lập đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở, tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ công trình.
12. Trang bị phương tiện chữa cháy, cứu người tại chỗ phù hợp với quy mô, tính chất cháy, nổ, dự trữ đủ nước để chữa cháy.
13. Xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn cứu người trong tình huống cháy phức tạp nhất.
14. Khi xảy ra cháy phải bằng mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (số điện thoại 114), báo cho Công an hoặc chính quyền nơi gần nhất, đồng thời bằng mọi cách dập cháy và tổ chức việc thoát nạn, cứu người theo phương án.
Trúc Chi (t/h)