Theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2015, đến năm 2020, Hà Nội sẽ di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. Trong đó, quận Đống Đa có 15 cơ sở; quận Ba Đình có 2 cơ sở; quận Cầu Giấy có 2 cơ sở; quận Hai Bà Trưng 18 cơ sở; quận Hoàn Kiếm 6 cơ sở; quận Hà Đông 28 cơ sở; quận Bắc Từ Liêm 6 cơ sở; quận Thanh Xuân 9 cơ sở; quận Nam Từ Liêm 2 cơ sở; quận Hoàng Mai 11 cơ sở; quận Long Biên 17 cơ sở.
UBND TP. Hà Nội cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục di dời. Trong đó, kết quả phân tích quan trắc mức độ gây ô nhiễm môi trường có 23 đơn vị nước thải đạt quy chuẩn cho phép; 47 đơn vị gây ô nhiễm môi trường; 11 đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Số liệu báo cáo của UBND TP. Hà Nội gửi bộ Xây dựng vào tháng 6/2019 cho biết, hiện có 67 cơ sở công nghiệp phải di dời đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng nhà ở, trường học, hạ tầng kỹ thuật, đất dịch vụ thương mại với diện tích hơn 102ha; 27 cơ sở đã được UBND TP chấp thuận chủ trương hoặc phê duyệt quy hoạch cho phép chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích hơn 38,6ha.
Để thực hiện di dời, TP.Hà Nội phân loại đối với các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và không phù hợp quy hoạch đề xuất hình thức bắt buộc di dời ngay. Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch tiến hành phân loại đề xuất xử lý cụ thể từng trường hợp theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các đồ án quy hoạch phân khu đô thị.
Dù lộ trình đặt ra như thế nhưng đến thời điểm hiện tại (quý III/2019) trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn còn hàng loạt nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp chưa chịu di dời. Báo cáo chính thức tại Hội nghị giao ban trực tuyến tháng 9/2018 của Hà Nội cho thấy tại thời điểm đó mới chỉ giảm được 4 cơ sở.
Năm 2017, UBND quận Thanh Xuân đã có văn bản số 1399/UBND-TN&MT gửi sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về việc tổng hợp các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm và không phù hợp với quy hoạch chung cần phải di dời ra ngoài khu vực nội đô TP Hà Nội. Trong đó nêu rõ, Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long (Công ty Thuốc lá Thăng Long, 235 Nguyễn Trãi, Thượng Đình, Thanh Xuân) là đối tượng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Mặc dù các Bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều quyết định liên quan tới việc di dời của Công ty Thuốc lá Thăng Long nhưng không hiểu lý do vì sao đơn vị này vẫn chưa chịu di dời. Trong khi đó, các hoạt động xả thải gây ô nhiễm của nhà máy vẫn diễn ra ngày càng phức tạp.
Điển hình như Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông mới xảy ra cháy dù nằm trong danh sách phải di dời nhưng cho tới tận gần trước sự cố xảy ra vẫn chưa có kế hoạch chuyển đi, nhà máy đặt tại điểm đến mới cũng chưa được xây.
Đây chỉ là một ví dụ trong hàng trăm cơ sở đang hàng ngày tồn tại với khu dân cư, gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn, nước thải, chưa kể nếu như xảy ra mất an toàn về phòng chống cháy nổ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân trong khu vực.
Lý giải về sự chậm trễ này, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng do tâm lý doanh nghiệp không muốn di chuyển ra xa nội thành, muốn dựa vào lợi thế vị trí đất để sản xuất kinh doanh, thuận tiện đi lại và sinh hoạt. Cùng với đó, năng lực tài chính của hầu hết các doanh nghiệp còn hạn chế trong việc đầu tư thay đổi công nghệ sạch, đầu tư công nghệ xử lý nước thải, chất thải và đầu tư tại nơi di chuyển.
Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, hiện trong nội thành Hà Nội còn tồn tại nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, các cơ sở lưu chứa và sử dụng hóa chất độc hại. Các cơ sở này luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố với hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là các cơ sở hoạt động trong khu vực đông dân cư. Vụ cháy tại Công ty Rạng Đông mới đây cho thấy rõ điều này.
Còn chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ sự cần thiết về việc cần điều tra, đánh giá lại thật cụ thể, chính xác tất cả các hoạt động của các cơ sở sản xuất. Nếu cơ sở nào có nguồn thải gây ô nhiễm, sử dụng những nguyên vật liệu nguy hại… phải có giải pháp khẩn cấp đưa ra khỏi nội đô.
“Việc nhà máy Rạng Đông đặt xưởng sản xuất ở khu dân cư cần phải làm rõ, ở đây chúng ta cần có một cuộc điều tra. Tuy nhiên, dù bất cứ một lý do nào mà nhà máy đặt ở khu dân cư để nhằm “mục đích” như để tiêu thụ sản phẩm, hay là tiện đi lại cho người lao động, hoặc khu vực đó được cấp giấy phép để xây dựng,… là hoàn toàn không thích hợp và cũng không chấp nhận được.
Di dời cơ sở sản xuất là cả một vấn đề lớn đối với doanh nghiệp, bởi nó mất rất nhiều chi phí cho các doanh nghiệp và chắc chắn họ sẽ không thực hiện nhanh chóng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.