Cuối năm 2017, khi ấy, Hoàng Minh T. đang học lớp 9 và chưa đủ 16 tuổi thì có tình cảm với Đinh Quốc Tuấn (23 tuổi), trú xã Đức Hóa. Quá trình yêu nhau, T. lỡ trao thân dẫn đến có thai với Tuấn. Nhưng vì thời điểm đó, T. chưa đủ tuổi kết hôn theo pháp luật quy định, nên cả hai gia đình T. và Tuấn chỉ tổ chức tiệc cưới, thông báo với hàng xóm láng giềng để đôi trẻ được chính thức về ở với nhau như vợ chồng.
Chuyện sẽ không có gì đáng nói, nếu như cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ trôi qua trong êm đềm như những ngày đầu; nhưng thay vào đó, khi mang bầu từ tháng thứ 5 đến khi sinh con được hơn 1 tháng, thi thoảng, T. lại bị chồng bạo hành. Thời gian đầu, vì thương đứa con nhỏ dại trong bụng, T. cắn răng chịu đựng cảnh bị chồng đánh. Nhưng đến khi sinh con được 1 tháng 23 ngày, T. tiếp tục bị chồng đánh đến bầm tím mặt mày và đuổi 2 mẹ con ra khỏi nhà. Vì quá uất ức nên người mẹ trẻ chọn giải pháp tố bị chồng bạo hành lên mạng xã hội.
Để chứng minh cho những lời nói của mình, T. cũng đăng tải các hình ảnh khuôn mặt bị chồng bạo hành sưng tấy. “Vẫn biết mình sai và tin nhầm người nhưng ai cũng có mắc sai lầm. Tôi viết lên đây mong cộng đồng mạng và xã hội lên tiếng bảo vệ sự công bằng cho mẹ con tôi”, T. cầu khẩn trên mạng xã hội nhằm đòi lại công bằng cho 2 mẹ con.
Sự việc T. tố bị chồng đánh đập trong thời gian mang bầu và sinh con thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng. Đa số cư dân mạng xã hội đều tỏ ra phẫn nộ với hành vi bạo hành của người chồng, bên cạnh đó, cũng rất nhiều người cho rằng, chồng T. có thể bị truy tố và phạt tù về tội Giao cấu với trẻ em.
Theo luật sự Cao Trí, văn phòng luật sư Cao Trí (tỉnh Nghệ An), trường hợp này, cả 2 người đều tự nguyện quan hệ với nhau và người chồng đã đủ tuổi thành niên quan hệ với người chưa đủ 16 tuổi thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giao cấu với trẻ em. Theo Điều 145, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): Người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
Cũng theo luật sư Cao Trí, trong trường hợp này, không chỉ người chồng có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự và đối diện với án phạt tù, mà việc hai bên gia đình tổ chức hôn lễ khi cô dâu chưa đủ 18 tuổi còn có thể bị phạt vì hành vi tổ chức tảo hôn.
Tảo hôn, một vấn đề tưởng chừng như không còn trong xã hội hiện đại, thì việc một cô gái 16 tuổi tố bị chồng bạo hành, lại khiến dư luận một phen dậy sóng. Như đã nói ở trên, ngay sau khi đăng tải thông tin trên mạng xã hội, bản thân mẹ con T. đã về nhà ngoại ở từ đó đến nay, còn chồng T. đã bị công an mời lên làm việc và có thể phải đối diện với án phạt tù. Đây có lẽ là hậu quả không lường trước được của T. khi kết hôn ở độ tuổi quá trẻ hay còn gọi là ở độ tuổi tảo hôn.
Ở đây, nhiều người cho rằng, nếu gặp phải tình huống tương tự, những cô gái có tuổi đời lớn hơn, có kinh nghiệm hơn, họ sẽ xử sự hoàn toàn khác và lẽ dĩ nhiên, hậu quả để lại không nặng nề như vậy.
Từng có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực liên quan đến vấn đề tảo hôn, chuyên gia Xã hội học Phan Thị Ngọc Thúy, Quản lý Quốc gia – viện Kết nối toàn cầu (GEI), chia sẻ, độ tuổi tảo hôn hiện nay không còn giống như ngày xưa (có thể 12, 13 tuổi), mà nó đã cao hơn (nam dưới 20, nữ dưới 18). Hơn nữa, do nhận thức của con người về vấn đề tảo hôn ngày càng cao hơn nên tình huống xảy ra tảo hôn cũng đã có thay đổi.
“Trước đây, tảo hôn thường xảy ra trong tình huống cha me ép buộc con cái phải lấy vợ, lấy chồng sớm. Còn hiện tại, con cái chính là đối tượng tạo ra tình huống đó và buộc cha mẹ phải đi theo. Như trong trường hợp này, T. và chồng có quan hệ trước hôn nhân, dẫn đến mang thai, buộc gia đình phải tổ chức đám cưới cho con để hai người được chính thức về ở với nhau. Và chờ cho đến khi đủ độ tuổi được pháp luật công nhận, họ sẽ đi đăng ký kết hôn với nhau”, chuyên gia Xã hội học nói.
Hầu hết các trường hợp tảo hôn xảy ra thường do trẻ có hành vi quan hệ tình dục không an toàn, mang thai sớm buộc phải tổ chức đám cưới. Bản thân những người trẻ tuổi sẽ không lường trước được các nguy cơ, hậu quả do tảo hôn gây ra dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Vì vậy ở đây chúng ta phải nâng cao vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục, nâng cao nhận thức cho trẻ vị thành niên. Một gợi ý được chuyên gia Xã hội học Phan Thị Ngọc Thúy đưa ra là hội phụ nữ các địa phương nên xây dựng các lớp tiền hôn nhân, để phổ biến và chia sẻ các kỹ năng mềm về đời sống hôn nhân đối với các cặp đôi chuẩn bị cưới. Và bên cạnh đó là các lớp nâng cao nhận thức về tình dục, an toàn sức khỏe và hôn nhân cho những thanh niên ở vùng sâu, vùng xa.
“Tôi không cổ xúy cho hành vi tảo hôn, tuy nhiên, phải chăng, trẻ đến độ tuổi vị thành niên, chúng ta nên dạy các kỹ năng mềm để chúng có tâm thế, kỹ năng tốt để đối diện với đời sống hôn nhân, chăm sóc con cái, chia sẻ gánh nặng kinh tế… để làm sao, những vấn đề này không thể chở thành rào cản hạnh phúc của các đôi vợ chồng trẻ”, bà Thúy chia sẻ.