Sự việc "cô giáo" tiếng Anh chửi học viên là “con lợn” vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi mới đây, bà Tuyến lại tiếp tục livestream trên facebook, xưng “mày – tao”.
Video: Cô giáo chửi học viên là "con lợn" tiếp tục livestream
Sự việc đã gây nhức nhối đối với những người làm giáo dục, nhiều người cho rằng hành vi chửi bới, lăng mạ học viên là phương pháp phi giáo dục. Không ít phụ huynh từ chối cho con học lớp có giáo viên dạy giỏi, nhưng dùng ngôn ngữ "chợ búa".
Từng là giáo viên, chị Lê Nguyễn Như Ý (SN 1982, Biên Hòa, Đồng Nai) bày tỏ: “Tôi đã từng là giáo viên, đã được học nghiệp vụ sư phạm nên tôi hiểu trong mọi trường hợp, dù thế nào thì giáo viên cũng không được nói học sinh như thế, càng không thể chửi trước mặt nhiều người như vậy.
Dù học sinh có ngổ ngáo đến đâu, vẫn còn nhiều cách để ứng phó. Vì thế, chắc chắn một điều rằng tôi sẽ không để con học một giáo viên sử dụng ngôn ngữ giao tiếp không chuẩn mực. Giáo viên có giỏi đến mấy mà không có tâm thì cũng không thể đi xa được.
Theo tôi thấy, nhiều giáo viên bình thường nhưng học sinh vẫn giỏi, vì ngoài học ở trường thì học sinh còn học ở nhà, ngoài cuộc sống nữa. Chứ không chỉ phụ thuộc vào giáo viên”.
Chị Thanh Nhàn (Hà Tĩnh) là một người mẹ có hai con nhỏ, cho hay, đọc thông tin về việc "giáo viên" chửi học viên chị cảm thấy ghê sợ không phải vì clip đầu tiên cô giáo kia chửi học viên mà bởi bà này livestream nói xin lỗi nhưng với thái độ hống hách.
“Tôi không phải quá vị tha, nhưng tôi có thể bỏ qua cho cảm xúc nóng giận bột phát của con người. Với tôi bà Tuyến không là nhà giáo. Bà ấy làm thương mại, bán chữ để lấy tiền. Tôi đã từng nghĩ sẽ khắt khe trong việc chọn giáo viên cho con, nhưng đó là sai lầm. Giáo viên là người hướng dẫn và làm việc cùng con chứ không phải mình.
Làm cha mẹ, việc cần làm là theo dõi cảm xúc con. Nhận biết nó tích cực hay tiêu cực và xử lý kịp thời.
Tôi không chê trách bà Tuyến về chuyên môn, tôi chỉ buồn vì bà ấy dùng tiền làm áp lực. Bà Tuyến nói làm vậy vì thành tích học viên nhưng đằng sau nó là bóng đen của việc đánh bóng cho trung tâm, dựa vào những điều học sinh nhồi nhét được.
Đó cũng là thực trạng đáng buồn chung cho giáo dục hiện nay. Chạy đua thành tích, tham hư danh và đóng khung ý tưởng học viên. Điều hệ lụy không nhỏ nữa là thói tự mãn sẽ nhiễm vào đầu học viên”.
Từ những lý giải trên, chị Thanh Nhàn chia sẻ: “Vì thế, tôi sẽ chọn tiêu chí con cần học gì và kiến thức có được trong thời gian học đó là đủ. Không ham hố quá cao siêu vì nó vừa gây áp lực cho cả người truyền đạt và người học. Tôi chọn yêu thương, không chọn giáo viên, cũng không chọn kiến thức. Tôi chọn cảm xúc của con chứ không chọn thành tích của con. Tôi tin, con tôi cũng sẽ biết cách học thế nào là thông thái nhất”.