Cũng giống như nhiều làng quê khác từ bao đời nay người dân ở xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, có truyền thống đào giếng để sử dụng. Vì đặc thù địa chất dưới lòng đất có nhiều đá, sỏi nên nhiều hộ dân đào giếng sâu hàng chục mét nhưng không kè đá hay đặt ống chống sạt lở.
Những giếng nước này có tuổi đời ít nhất cũng hơn chục năm, có những giếng hơn 30 năm. Trước đó, khi người dân còn dùng gầu để múc nước, việc kiểm tra, tu sửa diễn ra thường xuyên. Nhưng nhiều năm trở lại đây, khi máy bơm hỗ trợ việc hút nước, người dân bịt kín miệng giếng bằng ván, thậm chí là nắp bê tông dẫn đến việc ít kiểm tra, duy tu, sửa chữa.
Cuộc sống của họ vẫn diễn ra bình thường cho đến khi xảy ra vụ sụt lún giếng khiến hai vợ chồng bà Tr. Th. L, SN 1963 và ông Ng. Đ. H, SN 1964, trú cùng xã Vạn Ninh, tử vong. Trước đó, khoảng 10h ngày 2/11, vợ chồng ông N.Đ.H. đang chế biến thức ăn cạnh giếng nước. Lúc này ông H. bật máy bơm nước lên bồn thì bất ngờ giếng nước phát nổ, thành giếng bị nuốt chửng, kéo theo 2 vợ chồng ông H. xuống giếng, đất đá ập xuống khiến 2 người tử vong.
Theo một người con của ông H, giếng nước của gia đình sâu khoảng 12-13m, được đào cách đây hàng chục năm, miệng giếng được bịt lại bằng tấm đúc xi măng. Hàng ngày, các thành viên trong gia đình vẫn lấy nước, sinh hoạt trên miệng giếng. “Giếng đào từ lâu, thành giếng bằng đất chứ không đặt ống bi hay kè đá gì. Trước đây dùng gầu để múc nước lên sinh hoạt còn để ý được mực nước và có bị lở gì không. Nhưng sau này bố mẹ tôi bịt kín bên trên, dùng máy bơm hút nên không biết hiện trạng. Chắc do lâu ngày nên lòng giếng bị lở, sụt đất xuống mới xảy ra chuyện đau lòng”, người con của ông H. buồn bã kể lại.
Bên cạnh là gia đình bà Hồ Thị Thuật, SN 1970, cũng đang sử dụng giếng nước được đào từ hơn 20 năm trước. Theo quan sát, khu vực xung quanh giếng có hiện tượng nứt nẻ, sụt lún. Nhìn xuống lòng giếng, nhiều chỗ sạt lở từng mảng lớn.
“Gia đình tôi sử dụng giếng nước này đã hơn 20 năm nay. Giếng sâu 11m, không kè đá xung quanh. Giờ nó sạt lở bên trong, sau sự việc đau lòng khiến vợ chồng ông H. tử vong, gia đình tôi cũng rất lo lắng. Tuy điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng phải cố gắng thu xếp để tu sửa lại để đảm bảo an toàn”, bà Thuật cho biết.
Bậc cao niên ở địa phương này cho biết, tình trạng sạt lở, hư hại thành giếng trước đây rất ít khi xảy ra. Nhiều năm trở lại đây, mực nước ngầm có dấu hiệu sụt giảm, mực nước trong giếng lên xuống thất thường khiến đất, đá trong lòng giếng không ổn định. Cùng với đó việc theo dõi, duy tu không được quan tâm như trước nên nguy cơ sạt lở cao.
Theo thống kê, trên địa bàn xã Vạn Ninh hiện có khoảng 1.000 giếng nước. Dù phần lớn các hộ dân chuyển qua sử dụng nước sạch từ nhà máy nhưng giếng đào vẫn được bà con giữ lại.
“Mấy chục năm trước có phong trào đào giếng lấy nước nên gần như nhà nào cũng có một cái. Giếng sâu trung bình hơn 10m, vì lòng đất nhiều đá, sỏi nên không kè hay gia cố gì thêm mà chỉ xây thành giếng. Gia đình tôi đặt máy bơm rồi bịt kín miệng giếng bằng ván gỗ, rất ít khi mở ra xem tình trạng bên trong như thế nào”, ông Ngô Đình Biên, trú xã Vạn Ninh cho biết.
Sau sự việc đau lòng của vợ chồng ông H và bà L, chính quyền xã Vạn Ninh đã khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra, duy tu, sửa chữa giếng nước, khuyến khích việc kè, lắp ống chống sạt lở.
Với giếng nước xuống cấp nghiêm trọng cần có phương án lấp lại để không xảy ra những vụ việc đáng tiếc tương tự.
Bà Trần Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh cho biết, vụ việc sụt lở giếng gây thiệt hại về người trên địa bàn vừa qua thực sự là lời cảnh tỉnh đối với người dân trong việc sử dụng các giếng đào có lịch sử hàng chục năm.
“Trước đó chính quyền cũng khảo sát và phát hiện nhiều giếng nước xuống cấp, có nguy cơ sạt lở và cảnh báo người dân. Sự việc không may mới đây, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các phương án để đảm bảo an toàn khi sử dụng giếng nước”, bà Hạnh cho hay.