Ngành giáo dục luôn tạo ấn tượng khó phai nhờ những “nhân tố bất ngờ”. Nhưng bảng “thành tích đặc biệt” ấy khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Năm 2018, một số cán bộ giáo dục tỉnh Hà Giang “đồng sức đồng lòng” phô diễn sức mạnh tập thể và khả năng biến hóa điểm số “thần kỳ” tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Nhiều thí sinh từ 1 điểm được nâng lên 9 điểm. Nhờ đó, nhiều em tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.
Bên cạnh “kĩ năng, nghiệp vụ” chuyên môn “tốt” như một số cán bộ tỉnh Hà Giang, dư luận đặc biệt ấn tượng với hình ảnh thầy hiệu trưởng một trường dân tộc nội trú ở Phú Thọ miệt mài rao giảng lý thuyết chống xâm hại tình dục cho học sinh. Chỉ có điều, tình huống thầy đặt ra là thật, còn các nam sinh không biết ứng xử ra sao trước tình huống diễn ra trong suốt một thời gian dài.
Ở một phương diện khác, thoát khỏi những câu nệ, thể thức của ngành, đời sống tinh thần của nhiều giáo viên cũng “phong phú” hơn bao giờ hết. Khi mà những thú vui bar sàn, đập đá, phá ke tưởng chừng chỉ xuất hiện trong giới giang hồ hay tầng lớp thượng lưu thì nay còn “ghi tên, điểm mặt” cả những người thầy.
Nhưng đó là những câu chuyện đã cũ.
Mới đây nhất, việc một nữ hiệu trưởng trộm xe của đồng nghiệp bán lấy tiền tiêu xài để lại trong lòng dư luận nhiều vết gợn… Đặt lên bàn cân với nhiều vấn đề khác, trộm cắp không phải là chuyện gì quá nghiêm trọng trong cuộc sống. Nhưng trường hợp này, nhân cách méo mó của một bộ phận giáo viên ngày nay dường như diễn biến ngày càng... đa chiều.
Chị Đào Thị Hà (SN 1994), giáo viên Trường mầm non song ngữ Happy Kids đóng tại khu đô thị mới Đồng Văn, thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên (Hà Nam) phát hiện chiếc xe Honda Lead màu đỏ bỗng nhiên “bốc hơi” vào một ngày đẹp trời.
Và, Trưởng Công an huyện Duy Tiên (Hà Nam) thông báo, bà Hà Thị Thắm (SN 1990) - Hiệu trưởng Trường mầm non song ngữ Happy Kids được xác định chính là người “cầm nhầm” chìa khóa xe máy, lái xe lao thẳng vào quán cầm đồ và “ôm” trọn số tiền 23 triệu đồng để tiêu xài.
Sự việc sẽ không gây sốc với chị Hà, nếu như trong giây phút đau buồn tưởng “chết đi sống lại”, bà Thắm không xuất hiện như một… bà tiên, dúi vào tay chị Hà 3 triệu đồng nói nhà trường hỗ trợ để chị mua xe khác… Tôi tin, đó sẽ là giây phút chị Hà nhớ mãi. Thậm chí, chị còn tự nhủ phải “ghi lòng tạc dạ”, phải “dốc lòng dốc sức” phục vụ, xây dựng mái trường như mái nhà, nơi đã cho chị biết thế nào là bình yên trước những sóng gió cuộc đời.
Hành động của bà Thắm khiến tôi nhớ đến 2 câu chuyện về lương tri của trộm cách đây không lâu.
Một clip ghi lại hình ảnh người đàn ông vào một nhà dân ở Hà Nội trộm gạo. Sau khi lấy một trong số hàng trăm bao gạo xếp ngoài hiên nhà, anh ta quay lại chắp tay quỳ 3 lạy trước cửa gia chủ rồi bỏ đi.
Một câu chuyện khác xảy ra vào khoảng đầu tháng 2/2019 tại Huế. Chị Phan Thị Bích Tuyền (25 tuổi, quê An Giang) chạy xe máy ở phường An Phú, thị xã Thuận An (Bình Dương) bất ngờ bị một nam thanh niên áp sát, giật túi xách đựng 107 triệu đồng cùng 2 chiếc điện thoại. Sau 1 ngày, bảo vệ UBND phường phát hiện chiếc túi xách đựng 100 triệu đồng cùng lá thư viết tay dài 3 trang giấy ở chốt trực.
Trong thư, tên cướp nói: “Trước số tiền quá lớn, tôi ân hận, cắn rứt lương tâm. Tôi tự hỏi làm sao có thể đối diện với đứa con bé bỏng vừa mới chào đời đây? Người bị cướp họ đang rất cần tiền mà sao tôi làm vậy...".
Quả thực, như ai đó đã từng nói, đôi khi ta chưa rơi vào bước đường cùng nên không hiểu. Họ có thể rơi vào bước đường cùng phải trộm cắp nhưng cái cách họ làm khiến mọi người phải suy nghĩ…
Thế nhưng, giữa sự lấp lánh hiếm hoi sót lại của lương tri những tên trộm trong xã hội thượng vàng hạ cám, hình ảnh bà hiệu trưởng mầm non dúi 3 triệu đồng “giúp đỡ” cô giáo bị mất xe chỉ càng tô đậm thêm sự xảo quyệt, giả nhân giả nghĩa.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Mộc Miên