Từ vụ tranh chấp tài sản khi ly hôn của vợ chồng “vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên, nhiều người không khỏi đặt ra câu hỏi vậy làm thế nào để hạn chế nhất những rắc rối trong việc phân chia tài sản?
Đưa ra quan điểm về nội dung này, chuyên gia pháp lý, Th.S. Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp (đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Về nguyên tắc thì việc phân chia tài sản khi ly hôn chỉ được đặt ra khi hai bên còn yêu cầu ly hôn và tòa án chấp nhận cho ly hôn. Bởi vậy, nếu cả hai bên đều không còn yêu cầu ly hôn hoặc tòa án không chấp nhận cho ly hôn thì việc chia tài sản sẽ không đặt ra nữa hoặc tòa án cũng có thể giải quyết cho ly hôn còn vấn đề tài sản sẽ tách ra giải quyết trong một vụ án khác...
Tòa án luôn khuyến khích các đương sự tự thỏa thuận về việc phân chia tài sản, nếu không tự thỏa thuận được thì tòa án mới giải quyết. Khi tòa án phải giải quyết, phân chia tài sản thì đương sự phải nộp án phí cho Nhà nước tương ứng với khoảng 4-5% giá trị tài sản. Nếu đương sự tự thỏa thuận với nhau về việc phân chia tài sản thì không phải nộp án phí cho Nhà nước.
Trong vụ án ly hôn nói chung, vụ ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo nói riêng, nếu hai người tự thỏa thuận phân chia tài sản thì không phải nộp án phí cũng như nhanh chóng trong giải quyết vụ án, giảm bớt những mâu thuẫn, căng thẳng không cần thiết trong các mối quan hệ gia đình.
Việc phân chia như thế nào thì cần phải đảm bảo các tiêu chí như: Xứng đáng với công sức trong việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản; Đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của người lao động, quyền lợi của cổ đông, của đối tác và các lợi ích của xã hội, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các con.
“Để thỏa thuận được về tài sản thì mỗi bên phải chịu thiệt một chút. Với các đương sự trong vụ án này thì một vài trăm tỷ với họ không phải là lớn, không làm thay đổi địa vị xã hội cũng như vị thế kinh tế của họ. Nếu cứ ăn thua với nhau, chi ly với nhau thì rất khó thỏa thuận, vụ án sẽ kéo dài, tốn kém, tổn thương và gây hệ lụy cho nhiều người”, luật sư Cường nói.
Luật sư Cường cho biết thêm: Các chế định của luật Dân sự và luật Hôn nhân và gia đình cho phép vợ chồng tự do quản lý, sử dụng, khai thác lợi ích về tài sản của mình trong thời kỳ hôn nhân. Thậm chí pháp luật còn cho phép vợ chồng có thể phân chia tài sản (tự phân chia hoặc yêu cầu tòa án phân chia) trong thời kỳ hôn nhân để sử dụng vào mục đích hợp pháp, chính đáng của mình. Như vậy, có thể cho thấy pháp luật quy định rất mở trong việc quản lý, sử dụng cũng như phân chia, định đoạt tài sản chung vợ chồng.
Về nguyên tắc thì những tài sản được pháp luật cho phép xác lập quyền sở hữu, công nhận quyền sở hữu cho công dân thì công dân đều có quyền định đoạt, với tài sản chung theo phần có thể phân chia (như tài sản vợ chồng) thì pháp luật cho phép chủ sở hữu tài sản được phép phân chia theo phần của từng người.
Chỉ có một số loại tài sản chung của cộng đồng, chung của tổ chức tôn giáo thì mới là tài sản chung hợp nhất không thể phân chia. Còn tài sản chung vợ chồng thì pháp luật quy định là tài sản chung theo phần có thể phân chia (Điều 213 Bộ luật Dân sự 2015). Pháp luật quy định nếu phân chia tài sản chung vợ chồng khiến một bên không có chỗ ở thì có quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng. Còn đối với tài sản là công nghệ, bí quyết kinh doanh… thì khi phân chia phải đảm bảo sao cho tài sản được duy trì và khai thác, sử dụng tốt nhất, mang lại những giá trị cho xã hội.
Như vậy, để giải quyết nhanh chóng việc phân chia tài sản khi ly hôn cũng như để giảm thiểu những chi phí không cần thiết, thay vì để tòa án giải quyết chia tài sản thì vợ chồng nên tự thỏa thuận trước việc chia tài sản.
Cộng thêm việc giải thích rõ ràng thế nào là tài sản chung, tài sản riêng; tài sản nào chia được, tài sản nào không chia được; Từ đó, để việc chia tài sản trong hôn nhân được rõ ràng, công bằng, không ảnh hưởng tới quyền lợi của các bên thì trước và trong hôn nhân, vợ chồng cũng nên phân định rõ tài sản nào là tài sản riêng, tài sản nào là tài sản riêng vợ chồng.