Mới đây, Thanh tra Chính phủ vừa hoàn tất báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2019 trình Chính phủ để gửi tới kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Một trong những nội dung đáng chú ý theo báo cáo là việc thực hiện quy định về tặng quà, nộp lại quà tặng tiếp tục được Chính phủ quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, nhất là trong dịp lễ, Tết.
Đã có 9 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị 4,172 tỷ đồng, trong đó, có 2 trường hợp nhận quà tặng không đúng quy định, đã xử lý kỷ luật cảnh cáo 5 người, khiển trách 1 người và sa thải 1 người vi phạm quy định.
Theo báo cáo, 2 trường hợp nhận quà không đúng quy định gồm: TP.HCM có 1 trường hợp với số tiền 150 triệu đồng và Cao Bằng có 1 trường hợp nhận tài sản là ô tô trị giá 3,72 tỷ đồng.
Trước thông tin này, không ít dư luận tỏ rõ sự bất ngờ, thậm chí bày tỏ sự hoài nghi về việc tặng quà, liệu có lợi ích gì ở phía sau?
Để có cái nhìn khách quan, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe ý kiến phân tích từ nguyên ĐBQH Trần Ngọc Vinh.
Thưa ông Trần Ngọc Vinh, Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2019 trình Chính phủ. Trong đó, có chỉ ra các trường hợp nộp lại quà tặng, đại biểu đánh giá như thế nào về thông tin, nội dung tại báo cáo này?
Thanh tra Chính phủ phát hiện ra những người nhận quà và yêu cầu trả lại, đây là việc làm tốt, đáng hoan nghênh. Có thể nói, việc biếu xén tặng quà trước đây chỉ xì xào, bàn tán trong dư luận, nhưng qua thông báo của Thanh tra Chính phủ thấy rằng việc tặng quà có thực, dư luận tin tưởng rằng cơ quan nhà nước sẽ làm tốt việc khai báo tài sản cũng như việc nhận quà của cán bộ, đảng viên có chức có quyền.
Có nhiều ý kiến cho rằng, không có lý do gì mà người tặng quà lại tặng một món quà lớn, có giá trị "khủng" cho cán bộ, lãnh đạo nào đó... Phải chăng, phía sau những món quà ấy, người tặng có ý đồ, mục đích nào đó?
Câu chuyện nhận quà, về văn bản giấy tờ Đảng và Chính phủ đã có quy định rõ ràng, quà như thế nào được nhận và quà thế nào phải báo cáo… Phải xác định, những doanh nghiệp tặng quà, đối tượng nhận quà là những ai?
Thứ nhất, phải thấy rằng đối tượng nhận quà là những người có chức, có quyền. Còn đối tượng biếu quà là người có những việc cần giải quyết nhờ vả người nhận quà, người tặng quà phải có lợi gì đó thì họ cũng mới tặng.
Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo, đồng thời đã có thu hồi quà tặng không đúng quy định. Thế nhưng, dư luận vẫn cảm thấy việc phát hiện, xử lý người tặng và người nhận quà vẫn còn khá ít. Ông nhìn nhận việc xử lý này như thế nào?
Tôi cho rằng, vấn đề về quà tặng, biếu xén cán bộ cần phải giải quyết dứt điểm, phải làm thường xuyên. Bởi, việc phát hiện nhận quà trái quy định như hiện nay chỉ là “tảng băng” rất nhỏ, việc này còn ẩn náu ở nhiều phương thức khác nhau.
Tôi hy vọng phải tiếp tục làm sâu hơn nữa và phải có quy định, chế tài giám sát việc này. Còn nếu chỉ làm phong trào thì không bao giờ triệt để được, chỉ khi minh bạch việc biếu, tặng quà và thông báo để dư luận, cử tri cả nước phát hiện thì mới có tác dụng. Đồng thời, phải bảo vệ những người phát hiện, dám nói ra sự thật, đây cũng là điều cần hết sức lưu tâm.
Xin cảm ơn ông!
Được biết, liên quan đến việc nộp lại quà tặng, Chính phủ đã rà soát, ban hành quy định mới về tặng quà, nhận quà, nộp lại quà tặng; quy định người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân dưới mọi hình thức nếu liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
Trường hợp không từ chối được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo đúng quy định. Người vi phạm quy định về nhận, tặng quà thì bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.