Vụ việc nước sinh hoạt của công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà cung cấp cho người dân Hà Nội bị nhiễm bẩn, hiện vẫn đang khiến dư luận quan tâm. Nhiều người bày tỏ quan điểm lo lắng về an ninh nguồn nước đang có “vấn đề”. Theo họ, đáng lẽ ra, an ninh nguồn nước phải được đặt ở vị trí quan tâm hàng đầu, mọi người đều phải có ý thức, trách nhiệm bảo vệ nguồn nước sinh hoạt.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
Thưa Đại biểu, qua vụ việc nước sạch Sông Đà nhiễm bẩn, nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội cần chuẩn bị kỹ các tình huống về an ninh nguồn nước, tránh để bị động, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Bà nghĩ sao về vấn đề này?
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh: Tôi cho rằng, không chỉ riêng Hà Nội mà đây là vấn đề Chính phủ phải chỉ đạo và bộ TN&MT, bộ Công an… phải đưa ra các tình huống để hướng dẫn trên toàn quốc. Riêng Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội thì càng phải chú trọng sự an toàn tuyệt đối.
Dư luận băn khoăn cho rằng, đáng lẽ ngay từ khi thiết kế lấy nguồn nước đầu vào để cung cấp cho người dân sử dụng thì doanh nghiệp phải tính toán, lập phương án dự phòng. Vậy nhưng, trong vụ “nước sạch Sông Đà nhiễm bẩn” doanh nghiệp lại gần như chỉ “phụ thuộc” vào 1 nguồn nước. Quan điểm của Đại biểu như thế nào?
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh: Vấn đề này trong luật Bảo vệ môi trường đã có quy định. Tức là, đối với các dòng sông liên tỉnh thì Chính phủ quy định về vấn đề quy hoạch hành lang bảo vệ nguồn nước. Tuy nhiên, trên thực tế triển khai vẫn còn bất cập.
Vụ việc nước sạch nhiễm bẩn lần này là dấu hiệu cảnh báo về hành lang an toàn nguồn nước!
Luật đã có quy định rồi, vấn đề là chấp hành như thế nào? Tôi nghĩ rằng, Chính phủ cần quy định cụ thể, rồi sau đó tập huấn cho địa phương.
Cấp ủy, chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt. Từ đó tuyên truyền cho mỗi người dân trên địa bàn cũng có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, thực hiện nghiêm túc các quy định.
Các doanh nghiệp cũng phải được tuyên truyền về những nguồn thải. Tất cả các nguồn thải nói chung phải được xử lý trước khi đổ ra môi trường, chứ chưa nói đến là chất thải độc hại.
Nếu doanh nghiệp nào vi phạm phải xử lý, khắc phục ngay, còn nếu vẫn cố tình vi phạm thì có thể đóng cửa. Theo Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì có thể xử lý hình sự đối với cả pháp nhân vi phạm.
Vậy, đối với các cơ quan quản lý chưa làm hết trách nhiệm của mình để bảo vệ hành lang an toàn nguồn nước thì cần phải xử lý ra sao, thưa bà?
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh: Các đơn vị chức năng cần phải làm tốt nhiệm vụ được giao. Phải ngăn chặn, kiểm soát được những hành vi đổ trộm phế thải ra môi trường như trường hợp đổ trộm dầu thải vừa mới xảy ra tại Hòa Bình, khiến người dân Hà Nội phải dùng nước nhiễm bẩn.
Xã hội cũng cần lên án những hành vi này, xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm để mang tính răn đe, giáo dục chung.
Đối với các cơ quan chức năng, nếu có dấu hiệu buông lỏng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cũng phải được xử lý nghiêm khắc, không có vùng cấm. Thậm chí, khi có đủ căn cứ xác định đến mức phải xử lý hình sự thì cũng phải xử lý hình sự. Bởi vì, nước sinh hoạt ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân, không thể có chuyện xem thường chất lượng nguồn nước.
Theo Đại biểu, ngoài ý thức gắn với trách nhiệm của con người thì cần phải có giải pháp khoa học nào để đảm bảo an ninh nguồn nước?
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh: Theo kinh nghiệm xử lý nước sinh hoạt thì cần phải kiểm tra, phân tích nguồn nước bằng hệ thống quan trắc tự động, thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm hàng ngày. Nếu nguồn nước có vấn đề thì hệ thống sẽ báo ngay.
Song song với đó, phía cơ quan quản lý Nhà nước vẫn thực hiện việc kiểm tra nguồn nước theo chức năng nhiệm vụ được giao để đảm bảo chất lượng nguồn nước là đạt tiêu chuẩn, không có sai sót xảy ra.
Trân trọng cảm ơn Đại biểu!