Có nhiều góc nhìn để đánh giá về bộ phim Vợ Ba.
Từ góc nhìn pháp luật, có quan điểm cho rằng đoàn làm phim vi phạm pháp luật về lao động và trẻ em, cụ thể là các quy định sau đây: "Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động chưa thành niên vào những công việc phù hợp với sức khoẻ để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách." (Khoản 1, Điều 162, Bộ luật Lao động 2012); "Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục." (Điều 25, Luật Trẻ em 2018); "Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị [...] bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em." (Điều 26, Luật Trẻ em 2018).
Từ góc nhìn đạo đức, có các ý kiến thì cho rằng việc diễn viên là một bé gái 13 tuổi vào vai chính với một số cảnh nóng, có thể ảnh hưởng đến tâm lý của em.
Rồi từ góc nhìn nghệ thuật, người khen kẻ chê. Tuy rằng, phim đã giành được nhiều giải thưởng quốc tế.
Phía đoàn làm phim thì khẳng định đã bảo vệ diễn viên 13 tuổi theo đúng luật Việt Nam và quốc tế, cùng các tiêu chuẩn đạo đức khi làm phim, như đã sử dụng thiết bị bảo hộ không để lộ thân thể diễn viên và lúc ghi hình, diễn viên Trà My được mẹ theo sát trên trường quay…
Việc đơn vị sản xuất bộ phim Vợ Ba chiếu rạp vừa bị Thanh tra Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xử phạt hành chính, là vì có nội dung được phía đơn vị sản xuất thêm vào, và sai so với bản đã được Cục Điện ảnh thẩm định, cấp phép và lưu chiểu.
Nghe ý kiến các chiều, tôi thấy dưới góc nhìn pháp luật, thì không dễ để áp vào chuyện làm phim, ngay cả với những luật sư, vì những hành vi trong khi làm phim rất khó để định lượng.
Mà phim ảnh thì còn là một môn nghệ thuật.
Cần tôn trọng quyết định của cơ quan thẩm định phim.
Một trong các vấn đề lớn nhất của chúng ta là sự can thiệp thái quá.
Bố mẹ can thiệp vào mọi mặt cuộc sống của con cái, sẽ có nguy cơ con cái khi lớn lên thì dựa dẫm, mờ nhạt, vô dụng. Phụ huynh can thiệp thái quá vào công việc của thầy cô, sẽ gây cho thầy cô không còn cảm hứng giáo dục, chỉ còn lại những sự thỏa hiệp manh mún. Sếp chỉ đạo mọi khía cạnh của nhân viên, sẽ làm nhân viên thói quen tổ chức thụ động, vô cảm.
Tính dân chủ hoang dã kiểu làng xã sẽ bóp chết sự sáng tạo, trong một thế giới cần sáng tạo.
Sự văn minh và phát triển bắt đầu từ mối quan hệ tôn trọng không gian tự do của các chủ thể, và tôn trọng sự độc lập của các chủ thể quản lý được ủy quyền.
Việc đánh giá một bộ phim nếu có những biểu hiện vi phạm những lằn ranh đạo đức trong nỗ lực sáng tạo và thực hiện bộ phim hay không, thì cần tôn trọng vai trò của hội đồng nghệ thuật hoặc một ủy ban đạo đức nghệ thuật – là các chủ thể quản lý được ủy quyền để kết luận thực chất vấn đề.
Mối quan hệ hai mặt này cần sự nhịp nhàng như phanh và ga trên xe ô tô, ưu tiên ga cho chuyển động. Nếu không thì cứ toàn đạp phanh, hay vừa ga vừa phanh, thì rất tốn xăng, mà không có sự phát triển hay hiệu quả nào.
Việc mỗi người thoải mái tự đặt mình vào ghế người phán xử, tự tin phán xét bằng thiên kiến cá nhân, sẽ tạo ra áp lực rất lớn lên sự đổi mới và phát triển, trong khi các cơ chế ủy quyền quản lý chưa hình thành hay không được tôn trọng, sẽ tạo ra một môi trường hỗn loạn, như cỗ xe rú ga đinh tai, khói mù mịt, phanh khét đường, xăng tốn mà vô ích.
Nói như Lão Tử thì quản lý xã hội như nấu con cá nhỏ, động đũa vài lần thì con cá không còn hình hài. Cái gì cũng ồn ào ý kiến tham gia vô tổ chức thì cấm hết, cấm tiệt cho xong.
Cứ nhiệt tình đầy “trách nhiệm” theo cách kìm hãm như vậy, bảo sao nước ta mãi không phát triển mạnh mẽ được, dù người Việt chúng ta đều rất thông minh.
Xét cho cùng thì chúng ta đang rất tự do trong môi trường thiếu cơ chế đến đáng sợ, còn các cá nhân đều nhiệt tình và giỏi cả nhưng thiếu khả năng tự kiểm soát.
Đánh giá về một tác phẩm nghệ thuật, dư luận ở ta sẽ luôn hỗn loạn.
Đậu Lân