Hàng loạt câu chuyện liên quan đến các nhà sư thời gian gần đây khiến dư luận bất bình, lên án về lối hành xử ngược với giáo lý nhà phật.
Mới nhất là câu chuyện nhà sư Thích Minh Phượng, Trụ trì chùa Chàng Sơn (Thạch Thất) tự ý ném bức tượng cổ xuống sông rồi tự ý mang một bức tượng đúc bằng đồng khuôn mặt của mình về thờ cúng tại chùa. Ngoài ra, một số người dân địa phương còn “tố” ông lộng quyền, sống buông thả, thậm chí đánh dân…. Những điều tiếng về nhà sư này khiến dư luận rất phẫn nộ. Trên các diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng: “sư như thế không đáng được ở trong chùa” hay “không sư thì còn chùa, có sư thì mất”.
Việc sư trụ trì Bồ Đề Cổ Tự (xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, Vĩnh Long) mua đất xây biệt thự trị giá cả chục tỉ đồng để ở sát cạnh chùa khiến người dân địa phương bất bình với lối sống “xa xỉ”, ngược với giáo lý nhà phật. Nghi án sư thầy trụ trì chùa Sải (quận Tây Hồ, Hà Nội) đánh sãi ở chùa cũng khiến dư luận đặt nghi vấn về đạo đức của nhà sư này. Mặc dù trước công luận nhà sư này một mực khẳng định chuyện đó là bịa đặt nhưng nhiều ý kiến cho rằng “không có lửa làm gì có khói”.
Trụ trì chùa Chàng Sơn (Thạch Thất) và bức tượng được cho là tạc khuôn mặt ông được thờ trong chùa thay tượng cổ
Ngoài những sự vụ trên, nhiều scandal của các nhà tu hành trước đó như: “nhà phong thủy” tên Huệ Phong với bức ảnh “thiền bên người đẹp nude”, nhà sư khóa môi với ca sĩ giữa sân khấu đông người….cũng khiến dư luận “phát sốt” và lo ngại với cách hành xử “phóng khoáng” của sư ngày nay.
Một sư trụ trì ở Quảng Nam cho biết, quy trình bổ nhiệm trụ trì chùa rất chặt chẽ, thậm chí chặt hơn việc tuyển và bổ nhiệm cán bộ công chức ở địa phương. Tất cả các hồ sơ bổ nhiệm sư trụ trì sau khi qua sơ duyệt các cấp chính quyền ở xã, huyện đều phải chuyển gia sở nội vụ rồi mới chuyển về giáo hội phật giáo tỉnh duyệt, quyết định bổ nhiệm. Cụ thể, theo Nội Quy Ban Tăng Sự Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam, việc bổ nhiệm sư Trụ trì chùa phải đạt các tiêu chuẩn: có trình độ Tốt nghiệp Trung cấp Phật học; tốt nghiệp Phổ thông Trung học trở lên. Về mặt đạo, đã thọ giới Tỳ kheo (sư thầy) ít nhất là 5 năm trở lên, có tăng phong phẩm hạnh và đơn phát nguyện trụ trì.
Trao đổi với phóng viên, nhà nghiên cứu văn hóa - giáo sư Trần Lâm Biền cho rằng, những sư coi chùa như nhà của mình, thích làm gì thì làm thể hiện sự thiếu trí tuệ, thiếu văn hóa, nhầm lẫn quyền chủ nhân ngôi chùa, tự cho mình quyền thay đổi, quyền đứng ra ngoài pháp luật.
“Thay đổi tượng thờ hay kiến trúc ngôi chùa là thay đổi bộ mặt truyền thống, là hành động chống lại quá khứ để mưu đồ các nhân. Trong khi đó, quá khứ cự kỳ quan trọng vì những người muốn bước vào tương lai một cách chắc chắn phải nhìn quá khứ”, ông Biền nói.
Cũng theo ông Biền, sư là thầy, người thầy đi theo đạo phật. Tu là tu luyện, những người đi tu phải hiểu được giáo lý nhà Phật, mang giáo lý đó ra để giáo hóa chúng sinh. Vì thế, những nhà sư hành xử ngược với giáo lý nhà Phật cần phải xử lý nghiêm khắc. Đồng thời, để tránh các sự việc trên thành một hiện tượng, không chỉ học kinh, giáo lý nhà phật, các nhà tu hành phải được giáo dục pháp luật, nhất là luật si sản.
“Bất kỳ một di sản văn hóa nào được người xưa để lại được chứng nhận di sản của địa phương, trung ương đều là của người dân, quyền quản lý thuộc về chính quyền địa phương. Ông phó chủ tịch phụ trách mảng văn hóa giao trách nhiệm cho người phụ trách di tích ở địa phương, không nên khoán trắng cho các nhà sư. Vì thế, trách nhiệm để cho họ hư hỏng là ở ông phó chủ tịch xã vì không giáo dục, hướng dẫn cho họ thực hiện đúng quy định pháp luật”, ông Biền nói.
Một nhà văn hóa khác cũng cho rằng, những người thoát tục vào sống nơi cửa Phật thì phải tu hành khổ hạnh chứ nếu vào chùa để “ăn sung mặc sướng” thì là tu giả.
H.Minh