Từ vụ tai nạn 6 người tử vong ở Sơn La

Từ vụ tai nạn 6 người tử vong ở Sơn La

Văn Công Hùng

Văn Công Hùng

Thứ 2, 24/02/2025 07:00

Ai đó đã nói, ở nước ta, mỗi lần ra đường là như ra... trận. Cũng có thống kê, mỗi ngày nước ta có khoảng một trung đội ra đường không trở về, tức tử vong.

Và mới nhất, hôm kia, một vụ tai nạn rất lớn, rất thương tâm đã xảy ra, làm 6 người chết, nhiều người bị thương. Ấy là vụ xảy ra ở Sơn La, xe khách chạy qua cua, đường trơn do mưa, văng đuôi vào xe đầu kéo, và trong 6 người chết thì có tài xế xe đầu kéo, một trường hợp khá hi hữu vì xe đầu kéo nặng hơn, chắc chắn hơn, và ca bin xe đầu kéo cao hơn đuôi xe khách, chứng tỏ cú va cực mạnh.

Nói cho công bằng, càng ngày xe khách của chúng ta càng hiện đại, và đường thì tốt. Đa phần dân ta bây giờ chọn phương tiện xe khách di chuyển đường dài, chủ yếu chạy ban đêm, để sáng tới nơi cần đến làm việc được ngay. Có những hãng xe rất lớn, rất nổi tiếng, rất chuyên nghiệp, được mệnh danh là "hàng không mặt đất", hoặc "cung điện di động"...

Xe giường nằm giờ đã... lỗi thời, mà hiện phải là buồng nằm. Lên xe kéo rèm kín mít, hết sức tôn trọng sự riêng tư. Trong cái hộp ấy có đèn đọc sách, có màn hình xem phim, có ổ cắm sạc và nghe nhạc. Tất nhiên có chăn, gối để ngủ ngon. Và không chỉ thế, giờ còn có xe buồng đôi, nằm một mình rất thoải mái. 

Lần đi Hà Giang năm ngoái, khi từ Hà Nội lên chúng tôi thuê xe 7 chỗ, khi về đi xe buồng nằm, mua buồng đôi nhưng nằm một mình, thì thấy xe buồng nằm tiện hơn hẳn. 22 giờ lên xe, ngủ một giấc, sáng đến Hà Nội.

Từ Sài Gòn về các tỉnh miền Tây bây giờ có tới mấy hãng xe xịn, trong đó 2 hãng nổi tiếng là Phương Trang và Thành Bưởi luôn đông khách, với phong cách phục vụ hết sức chuyên nghiệp, đúng giờ tới từng chục phút.

Tôi hay lái xe khi di chuyển đường dài, nhưng gần đây, khi đi từ Pleiku cũng hay chọn hãng xe Thuận Tiến, một hãng cũng luôn thay xe mới, luôn cải tiến cách phục vụ.

Từ Vinh ra Hà Nội thì có hãng Văn Minh, cũng rất... văn minh.

Và tất nhiên, trên cả nước có hàng trăm hãng xe xịn, hiện đại và chuyên nghiệp như thế. Xe rất mới, và thường xuyên được bổ sung.

Nhớ ngày xưa xe chạy xuyên Việt, ghế 3 người nhồi tới 5 người, ghế rách, ghế "trơ xương", ngồi bó gối nửa mông mấy ngày trên xe, chuyện ăn cơm khỉ là bình thường, và khách đi xe, để... đỡ buồn thì liên tục đốt thuốc. 

Lơ (phụ) xe thì đứng ở cửa một tay vịn thành cửa, một tay vẫy khách hoặc xi nhan xe, hoặc hét thay còi... thì bây giờ đúng là một trời một vực, có thể so sánh thiên đường và địa ngục.

Xe và lái xe những hãng lớn đều có chế tài để kiểm soát, từ chuyện thời gian lái tới trạm dừng nghỉ, từ việc tài lái có người ngồi cạnh nhắc đường tới yêu cầu khách bảo đảm an toàn trật tự trên xe...

Nhưng của đáng tội, bây giờ, nếu xe khách tai nạn thì thường là gây thiệt hại rất lớn.

Một là nhiều người nói việc xe chỉ có một cửa lên xuống, có sự cố lục tục xuống cho hết mấy chục khách cũng là cả vấn đề. Xe xịn, kính liền, đều có búa phá kính, nhưng lúc gặp sự, may chỉ có người nhà xe biết nó để ở đâu và cách gõ để phá kính chui ra, còn khách lúc ấy, biết gì mà phá.

Và hai, đa phần khách không thắt dây an toàn, nhất là khách tầng 2, và nhà xe chưa có chế tài với họ, như khi đi máy bay bắt buộc phải thắt dây an toàn khi cất và hạ cánh, như khi đi tàu thủy buộc phải mặc áo phao suốt hành trình.

Theo các chuyên gia, khi xảy ra tai nạn, người không đeo dây an toàn thường là bị tai nạn nặng, bởi theo quán tính sẽ bị văng rất xa, nếu không văng xuống đường thì cũng đập vào trần, vào thành xe và kính chắn gió, gây những thương tích nặng như cột sống lưng và cổ, gãy tứ chi vân vân...

Nhưng, lại phải nhưng lần nữa. Tôi là người có nguyên tắc là luôn luôn thắt dây an toàn khi lên xe, cả khi lái hoặc ngồi bên phụ. Và té ra, khi ngồi thì thắt dây an toàn rất thoải mái, xe càng mới dây an toàn càng mềm và nhẹ, gần như không ảnh hưởng gì tới người sử dụng. Nhưng khi nằm suốt đêm thì khác. Rất khó chịu khi phải cử động xoay trở. Và đây chính là nguyên nhân nhiều người đi xe giường nằm ít đeo dây an toàn.

Tất nhiên, cũng do nhà xe không cương quyết nữa. Vả cũng khó. Máy bay chẳng hạn, ngồi tăm tắp thế, tiếp viên đi đi lại lại thường xuyên, ai chưa đeo là bị nhắc. Tàu thủy cũng thế, trừ các tàu khách cực lớn có buồng riêng và thường thì khi di chuyển không phải đeo, còn lại là đều phải đeo khi chạy cự ly ngắn, và có sự kiểm soát của nhà tàu. 

Còn với xe khách chất lượng cao, có giường hoặc buồng nằm, xe chạy là không bị kiểm soát, kéo rèm lại là thế giới của mình. Và quả là, trước khi xe xuất bến, loa của nhà xe cũng không nhắc, hoặc nhắc cũng rất qua loa...

Từ vụ tai nạn 6 người tử vong ở Sơn La- Ảnh 1.

Công an tỉnh Sơn La đã ra lệnh giữ người, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với lái xe ô tô khách gây tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên tuyến QL6 thuộc địa phận xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu.

Tôi quen anh Trương Nhất Vương, là một thầy giáo dạy lái xe ở Buôn Ma Thuột, cũng hay viết báo, thi thoảng hay trao đổi với tôi về kinh nghiệm lái xe, nói về việc đeo dây an toàn như thế này: "Tất cả các xe đều có trang bị dây an toàn cho giường tầng trên nhưng phần lớn đều được giấu dưới nệm, nên nhiều khách có ý thức muốn thắt dây an toàn thì cũng không tìm thấy. Vì thế khi xe phanh gấp, hoặc xảy ra tai nạn lật xe, những hành khách nằm giường trên văng ra và rơi tự do, va đập dẫn đến hậu quả chết người là điều có thể thấy trước".

Ấy là nói khi đã lỡ xảy ra tai nạn, còn trước đó, khá nhiều lái xe chủ quan, chạy ẩu, chạy lấy được, đặc biệt là những nơi có nhiều đường đèo dốc như Việt Bắc, Tây Bắc và Tây Nguyên. Các hãng lớn mỗi xe có vài ba tài đổi nhau, hãng nhỏ, thậm chí là xe gia đình tự sắm được một xe đăng ký chở khách, thì đa phần một tài một phụ, rất nguy hiểm. Nên nay quy định số giờ tài xế được phép chạy trong ngày là rất cần thiết. Mùa tết chẳng hạn, xe quay đầu vù vù, một đầu rỗng, một đầu đầy khách, tài xế chạy liên tục, nếu không có chế tài chặt chẽ, rất dễ vừa chạy vừa... ngủ gật.

Chưa kể, một số tài xế hãng nhỏ còn phải vừa chạy xe vừa gọi điện thoại (hãng lớn có nhân viên chuyên làm việc này và chỉ đón khách ở bến, không đón dọc đường nên tài xế không phải gọi, nhưng xe trung chuyển thì còn). Khách giờ đăng ký toàn bằng điện thoại, và tài xế phải gọi hỏi khách đón ở đâu, mấy giờ đón... Đi xe gặp mấy ông tài này thì tóc tai cứ... dựng đứng lên. Thi thoảng có hành khách quay được clip tài xế còn vừa chạy vừa... xem ticktok.

Còn nhiều nguyên nhân nữa, có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Như vụ tai nạn ở Sơn La vừa rồi, tài xế âm tính với nồng độ cồn và ma túy, và bước đầu kết luận, tài xế không làm chủ tốc độ khi vào cua và đường thì trơn do trời mưa.

* Bài viết thể hiện quan điểm tác giả!

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.