Cùng với đó, câu chuyện của một nữ nhân viên gác chắn tàu, kể về tình huống đã kéo thanh chắn barie nhưng vẫn bị người tham gia giao thông mắng chửi vô cớ, thậm chí còn bị doạ đánh nếu không mở thanh chắn cho đi. Không ít người bày tỏ sự ngao ngán về ý thức chấp hành hiệu lệnh của một bộ phận người dân tham gia giao thông.
Xoay quanh câu chuyện về ý thức, văn hoá của người dân khi tham gia giao thông, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi nhanh với Tiến sĩ Xã hội học Thân Trung Dũng- Giám đốc trung tâm Đào tạo và Tư vấn Phát triển Tri thức (ITCD)
PV: Thưa TS. Thân Trung Dũng, có thể nói thời gian qua câu chuyện về ý thức của người tham gia giao thông đã được phương tiện truyền thông nhắc đến rất nhiều. Vậy, anh đánh giá như thế nào về văn hóa tham gia giao thông của người dân hiện nay?
TS. Thân Trung Dũng: Để đánh giá về văn hóa giao thông trước hết cần hiểu thế nào là văn hóa giao thông. Theo tôi, văn hoá giao thông hiểu theo nghĩa hẹp chính là hành vi ứng xử có văn hoá của con người khi tham gia giao thông. Đó chính là sự hiểu biết về luật giao thông, sự tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng xã hội, biết nhường nhịn và giúp đỡ người khác, có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự khi xảy ra va chạm khi tham gia giao thông.
Có thể thấy, văn hoá giao thông ở Việt Nam hiện nay rất đáng báo động và đang là vấn đề xã hội nổi cộm, nan giải, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Quan sát đường phố Việt Nam, nhất là ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... chúng ta rất dễ nhận ra những hành vi thiếu ý thức, kém văn hoá khi tham gia giao thông của người dân như: Không thắt dây an toàn khi đi xe ôtô, dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe không đúng quy định, phóng nhanh, vượt ẩu, đi vào đường ngược chiều, uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện cơ giới, không có tín hiệu xin đường khi chuyển làn chuyển hướng, không đi đúng phần đường của loại phương tiện điều khiển, đi xe quá tốc độ cho phép, vượt đèn đỏ, lạng lách, không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm mang tính chất đối phó, kẹp ba, kẹp bốn...
Hay vừa điều khiển phương tiện giao thông vừa nghe điện thoại, nghe nhạc, rú còi inh ỏi, không nhường nhịn nhau khi tham gia giao thông, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, vượt qua đường sắt khi tàu sắp tới,...
Đặc biệt nghiêm trọng là nạn rải đinh trên đường, nạn trộm cắp nguyên vật liệu của cơ sở hạ tầng giao thông như nắp hố ga, dây cáp đèn đường... Những hiện tượng trên cho thấy văn hóa giao thông ở Việt Nam hiện nay đang là vấn đề rất đáng báo động và có ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý - xã hội, thậm chí tính mạng của người dân tham gia giao thông.
PV: Bản thân anh khi tham gia giao thông đã từng bắt gặp tình huống người tham gia giao thông, đặc biệt ở những nơi đường bộ giao nhau đường sắt, có thanh chắn tàu barie người tham gia giao thông không chấp hành hiệu lệnh?
TS. Thân Trung Dũng: Không khó để có thể chứng kiến nhiều cảnh vi phạm luật giao thông diễn ra ở Việt Nam. Vượt qua hàng rào ngăn cắt của đường cao tốc hai làn như trong phim chưởng. Có đèn báo, còi báo tàu sắp đến nhưng vẫn cố điều khiển xe mô tô, ô tô vượt qua nếu chưa có barie chắn, hiện tượng không nhường nhịn chen chúc dẫn đến đánh cãi chửi nhau, thậm chí chỉ vì những va chạm nhẹ khi tham gia giao thông mà dẫn đến những vụ án mạng kinh hoàng… Có rất nhiều hành vi giao thông nguy hiểm cho chính bản thân người tham gia giao thông và cộng đồng diễn ra như “chuyện thường ngày ở huyện”.
PV: Vậy từ những phân tích trên, anh có những lời khuyên nào đến những người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông?
TS Thân Trung Dũng: Lời khuyên với những người tham gia giao thông là hãy luôn nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật, chấp hành tốt luật lệ giao thông, có thái độ và hành vi ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông để bảo đảm sự an toàn thậm chí bảo vệ cả tính mạng cho chính mình và cộng đồng xã hội.
Để xây dựng văn hóa giao thông cần:
Một là, cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho người tham gia giao thông không chỉ về luật giao thông, tinh thần thượng tôn luật pháp mà quan trọng hơn nữa là ý thức, trách nhiệm của họ với chính bản thân và người dân cộng đồng khi tham gia giao thông để tránh những tai nạn hoặc những hành vi nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng. Để nâng cao ý thức người dân thì công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức văn hoá giao thông cần phải được mở rộng, thực hiện một cách đồng bộ từ cơ quan nhà nước, các đơn vị, doanh nghiệp đến các khu dân cư, tổ dân phố, mỗi gia đình, nhà trường và từng thành viên trong xã hội. Cần hình thành chương trình giảng dạy chính khoá trong các cấp học của nhà trường, trở thành tiêu chí để xã hội nhìn nhận, đánh giá về cá nhân, tập thể.
Hai là, cải tạo, mở rộng và xây dựng mới cơ sở hạ tầng giao thông có tầm nhìn theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh việc nâng cấp, sửa chữa hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông cũ nát, xuống cấp thì phải nhanh chóng mở rộng, xây dựng mới các trục đường chính, hoàn thành các tuyến vành đai, cải tạo các nút giao thông và làm cầu vượt tại các nút giao thông trọng yếu, mở các tuyến cửa ngõ ra vào thành phố; nâng cấp và mở thêm đường ở các khu vực có tỷ lệ đất dành cho đường sá còn quá thấp.
Ba là, cần tăng cường công tác kiểm tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm người vi phạm trật tự ATGT. Việc chấn chỉnh vi phạm bắt đầu từ các hành vi là nguyên nhân dẫn đến TNGT như phóng nhanh, vượt ẩu, chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định... Đổi mới các biện pháp trong việc bảo đảm trật tự ATGT, nhất là công tác tuần tra kiểm soát, giám sát vi phạm về trật tự ATGT bằng các công nghệ hiện đại và thông minh như camera, hộp đen giám sát hành trình phương tiện đường dài, xây dựng thêm các trạm dừng chân phù hợp, có nơi kiểm tra phương tiện, nhà nghỉ cho lái xe... Thu tiền phạt tự động qua thẻ, tài khoản ngân hàng...Bổ sung các biện pháp chế tài mạnh mẽ, nghiệm khắc đối với các hành vi vi phạm về trật tự ATGT mang tính nghiêm trọng như: Thu hồi vĩnh viễn giấy phép lái xe, tạm giữ phương tiện, truy tố trước pháp luật, xét xử công khai nơi công cộng để răn đe, giáo dục các đối tượng khác...
Bốn là, tích cực và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực, thoái hoá của một bộ phận công chức, viên chức tham gia điều hành, quản lý hệ thống giao thông, xây dựng các công trình giao thông để tạo ra môi trường văn hoá giao thông trong sạch, an toàn.
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
Xem thêm: Nỗi niềm của những người làm công việc gác chắn tàu