Thời gian gần đây, thông tin về việc thầy giáo dâm ô 13 học sinh ở Bắc Giang khiến dư luận “dậy sóng”. Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện việc giáo viên dâm ô học sinh, trước đó cũng có nhiều vụ việc tương tự xảy ra. Thế nhưng, khi rơi vào tình huống này hoặc biết chuyện thì dường như phụ huynh và học sinh đều lúng túng. Thậm chí, có phụ huynh cũng không thể phân biệt được con mình có bị xâm hại tình dục từ kẻ xấu hay không.
Để hiểu rõ hơn về điều này, thầy Lương Dũng Nhân, Phó Giám đốc đào tạo huấn luyện trung tâm đào tạo tài năng trẻ châu Á Thái Bình Dương A.T.Y. cho rằng những vấn đề xảy đến với trẻ con, học sinh hiện nay hầu hết đều xuất phát từ việc các bạn nhỏ thiếu sót về kỹ năng, như việc bị xâm hại này là thiếu sót về khả năng tự bảo vệ bản thân.
Trên thực tế, mỗi cha mẹ đều là bậc thầy về dạy kỹ năng cho đứa con của mình, chỉ cần các cha mẹ bỏ thêm một chút kỳ công là có thể hoàn thiện về khía cạnh này cho con.
Từ ý kiến đó, thầy Lương Dũng Nhân cũng chỉ ra một số cách để học sinh, phụ huynh học sinh có thể phân biệt được đâu là hành vi mình, con em mình bị xâm hại cơ thể.
Những thói quen tự bảo vệ mình cha mẹ nên dạy cho con
Theo thầy Lương Dũng Nhân, với các trẻ nhỏ, những nguyên tắc càng đơn giản, dễ nhớ và dễ thực hành sẽ càng hiệu quả.
“Cần dạy cho con biết “Cơ thể của con là của con”, và bất kỳ điều gì người khác làm con khó chịu thì con phải từ chối và phản ứng. Đặc biệt là phải lưu ý “nguyên tắc đồ bơi” – những vùng con mặc đồ bơi thì không ai được chạm vào ngoại trừ có sự cho phép của con, hoặc của cha mẹ khi con còn nhỏ. Các nghiên cứu cũng chứng minh rằng, khi ba mẹ chịu khó dạy cho con việc vệ sinh thân thể kỹ lưỡng, nhất là những vùng kín một cách thường xuyên thì việc các con ý thức về cơ thể và bảo vệ chính mình cũng tốt hơn rất nhiều.
Cần dạy cho con biết cách từ chối và những tình huống nên từ chối, ví dụ từ chối nhận quà, tiền… của người lạ, từ chối đi theo họ vào những nơi quá kín đáo và không có người khác”, thầy Nhân cho hay.
Cũng theo thầy Nhân nên có quy ước giữa cha mẹ và con cái, đây là cách để giúp con ý thức hơn về tình hình diễn ra với mình: “Tôi lấy ví dụ với người thân quen và có mặt cha mẹ, người đó có thể ôm con nhưng không quá lâu, nếu không có mặt cha mẹ thì không được; Nếu đi bác sĩ và khám cho con ở vùng kín có mặt cha mẹ thì được… còn với người lạ và không có mặt cha mẹ thì cảnh giác tối đa…”.
Theo thầy Nhân, điều lưu ý cho trẻ là câu thần chú quan trọng “Con sẽ kể với cha/mẹ con”: “Nếu trẻ áp dụng tốt câu này chắc chắn sẽ làm nhiều kẻ xấu phải chùn bước ngay từ giai đoạn đầu. Lấy ví dụ như khi nhận một món quà từ người thân quen, bé nói “Con cảm ơn, con sẽ kể cho mẹ con ạ!” thì người đó nếu có ý đồ xấu sẽ cảm thấy lo lắng, còn ý đồ tốt thì chuyện đó rất bình thường. Và tất nhiên, bé phải thực hiện thần chú này, tức là thực sự kể lại cho cha mẹ những chuyện như vậy, khi đó cha mẹ sẽ dễ dàng nhận ra từ những mẩu chuyện đó ai là người có ý đồ khác lạ với con mình và trao đổi, tìm hiểu ngay”.
Theo thầy Nhân, trẻ con cũng cần được tham gia trải nghiệm nhiều hơn, từ các hoạt động đoàn – đội, câu lạc bộ, thể thao, nghệ thuật… cho đến các chương trình rèn luyện kỹ năng, phát triển năng lực… Vì những điều này giúp xây dựng sự tự tin, tạo thói quen chủ động và nhận thức sâu sắc hơn về giá trị bản thân, giúp các em ứng xử với mọi tình huống xảy đến với mình tốt hơn nhiều.
Thói quen cha mẹ cần có
Cha mẹ vẫn là chỗ dựa tốt nhất của con, nên thói quen cần thiết nhất vẫn luôn là thói quen lắng nghe và khuyến khích sự chia sẻ từ con cái. Nhiều cha mẹ thường ít khi để ý tới những câu chuyện cỏn con hàng ngày của trẻ, nhưng đôi khi chính những thông tin nhỏ đó lại bộc lộ được những dấu hiệu khả nghi.
Vậy làm sao để tạo thói quen luôn chia sẻ và trò chuyện với ba mẹ từ con? Thầy Nhân bật mí: “Hãy tặng cho con mỗi tuần ít nhất “1 giờ không phê bình” – trong 1 giờ đó, con được thoải mái nói với cha mẹ tất cả những gì mà con đã phạm lỗi, làm sai, hay cảm thấy xấu hổ… mà không bị cha mẹ la mắng hay cằn nhằn, trừng phạt… Cả cha mẹ và con đều giữ cam kết đó một cách lâu dài, duy trì từ nhỏ cho đến lớn thì chắc chắn những khoảng cách giữa 2 bên sẽ được rút ngắn.
Có nhiều phương pháp và những nhận thức mới về cách dạy con, giúp con đối phó với những thay đổi nhanh chóng của thời đại hiện nay. Tôi thiết nghĩ, phụ huynh cũng nên tự cập nhật cho mình, ở các nước phát triển hay cả Singapore gần Việt Nam ta thì việc cha mẹ đi học các khóa dạy con ngày càng phổ biến, kể cả những cha mẹ có trình độ hay địa vị rất cao cũng vậy. Điều này sẽ giúp cha mẹ tránh những vấn đề phổ biến như sự áp đặt, kỳ vọng quá lớn, hay có những mâu thuẫn, khoảng cách thế hệ… với con”.