Chưa kịp giải quyết dứt điểm sự việc hiệu trưởng một trường dân tộc nội trú tại Phú Thọ bị khởi tố, tạm giam về hành vi dâm ô với một loạt học sinh nam, hay ở Thái Bình thầy giáo trường chuyên có tiếng gạ tình nữ sinh lớp 10 với cả những bằng chứng về tin nhắn, ghi âm cuộc gọi được đưa ra đầy đủ khiến xã hội bàng hoàng và phẫn nộ.... Mới đây nhất, dư luận lại dậy sóng bởi thông tin thầy giáo Dương Trọng M. giáo viên trường tiểu học Tiên Sơn (Việt Yên, Bắc Giang) dâm ô với chính những học sinh lớp mình chủ nhiệm. Đến lúc bị phát giác thì người này xin ra khỏi ngành.
Có rất nhiều câu hỏi đang được đưa ra: Đạo đức thầy trò đang dần xuống dốc? Xin ra khỏi ngành là "lối thoát" để người ta rũ bỏ mọi trách nhiệm?!
Để có những đánh giá khách quan và hiểu rõ hơn về câu chuyện buồn này, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh, nguyên Hiệu trưởng hệ thống trường Việt - Mỹ.
Từ xưa đến nay, người thầy được coi như những người cha, người mẹ thứ hai. Vậy mà thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện những vụ việc đáng buồn như: Thầy bạo hành, dâm ô với học sinh của mình. Phải chăng những chuẩn mực của ngành giáo dục đang bị sứt mẻ, đạo đức thầy trò đang dần bị biến chất dưới tác động tiêu cực của xã hội?
Đọc được những tin như vậy tôi thấy được nhiều vấn đề mà chúng tôi-những người làm giáo dục đang gặp phải. Môi trường giáo giục là môi trường nhạy cảm. Trong trường mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh rất gần gũi với nhau. Ranh giới giữa gần gũi thân mật hay sự động chạm lợi dụng có lúc vẫn rất mong manh.
Tôi có thể đưa ra ví dụ thế này: Trước khi làm thạc sĩ tôi cũng từng chủ nhiệm lớp 9. Ở lứa tuổi này các em đã khá lớn. Lúc đó tôi dẫn học sinh của mình đi thi, sau khi về đích người đầu tiên em đó chạy đến ôm chính là tôi. Em ôm rất chặt, cái ôm đấy thực chất nó chỉ là mong muốn chia sẻ cảm xúc đơn thuần với những người em yêu quý. Nhưng nếu không hiểu, hay chỉ vô tình một tấm ảnh chụp lại khoảnh khắc đó được đăng tải thì câu chuyện sẽ đi theo hướng khác.
Tuy nhiên, với trường hợp quá thân mật, hay có những tác động bởi rượu bia hay khoảnh khắc cảm xúc thay đổi thì rất dễ trở thành lợi dụng. Việc lợi dụng là không thể chấp nhận được, cần phải lên án mạnh mẽ.
Theo thầy với vụ việc thầy giáo ở Bắc Giang có thể đổ lỗi là do say rượu không làm chủ được cảm xúc rồi xin ra khỏi ngành là xong, thầy có suy nghĩ như thế nào về sự việc này?
Không trực tiếp chứng kiến vụ việc, tuy nhiên tôi nhận ra một điểm sai hoàn toàn ở đây chính là: Theo quy định trong thanh tra của ngành giáo dục, giáo viên khi có nồng rượu trong người thì tuyệt đối không được đứng lớp, phát hiện sẽ bị đình chỉ ngay lập tức. Mà thầy M. trước đó đã có hơi rượu và có những hành động thân mật hơn bình thường với học sinh.
Tôi đang tự đặt ra một câu hỏi “Điều gì đang đặt ra với ngành giáo dục Việt Nam?”. Chúng ta cần một “ai đó” đưa ra những nguyên nhân cụ thể để tìm ra các giải pháp giải quyết. Tôi rất ủng hộ cách suy nghĩ của cô bé N.T.L.A khi quyết định đưa sự việc lên mạng xã hội để tìm kiến sự hỗ trợ của mọi người khi em chia sẻ: “Những tin nhắn này đã bị cấm, không được truyền ra ngoài. Cháu đăng để mọi người biết sự tha hoá của xã hội thôi chứ không cố ý huỷ hoại danh tiếng của nhà trường. Chúng cháu cũng rất vất vả khi ôn luyện vào trường, chỉ là mọi sự chịu đựng đều có giới hạn. Cháu không biết hành động của mình có đúng không nhưng cháu đăng lên là muốn có người sẽ vào cuộc chứ không phải câu like ạ. Cháu nghĩ họ sẽ làm theo quy trình như những chuyện khác”.
Nếu như cơ quan công an và đơn vị chức năng đủ bằng chứng kết luận thầy giáo có hành vi dâm ô hay bạo hành, tôi đề nghị phải xử lý nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật, không thể cứ xin ra khỏi ngành là xong.
Rất cảm ơn thầy về những chia sẻ trên!
Phạm Hằng